Mạo hiểm vượt sông Mã
Năm 2001, từ nguồn đầu tư của Chính phủ, xã Phú Xuân được đầu tư xây dựng cây cầu treo dài 153 m, với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Cầu bắc qua sông Mã, nhằm giúp cho hơn 1.500 nhân khẩu của 4 bản Phé, Mí, Vui và Bá (đều thuộc xã Phú Xuân) giao thương với bên ngoài.
Tuy nhiên, ngày 30.8.2018, cơn lũ dữ đổ từ thượng nguồn sông Mã về, quật cây cầu đổ nghiêng, hư hỏng. Trụ cầu bờ tả bị kéo gãy, dây văng bị đứt, mặt cầu lật nghiêng không thể qua lại được. Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa sau đó đã tổ chức thẩm định, đánh giá không thể khắc phục, sửa chữa mà phải tiến hành tháo dỡ. Tuy nhiên cho đến nay, cầu hỏng vẫn chưa được tháo dỡ, chính quyền địa phương phải thông báo cho người dân không lại gần khu vực cầu để đề phòng tình huống cầu bị đổ sập, gây nguy hiểm đến tính mạng.
|
Từ đó, người dân xã Phú Xuân phải mạo hiểm đi bằng thuyền hoặc bè luồng qua sông. Chính quyền đã bố trí thuyền và giao cho một gia đình điều hành trực 24/24 để đưa người qua lại. Nhưng thuyền chỉ đi lại như vậy được trong mùa khô, còn mùa mưa lũ, nước sông Mã dâng cao chảy xiết nên xã bị cô lập với bên ngoài.
Tháng 2.2017, Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Hồi Xuân (gọi tắt là Công ty Hồi Xuân) đã lập dự án xây dựng cầu treo mới, cách vị trí cầu treo bị hư hỏng khoảng 500 m về phía hạ lưu để thay thế cho cầu cũ. Lý do, khu vực các bản Phé, Mí, Vui và Bá nằm trong vùng ngập của Nhà máy thủy điện Hồi Xuân nên cây cầu cũ nếu không bị hỏng thì cũng sẽ không thể sử dụng được khi nhà máy thủy điện tích nước.
Cầu treo mới có mặt cầu cao hơn cầu cũ để đảm bảo khi nhà máy tích nước sẽ không gây ngập mặt cầu. Dự án được đầu tư gần 19 tỉ đồng, nhưng sau khi dựng được 2 mố cầu ở 2 bên bờ sông thì dừng lại cho đến nay.
Ông Hà Văn Tuấn (45 tuổi, ngụ tại bản Phé, xã Phú Xuân) bức xúc: “Ngày trước, khi cầu chưa hỏng, con cá khô đưa vào bản cũng rẻ hơn; giờ người ta bán cá, cộng cả chi phí đi thuyền qua sông nên giá đắt hơn. Hàng trăm học sinh hằng ngày phải qua lại đi học hoặc những lúc có người đau ốm, khổ lắm. Còn cầu của thủy điện thì không biết bao giờ mới xong, chỉ thấy họ xây 2 mố cầu rồi để đó nhiều năm nay”.
|
Chờ đến bao giờ ?
Từ năm 2018 - 2020, Huyện ủy, UBND H.Quan Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục có văn bản đốc thúc Công ty Hồi Xuân tổ chức xây dựng cầu cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án nhà máy thủy điện, nhưng dự án cầu mới vẫn chưa được triển khai. Cuối tháng 2 vừa qua, Huyện ủy Quan Hóa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí để đầu tư, hoàn thành cầu treo mới cho người dân bớt khó khăn. Nhưng sau khi nhận được kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời không chấp nhận kiến nghị của Huyện ủy Quan Hóa, mà chờ Công ty Hồi Xuân thi công, hoàn trả cầu cho người dân.
Ông Hà Hồng Quản, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết nếu cứ chờ Công ty Hồi Xuân hoàn thành cầu, chưa biết đến khi nào mới có cầu cho người dân đi lại. “Tài chính của công ty họ yếu, đến nhà máy thủy điện đã hơn 10 năm còn chưa hoàn thành, huống gì cây cầu. Mà không riêng gì dự án cầu treo, họ còn đang nợ người dân xã chúng tôi 2 tuyến đường tránh ngập. 2 tuyến đường này cũng được lập dự án từ năm 2017, đến nay vẫn chưa làm gì. Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét, có biện pháp nào đó để sớm có cầu cho người dân đi lại”, ông Quản nói.
Như vậy, trong khi người dân hằng ngày mạo hiểm qua sông Mã, thì cầu treo mới chưa biết khi nào hoàn thành.
Theo báo cáo của UBND H.Quan Hóa, liên quan đến ảnh hưởng của dự án Nhà máy thủy điện Hồi Xuân, Công ty Hồi Xuân không chỉ nợ cầu treo và 2 tuyến đường tránh ngập ở xã Phú Xuân, mà còn nợ cầu treo bản Chiềng (xã Phú Sơn), 3 tuyến đường tránh ngập khác ở xã Phú Sơn và xã Phú Thanh (H.Quan Hóa).
|
Bình luận (0)