Cụ bà nhặt ve chai cùng 8 con Mi và Ú U: Chồng cũ gặp là mời cà phê

23/09/2019 13:04 GMT+7

8 con mèo được cụ Diệp đặt tên là Mi, con chó được đặt tên là Ú U, khi cụ còng lưng đẩy chiếc xe lượm ve chai khắp phố phường ở TP.HCM, Mi và Ú U nằm im nhìn người, xe tấp nập.

Bà con sống ở quanh khu nhà tang lễ Bệnh viện An Bình, Bệnh viện 7A (Q.5, TP.HCM) không còn lạ với chiếc xe lượm ve chai chắp vá bằng đủ thứ gỗ, bìa các tông, tre nứa bỏ đi của cụ Trần Thị Diệp, 66 tuổi.
Đây là mái nhà che nắng mưa cho đàn con với 8 con mèo và 1 con chó của cụ, còn cụ, không nhà cửa, nay ngủ qua đêm ở trước mái hiên nhà này, mai lại tìm góc sân của nhà thờ để sống qua đêm, chờ tới lúc tờ mờ sáng thì tỉnh dậy.

“Nhiều người hỏi tôi xin chó, mèo về giết thịt”

Trên vệ cỏ đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM một buổi chiều, chúng tôi gặp cụ Diệp ngồi ghép những mảnh gỗ vừa lượm được thành “sàn nhà” mới cho bầy con của mình. Xưng là “mẹ”, gọi Mi và Ú U là con, mỗi khi nhặt được bịch cơm nguội hay chiếc bánh mì bỏ đi, cụ đều cất giọng “Mi ơi, Ú U ơi, ra đây mẹ bảo”. Đáp lại lời “mẹ”, lũ mèo con dụi dụi cổ của mình vào tay cụ, còn con chó, mặc dù tên Ú U nhưng gầy trơ xương, mừng rỡ chạy tới dụi đầu vào đôi má nhăn nheo của người mẹ khốn khổ.
“Có chúng nó, đời tôi bớt hiu quạnh hơn. Ú U là con chó bị bệnh người ta bỏ đi dọc đường, đàn mèo cũng vậy, con thì bị bỏ rơi ở chợ, con thì đi lạc, bị ốm vất vưởng đầu đường xó chợ, tôi thương xót, nên lượm chúng về, lấy tiền ve chai mua thuốc cho uống rồi kiếm cơm cho chúng nó ăn. Dân nhậu nhìn đàn con tôi thì ham lắm, có ông suốt ngày xin con mèo đen của tôi, rồi nói xin chó về nuôi, nhưng kỳ thực để giết thịt. Xin không được, họ còn rình bắt trộm Ú U mấy lần”, cụ Diệp vừa vuốt ve đàn con đông đúc của mình trong tay vừa kể.

Dòng đời hối hả trôi, cụ bà và đàn con chó mèo của mình vẫn lặng thầm mưu sinh

Bảo Vy

Cụ bà thương Mi như con

Bảo Vy

Đàn con ngoan ngoãn trong vòng tay "mẹ"

Bảo Vy

Cụ Diệp đeo cho mỗi con Mi, Ú U một cái chuông, “đêm hôm nếu có ai rình bắt chúng, nó chạy tới chạy lui tôi cũng nghe được mà tỉnh giấc”, cụ Diệp bảo. Trỏ tay vào một cái búa đồ chơi bằng nhựa cho trẻ con, cụ Diệp cười: “Mi và Ú U rất ngoan. Khuya thì tôi đập cái búa kêu “bộp bộp” là chúng biết đến giờ đi ngủ, phải nằm rất ngoan trên xe. Đến sáng, mà chúng rục rịch dậy nhưng tôi chưa cho, tôi đập lần nữa kêu “bộp bộp” là chúng nó biết phải nhắm mắt lại mà ngủ tiếp. Chiều chiều, nghe tiếng bánh xe ve chai lọc xọc là nó biết đi tới ổ gà trên đường Nguyễn Trãi chuẩn bị rẽ vô Trần Tuấn Khải, gần nhà tang lễ An Bình, thế là chúng tôi sắp tới nhà”.
Gọi là nhà, nhưng nơi nghỉ lưng của cụ Diệp sau một ngày lượm ve chai khắp phố thị là vỉa hè, mái chợ, hoặc nơi nào đó có thể kê miếng bạt, trải cái bao có thể ngồi dựa vào, chờ trời sáng: “Ngày nắng, tôi ngồi bên vệ cỏ nghỉ, thì Ú U cũng nằm ngủ bên cạnh ngon lành. Ngày mưa, tôi chỉ kịp che chắn cho bầy chó mèo thì chạy dạt vào mái hiên nào đó mà tránh. Khổ nhất những ngày bệnh, tôi không có chỗ nằm, cứ vật vạ nơi này nơi kia, nhiều nơi họ xua đuổi”.

