Ăn, ngủ cạnh cả ngàn... ngôi mộ
Tìm đến nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ (Q.2, TP.HCM) vào một buổi sáng, tôi vẫn rợn người khi bước chân trên con đường mòn dẫn vào ngôi nhà giữa những hàng mộ san sát. Nơi sinh sống của
gia đình cụ bà Bùi Xuân Hương (79 tuổi), cũng là nơi… an nghỉ của hơn 1.000 người.
Theo lời kể của cụ Hương, năm 1969, hội (một nhóm người hùn vốn để lập nghĩa trang chôn cất - PV) Kiến An muốn mua một mảnh đất làm nơi chôn cất cho những người trong hội, nhưng không đủ kinh phí. Nên bấy giờ, hội Kiến An mới họp với hội Ngọc Lũ, hùn vốn được 1,9 triệu đồng,
mua mảnh đất ở đây.
Nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lũ hiện có khoảng 1.200 mộ phần. Chính quyền địa phương đã vận động dừng việc chôn cất tại đây khoảng 5 năm nay
|
Căn nhà của gia đình bà Hương nằm cạnh nhà quàn, giữa nghĩa trang
|
“Do nhà vợ chồng tôi gần mảnh đất hai hội mua làm nghĩa trang, nên họ có cho tôi một khoảng đất ở giữa để cất nhà sinh sống. Đồng thời làm công việc chăm sóc, trông coi mộ phần. Tôi nghĩ coi như làm phước nên vào đây ở từ đó, trông mộ không có thù lao gì hết. Giật mình nhìn lại đã thấy nghĩa trang kín người nằm, thấm thoắt cũng đã 50 năm”, cụ Hương bồi hồi kể lại.
Gần 80 tuổi, cụ Hương vẫn còn minh mẫn và khỏe khoắn. Lục đục chống gậy, cụ có thể đi từng ngôi mộ,
dọn cỏ rác, hương khói tươm tất mỗi ngày. “Ngày xưa còn ổng phụ, mà ổng mất cũng gần 5 năm rồi… Còn có mình tôi đi tới đi lui. Cũng may giờ có mấy đứa con cháu nó dám ở, nó phụ giúp mình được phần nào”, cụ bộc bạch.
Gần 80 tuổi, cụ Hương vẫn khỏe mạnh để làm công việc chăm sóc những người đã khuất
|
Mộ phần luôn sạch sẽ vì có cụ quét dọn hàng ngày
|
Đống cỏ lớn um tùm trong nghĩa trang được cụ dọn gọn gàng, chất thành đống chuẩn bị đốt
|
Ban đầu, chỉ có một vài hàng mộ, càng về sau lại càng nhiều dần. Những ngôi mộ ở đây đa phần đều được ông Hiệp (56 tuổi), con trai cả của cụ Hương phụ trách xây dựng. Trước đó cũng thường đi xây mộ, làm công việc liên quan đến người đã khuất, nên ông Hiệp chẳng sợ sệt gì. Cả gia đình con cháu ông đang ở cùng cụ trong căn nhà… rùng rợn giữa nghĩa trang này.
Còn các con còn lại của cụ thì yên bề gia thất ở gần đó, vẫn thường tới lui thăm cụ. Quanh căn nhà của cụ, những giậu rau vẫn xanh tươi, củi chất gọn thành đống để dành nấu cơm. Có miếng lưới nuôi dăm ba con vịt và hồ cá bảy màu tung tăng bơi lội. Chiều chiều, chị Vi (33 tuổi), cháu dâu bà đẩy xe thức ăn nhanh bán ngay trước cổng nghĩa trang để mưu sinh.
Cuộc sống của họ vẫn bình thường như bao nhiêu gia đình khác, dù nó khiến ai nghe cũng phải... lạnh người.
"Ở đâu cũng vậy, chỉ cần mình sống tốt..."
Tôi mạn phép hỏi, ăn ngủ cùng hàng nghìn người đã khuất, có bao giờ cụ Hương thấy điều gì “bất thường”. Cụ lắc đầu nguầy nguậy: “Mình trông nom, dọp dẹp tươm tất nơi ở cho “người ta” an nghỉ, nên “người ta” cũng đâu cho mình thấy làm gì. Mình cứ làm điều thiện lành, sống đúng với cái tâm thì ở đâu cũng vậy”.
Cụ còn đùa, sống ở nơi nhiều âm khí thế này, nhưng dường như được phù hộ, nên 80 năm cuộc đời, cụ vẫn khỏe trân trân. Ông Hiệp cũng khẳng định, sống cùng mẹ bao nhiêu năm nay, xây biết bao ngôi mộ ở đây, ông cũng chưa bao giờ thấy gì khác thường.
