Đàn ông thích kiều nữ đẹp tự nhiên hay... dao kéo?: Rượu phải say, đàn bà phải đẹp

06/11/2018 09:32 GMT+7

Chuyện phụ nữ đi làm đẹp rồi bị "bể túi ngực", hay tiền mất tật mang là điều không hiếm trong xã hội ngày nay. Nhu cầu làm đẹp, "chỉnh trang" nhan sắc là có thật với phụ nữ ngày nay. Thế nhưng trong mắt bạn khác giới, vẻ đẹp đó sẽ như thế nào, đẹp tự nhiên hay đẹp "dao ké" sẽ thu hút người đối diện?

Nhiều phụ nữ khoái làm “nai”, ít ra phải từ nhan sắc, hình thức bề ngoài để có thể còn “hớp hồn” những con mắt khác. Đàn ông có khoái vợ hay người tình của mình như thế không? Khó có câu trả lời chính xác.
Nếu chọn lấy mẩu quảng cáo có duyên nhất, hóm hỉnh nhất về chuyện “tân trang” nhan sắc, tôi chọn lấy câu này - một câu được ghi nắn nót, bay bướm như rồng bay phượng múa: “Bạn hãy cẩn thận xưng hô lúc gặp phụ nữ trong thẩm mỹ viện của chúng tôi bước ra, có thể họ là bà ngoại của bạn”. Trời, tại sao có sự nhầm lẫn đáng tiếc?

Đơn giản chỉ vì người đó đã trẻ lại đẹp, đã duyên dáng lại mơn mởn "ngon mắt". Thế thì, cái tuổi tác thật đã bị đẩy lùi một cách diệu kỳ bởi bàn tay tài hoa của các chuyên gia thẩm mỹ.
Do đó, không phải ngẫu nhiên nhiều phụ nữ khoái làm “nai”, ít ra phải từ nhan sắc, hình thức bề ngoài để có thể còn “hớp hồn” những con mắt khác. Đàn ông có khoái vợ hay người tình của mình như thế không? Khó có câu trả lời chính xác. Vậy, với tôi thì sao?
Tôi nghĩ rằng, đã rượu, phải say. Đã đàn bà, phải đẹp. Có phẩm hạnh, nết na nhưng nhan sắc na ná Chung Vô Diệm, một chín một mười với Thị Nở, e rằng cũng chẳng có đấng mày râu nào ghé mắt đến. Nói thế, vậy hóa ra chính vẻ đẹp bề ngoài là yếu tố quyết định “giá trị” của người đàn bà sao? Đúng! Nghe câu trả lời quả quyết, hùng hùng hổ hổ như lúc cô diễn viên nọ tuyên bố: “Yêu mà không tiền chỉ có nước cặp đất mà ăn”, ắt sẽ có người gân cổ lên cãi chí chóe. Thậm chí còn chụp luôn cái mũ to tổ chảng về “quan điểm”, “đạo đức”... Mà này! Đừng vội nổi nóng.
Nhiều cuộc thi hoa hậu ngày nay đều có yêu cầu khắt khe về nhân trắc học do đó không hề có thí sinh dao kéo Ảnh minh họa

Theo tôi, “Xanh kia thăm thẳm tầng trên” cực hay, cực giỏi bởi ổng hết sức công bằng. Không thế, tục ngữ có câu “Trời cao có mắt” là gì? Bởi “có mắt” nên khi quan sát, nhìn, thấy người đàn bà nào “vừa mắt” thì mới “duyệt” cho lọt xuống cõi trần. Vậy, cứ theo lập luận này, không hề có người đàn bà xấu. Ai cũng đẹp. Tôi cam đoan bằng tất cả kinh nghiệm của một người từng chung chạ từ Gái đẹp trong tôi đến Tôi và đàn bà, rằng, ai cũng đẹp.
Mỗi người đẹp mỗi kiểu. Xấu cũng là một kiểu đẹp đấy thôi. Bằng chứng, hai lỗ tai của ta đã từng lọt vào những câu đại loại như: “Ủa? Sao kỳ cục dzậy? Cô nàng xấu đau xấu đớn lại có kép bảnh tỏn quá chời? Vô lý đùng đùng!”.
Chẳng vô lý gì.
Ta thấy xấu nhưng người kia thấy đẹp thì đã sao? Nếu ngồi ngẫm nghĩ một lúc, tự nhiên các câu danh ngôn về cái đẹp sẽ lướt qua óc như đoàn binh diễu hành. Đại loại, trong mắt con cóc đực, con cóc cái đẹp nhất; cái đẹp không nằm ở gương soi mà trong con mắt của kẻ si tình; không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không tự tin vào vẻ đẹp của mình... Tóm lại, đã phụ nữ thì đẹp. Đã đẹp thì có nên chỉnh sửa nhan sắc cho thêm đẹp không?
Cái tuổi tác thật đã bị đẩy lùi một cách diệu kỳ bởi bàn tay tài hoa của các chuyên gia thẩm mỹ Ảnh minh họa: Shutterstock