Cả một đời sóng gió

Cụ Diệp cho biết, mình sinh ra ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh nhưng từ trước năm 1975 cả gia đình đã lên Sài Gòn kiếm sống. Từ ngày đặt chân lên mảnh đất được gọi hoa lệ này, cụ đều chưa có một mái nhà riêng, cả gia đình đều sống tạm bợ nay đây mai đó.
Sau thống nhất, cụ đi khu kinh tế mới ở Đồng Nai sau đó quen với người chồng của mình ở nơi đó, họ lấy nhau và dọn về TP.HCM cùng mưu sinh. Nhà chồng có một gian nhà ở đường Châu Văn Liêm bây giờ, nhưng đông con cháu, anh em, hai vợ chồng cũng đành chỉ ở mái hiên, gầm cầu thang.
“Ban ngày thì vất vưởng ngoài đường kiếm sống, tối về thì ở dưới gầm cầu thang. Ông ấy đạp xích lô, tôi thì bán ốc, ngày đó bán đắt hàng lắm, nhưng cũng không thấm vào đâu vì 7 miệng ăn. Tôi sinh được 5 người con nhưng cảnh không nhà cửa, ít học hành, các con không được dạy dỗ tới nơi tới chốn, đứa tù tội, đứa vì khổ quá mà thắt cổ tự vẫn, đứa sau này chết cháy khi đi làm thuê cho nhà người ta ở dưới xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, giờ chỉ còn một đứa thần kinh không bình thường, sau một lần bị tai nạn giao thông…”, cụ bà lượm ve chai chầm chậm kể lại đời mình.

Chiếc xe ve chai đi trên đường Trần Phú, Q.5

Bảo Vy

Cụ Diệp 10 năm trước đây có tiền thuê nhà ở Q.8 nhưng dần dần cuộc sống khó khăn, đành sống cảnh vô gia cư

Bảo Vy

Năm 2001, vợ chồng cụ Diệp ly hôn bởi cuộc sống quá khổ cực, túng quẫn phát sinh ra những mâu thuẫn không thể hàn gắn. Người con cuối cùng còn sống, năm nay 29 tuổi đi theo một người quen trong nhà để làm thuê mướn, nhiều lần bị mắng chửi vì không nhanh nhẹn như người ta. Cụ Diệp, tuổi cao, sức yếu vẫn mưu sinh với nghề lượm ve chai khắp các ngả đường Q.5, Q.3, Q.10, Q.1, dành dụm tiền cho con… Nhiều người thấy cụ già yếu, lại dắt theo đàn chó mèo thì thương, người cho đĩa cơm, người cho ổ bánh mì, người lại biếu cụ vài chục ngàn đồng mua đồ ăn cho chúng.
“Tôi cứ lượm ve chai về, vài ngày được nhiều thì đi bán một lượt, có ngày được vài chục, nhiều nhất thì được 100.000 đồng, đủ tiền ăn cơm bụi, tắm giặt thì ở nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần vài ngàn đồng. Mi và Ú U cũng được tắm, cho sạch sẽ”, cụ Diệp kể.

Ổng vẫn mời cà phê và cho tôi 20.000 đồng

Tuổi già, gia đình tan đàn xẻ nghé sống cảnh “bụi đời” không chốn nương thân kể cả khi ốm đau, bệnh tật, nhưng với cụ Diệp, mình còn là người may mắn hơn rất nhiều người khác vì còn có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân.
Cụ bà khắc khổ chìa ra tờ giấy quyết định của toà án cho vợ chồng chia tay, rồi cười: “Vợ chồng chúng tôi dù chia tay nhau, nhưng cùng cảnh sống vô gia cư, vẫn coi nhau như bạn. Ông ấy đạp xích lô, gần chợ An Đông. Sáng sáng mà ông ấy thấy tôi, thế nào cũng mời tôi ly cà phê, rồi cho 20.000 đồng đủ ăn suất cơm trưa”.

Nhiều người thương cụ bà và đàn chó mèo thường biếu cụ một ít tiền

Bảo Vy

Chiếc xe vẫn chầm chậm trôi, đàn chó mèo vẫn đi theo cụ bà vô gia cư trên hành trình kiếm sống

Bảo Vy

Trong khi đó, cụ Diệp, mỗi khi chầm chậm đẩy chiếc xe ve chai và đàn chó mèo của mình dọc phố phường, nhiều người lại thấy thương, chạy tới cho ít ve chai cũ, người cho hộp cơm, người gói ít bánh kẹo, quần áo cũ, đủ để cụ và "đàn con" nương tựa vào nhau lúc tuổi già.
“Có lúc tôi thất tôi khổ quá, đêm nằm cứ khóc và bảo sao trời không cho tôi chết, tôi muốn lao đầu ra đường cho kết thúc đời cái thân già này. Nhưng ngẫm lại, nếu mình không chết thì sao, què quặt thì còn khổ hơn. Một hôm đẩy chiếc xe qua vòng xoay Nguyễn Tri Phương, tôi thấy hai người mù đang dắt díu nhau tìm cách qua đường, họ còn khổ hơn tôi rất nhiều lần. Quý nhất trên đời là đôi mắt và đôi tay, tôi còn cả hai, tôi vẫn tự làm và nuôi sống mình được. Tôi chỉ ao ước, mình khoẻ, ráng làm, để có tiền thuê được cái nhà nào nhỏ nhỏ, đón con trai tôi về…”, cụ Diệp đưa mắt nhìn xa xa.
Giữa đông đúc náo nhiệt của TP.HCM, chiếc xe ve chai và đàn chó mèo của cụ già lặng lẽ lăn bánh. Mi và Ú U mở tròn đôi mắt nhìn xe và người vùn vụt trôi qua…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.