Nhưng như sực nhớ ra điều gì, cụ Hương thốt lên: “À, có! Có một lần!”. Tôi thấy tim mình đập nhanh hơn, nhưng vẫn tò mò chăm chú vào cử chỉ của cụ. Rồi dắt tôi men theo hàng mộ nằm phía sau nghĩa trang, cụ đưa tôi viếng thăm ngôi mộ của một người mất trẻ. Tấm bia đề năm mất 1992, thọ 12 tuổi. Tôi xin phép thắp trước nén nhang, bởi biết mình sắp nghe câu chuyện nghiệt ngã của “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh”…
“Thằng bé tội nghiệp, đi chơi cùng bạn bè, tới một khúc sông, bạn bè nó biết bơi nên rủ nhau bơi qua bờ bên kia. Nó không biết bơi, nhưng nghe bạn bè nói “tụi tao lội qua kia, mày không lội được thì mày lặn”. Nói rồi tất cả nhảy ùm bơi đi một mạch. Thằng bé khờ khạo chẳng biết tin lời bạn thế nào mà cũng xuống theo, rồi hụt chân không cứu kịp. Ba mẹ đưa nó về đây đêm 29 Tết, khóc hết nước mắt. Sáng nó mất, tối đã phải chôn vì sợ sẽ sang năm…”, cụ Hương kể, giọng xót xa.
Mộ phần của "cậu bé" xấu số đuối nước khi bơi qua sông cùng bạn bè...
|
Đêm hôm sau, cụ Hương đang trong nhà thì đột nhiên nghe tiếng kêu rất lớn: “Má ơi, má”. Tưởng con của mình đi chơi bên nhà bên kia về, cụ ra cửa thì lại… không thấy ai. “Tôi đóng cửa đi vô, lát sau lại nghe kêu “Má ơi, má” rất lớn. Tôi vừa mở cửa vừa nói “Má đây, sao đi chơi về không vô nhà mà kêu”, nhưng lại không thấy ai. Thấy kỳ lạ, tôi đi sang nhà bên kia thì thấy con tôi vẫn ở bển”, cụ Hương kể tiếp.
Cụ cũng nói, không biết lúc đó cụ đang tỉnh hay mơ, hay tưởng tượng quá đà về cậu bé chết tức tưởi ấy... Nhưng kể từ đó, cụ hương khói cho phần mộ này nhiều hơn. Đó là lần “bất thường” đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho đến tận bây giờ.
Nhưng cụ nói, cụ không sợ ma chết, cụ chỉ sợ
“ma sống”. Trước kia, khi nghĩa trang này còn thông hẳn ra mặt đường, không có hàng rào, nên trở thành chống dung thân của những kẻ nghiện ngập, hút chích.
Để mồ mả không bị phiền hà bởi những kẻ nghiệm ngập, cụ Hương tự bỏ tiền xây bờ tường bao quanh nghĩa trang. Tối đến, cụ đóng cổng kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn
|
“Tôi dọn dẹp mả bắt gặp hoài. Tụi nó vô ngủ trên mả, hút chích quăng kim tiêm tùm lum, ghê lắm. Có lần tôi đánh liều hỏi, nó nói “mới đi tù về”. Tôi lẳng lặng đi vào nhà đóng cửa, không dám nói cho ổng biết vì sợ ổng ra gây gổ với tụi nó. Thấy bất an, tôi tự bỏ tiền xây luôn bờ tường phía trước bao nghĩa trang lại. Kể từ đó mới không còn tệ nạn ở đây nữa, cho “người ta” yên ổn an nghỉ, mình cũng đỡ lo lắng hơn”, cụ cho biết.
Câu chuyện bớt trở nên lạnh lẽo khi những đứa cháu cố của cụ Hương đi học về, ríu rít đùa giỡn vang vọng cả căn nhà. Tôi hỏi chúng ở đây có sợ không, chúng hồn nhiên lắc đầu: “Vừa yên tĩnh vừa rộng rãi nữa ạ. Có sân và cây cối cho tụi con chơi”.
Như cụ Hương nói thôi, ở đâu cũng vậy, miễn là mình sống tốt, bằng cái tâm thiện lành.
Cụ Hương nấu cơm bằng củi thu được từ cây cối trong nghĩa trang
|
Gần 20 con mèo hoang từ đâu đến nghĩa trang sinh sống được cụ chăm sóc
|
Cháu cố cụ chơi đùa bên ao cá sau nhà
|
Ông Hiệp thong dong nằm võng nghỉ ngơi ngay nhà quàn. Nhà quàn cũng là phòng khách của gia đình
|
Cuộc sống thường nhật của gia đình vẫn bình yên cạnh những mộ phần lạnh lẽo
|
Bình luận (0)