Cụ bà 92 tuổi 40 năm thầm lặng may mền tặng người nghèo

15/03/2017 14:02 GMT+7

Suốt hơn 40 năm nay, cụ bà Phạm Thị Màng (cụ Tư Màng, 92 tuổi) vẫn thầm lặng thu nhặt từng mảnh vải vụn để may thành những chiếc mền ấm tặng người nghèo và đồng bào gặp hoạn nạn, thiên tai.

Chúng tôi đến hẻm 29, đường Lạc Long Quân, KP.3, P.4, TP.Tây Ninh hỏi thăm cụ Tư Màng thì hầu như ai cũng biết. Từ hàng chục năm qua, người dân ở đây đã quá quen với tiếng máy may cọc cạch phát ra từ căn nhà nhỏ của cụ. Những hôm nào vắng tiếng máy may, người dân lại biết ngay là cụ lại mang mền đi tặng người nghèo hoặc bà đang bị ốm.
VIDEO: Bà cụ ngoài 90 tuổi vẫn miệt mài may mền giúp người nghèo


Hơn 40 năm nay, cứ đều đặn mỗi ngày cụ Màng lại thầm lặng bên chiếc máy may cũ kỹ may mền đem đi tặng ẢNH: GIANG PHƯƠNG
92 tuổi, mái đầu đã bạc phơ và tấm lưng còng, nhưng mỗi ngày cụ Màng vẫn dành hàng giờ ngồi bên chiếc máy may đạp cọc cạch làm ra những chiếc mền ấm. Dù lớn tuổi nhưng bà cụ không cần dùng đến kính lão vẫn khéo léo xỏ từng mũi chỉ vào kim trong khi đôi bàn chân vẫn đủ khỏe để đạp máy đều đều. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Bà tự hào khoe, bà có đến 7 người con, đứa nào cũng ổn định, biết yêu thương quan tâm bà. Hiện bà sống cùng đứa con trai út 56 tuổi vẫn chưa lập gia đình, đang làm công quả ở chùa Tòa Thánh. Việc bà dành gần trọn cuộc đời mình để may mền từ thiện đều được các con ủng hộ hết mình.
Bà Màng kể, chiếc máy may đã hơn 40 tuổi và nó đã giúp bà hoàn thiện hàng triệu chiếc mền ấm cho người nghèo ở khắp cả nước. Cái nghề may này được bà học lóm từ con dâu, lúc đầu tập tành cho biết rồi thành quen. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Thấy thợ may thường bỏ đi những mảnh vải thừa, bà thấy tiếc bởi còn nhiều người nghèo, người khốn khó gặp thiên tai, lũ lụt phải co ro trong giá lạnh mà không tìm được mảnh vải đắp. Nghĩ đến đây, bà đem hết số tiền của con cháu cho dưỡng già mua được chiếc máy may và vài bao vải vụn để bắt đầu công việc thầm lặng. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Vải được mua về, bà tuyển lựa, phân loại lớn nhỏ kỹ lưỡng. Buổi tối, bà cắt vải thành những mảnh hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tam giác đều nhau. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Bà cắt gọt vải tỉ mỉ đến từng sợi chỉ nhỏ ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Đến sáng, bà lại ngồi lên máy may ráp chúng lại. Mỗi tấm mền rộng 2m, ngang 1,5 m muốn bền, đắp ấm bà may thành 2 lớp được ghép lại từ hàng trăm mảnh vải vụn bé xíu ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Để làm được một chiếc mền đẹp, mỗi tấm bà phải tỉ mẩn từ 2-3 ngày và tốn rất nhiều công sức ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Chiếc radio của bà cụ lúc nào cũng mở những giai điệu cải lương ẢNH: GIANG PHƯƠNG
May xong, bà cắt gọt cho đều, đẹp các góc rồi may đường viền cẩn thận để mền bền, chắc. Sau đó, bà đem mền đi giặt sạch sẽ, ngâm nước xả vải cho thơm, phơi khô rồi bỏ vào bịch nilon để sẵn. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Mền được xếp gọn gàng ẢNH: GIANG PHƯƠNG
May viền cho mền được bền, đẹp ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Suốt nhiều năm trời mua vải vụn, một lần các mối bán vải tình cờ biết chuyện bà cụ phải bỏ tiền túi mua vải về may mền tặng cho người nghèo thì tất cả đều cảm động, nên sau đó họ cho người chở vải vụn miễn phí đến tận nhà để bà khỏi phải đi lại cực nhọc. Tiếng tốt về cụ Tư Màng truyền đi xa, số vải vụn được khắp nơi gửi đến cho bà. Trong căn nhà nhỏ của cụ bà 92 tuổi, đâu đâu cũng xuất hiện những bao vải vụn chờ đến lượt được bà làm thành những tấm mền ấm áp gửi đến tay người khốn khó ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Trước đây còn khỏe, mỗi ngày bà may được 1-2 tấm mền. Còn giờ đây, sức khỏe giảm sút nên cứ 2 ngày bà làm được 1 tấm. Cụ Màng nở nụ cười triều mến rồi nói chắc nịch: “Nếu tính thành tiền thì mỗi chiếc mền chắc chỉ đủ để ăn 1 bữa cơm thôi. Người khổ, người khó hơn mình còn nhiều lắm. Mình không có tiền thì góp sức. Chỉ đến khi nào tôi không sống nữa thì tôi mới nghỉ việc” ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Nụ cười của bà cụ sau khi hoàn thành một sản phẩm. Theo cụ, cứ làm được 5-10 cái, bà lại đem đi tặng hoặc ai cần đến nhà xin thì bà mang ra cho. Những khi đau ốm không đi được thì bà gửi Hội Phụ nữ đến trao dùm bà… “Mền đến tay bà con là có thể đắp được ngay vì đã được giặt sạch, thơm tho”, cụ Màng tươi cười nói. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Mỗi tháng, bà dành hơn 200.000 đồng để đóng tiền điện. Tháng nào có lịch đi làm từ thiện nhiều thì tháng đó tiền điện tăng hơn một chút vì bà phải thức khuya hơn để may ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.