Không phải là người bảo thủ, nhưng tôi “cực lực phản đối” chuyện dùng “dao kéo” can thiệp vào nhan sắc. Này nhé, thử tưởng tượng trước mắt ta là một miếng thịt còn tươi roi rói, một con cá đang giãy đành đạch, một bó rau mướt xanh mơn mởn... cứ như thế, ta “ăn tươi nuốt sống”, có phải ngon hơn không? Việc là phải qua các công đoạn cầu kỳ chế biến, nào gia giảm, gia vị, gia màu... loạn xị cả lên? Cứ tưởng phải “ra tay” như thế mới là ngon, nhưng thật ra ta đã không thưởng thức đúng bản chất của sự vật.
Với phụ nữ cũng vậy, con mắt si tinh của tôi bao giờ cũng thích chiêm ngưỡng họ đúng như nhan sắc của họ đã được “cha sinh mẹ đẻ”. Trên đời này không có phụ nữ xấu, chỉ tại ta không biết nhìn và chọn lấy cái phần đẹp nhất của họ đấy thôi. Nói như vậy, tôi vẫn thích nhìn những người phụ nữ biết trang điểm. Ngay cả nhà thơ Xuân Diệu, cũng đã có lúc thốt lên một cách não nùng và da diết:
Em ơi chớ phụ duyên trời đất
Trang điểm vì ta chỉ một lần
Nhà thơ Thái Can cũng... gào lên:
Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười
Bầu chọn
Bạn thích phụ nữ đẹp tự nhiên, hay phụ nữ đã từng "dao kéo"?
Thế thì, tại sao phụ nữ lại không trang điểm khi đứng trước các đấng mày râu quân tử? Cứ trang điểm, cứ làm duyên, cứ đoan trang, cứ thùy mị, cứ nết na... đi, chẳng hại gì mà còn là để dịp khiến “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong”. Há chẳng phải là một niềm kiêu hãnh rực rỡ của phái đẹp đó sao?
Vậy, ta có bất ngờ khi gặp lại “cô bé lọ lem” ngày xưa nay đã “thay da đổi thịt” nhờ giải phẫu thẩm mỹ? Tôi đã từng gặp như thế, và lúc ấy tôi ngạc nhiên vì phải gọi cô ta bằng em ngọt xớt, dù trước đó phải gọi bằng chị đến gãy lưỡi! Mà nào chỉ có thế, câu quảng cáo duyên dáng mà tôi vừa nêu trên chẳng phải là một “ngộ nhận” đáng tiếc đấy sao? Đấy! Từ bà ngoại mà trở thành một thiếu nữ đương xoan quả là một kỳ công của giải phẫu thẫm mỹ!
Chà, lập luận nghe cũng chí lý quá. Vậy, thử hỏi, với tư cách một nhà thơ, tôi sẽ “giải phẫu thẩm mỹ” người mình yêu như thế nào? Thưa, giải phẫu thẩm mỹ người yêu bằng thơ cũng là một cách tỏ tình trong... sự cao thượng (!?). Chính qua thơ, hình ảnh người phụ nữ sẽ đẹp lên rất nhiều trong tâm tưởng của nhiều người. Với tôi là gì?
Đôi khi một dấu môi son
Như hoa phượng đỏ lúc hôn môi người
Cũng làm ta nhớ suốt đời
Cái màu lửa cháy của thời trẻ trai
Môi đỏ son, như lửa cháy luôn gợi trong tôi một hình ảnh đẹp. Tôi rất thích ca từ của Trịnh Công Sơn: “Thành phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”. Hát lên và nghe ấm áp. Bây giờ có model môi tím, màu mận chín cũng thấy là lạ, nhưng không hiểu sao nhìn vào đấy tôi lại luôn nhớ đến chocolate và... cảnh giác! Có sẽ vì sợ đôi môi ấy quyến rũ quá chăng?
Đôi khi ta đứng lặng yên
Để cho ai cắn rất mềm trên vai
Mưa thì ngắn nắng thì dài
Một hàm răng trắng nhớ hoài không quên
Một hàm răng trắng luôn tạo cho tôi một giá trị thẩm mỹ, cứ như nghe vang vẳng bên tai câu thơ Kiều: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Gì nữa? Cái màu da “bần quân” cũng là một sự hấp dẫn đấy chứ? Nói nhỏ nghe chơi, đừng có la toáng lên, thiên hạ cười đấy. Rằng, cái màu da bần quân/ hồng quân/ bồ quân ấy, tục ngữ nước Nam có câu “Da bồ quân, tụt quần không kịp”. Ông bà ta bảo thế. Ai hiểu sao thì hiểu. Lại nữa, cái nốt ruồi đen trên gương mặt thì sao? Tóm lại chuyện này ta có thể bàn luận với nhau dài dài. Nhưng trước hết, gửi bạn Thơ tặng một nốt ruồi:
vậy đó,
em váy đen, tóc đen và môi son màu đen
điệu nhảy của màu đen vạm vỡ
đã giẫm lên ngực tôi
sân khấu đen sắp làm tôi nghẹt thở
âm nhạc đi qua và làm tôi hoảng sợ
trên môi đen có một nốt ruồi đen
có phải linh hồn tôi đã rong chơi nơi đó?
đen đen đen đen
trong đêm đen tôi mơ hồ thấy em
từ một dòng suối trắng
không âm dương âm nhạc âm thanh
chỉ có nốt ruồi đen
cười lên tiếng hát...
Gì nữa? Thôi thì đã nói, nói luôn thể. Gì thì gì, tôi vẫn thích nhất lúc:
nàng khỏa thân và lao xuống biển
cơn sóng xanh bủa vây lấy nàng
bằng những tiếng động tục tằn và cuồng nhiệt
cuốn nàng ra khơi
khi nàng xõa cánh tay bơi
biển bắt đầu biết hát
cát bắt đầu biết thở
gió bắt đầu biết nghe
thiên nhiên lần đầu tiên mắc cỡ
mở mắt nhìn nàng…
Cuối cùng, dù xấu dù đẹp (tất nhiên tùy theo mỗi con mắt nhìn), tôi muốn nhìn vẻ đẹp của người phụ nữ trong tư thế mà cụ Nguyễn Du đã “tóm gọn” tài tình: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Điều này không lạ, bởi khi đói, tôi thường nghĩ đến... một miếng thịt bò “bít tết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.