Những năm trước, khu vực này là nghĩa địa, sau này mồ mả được dời đi, người vô gia cư đổ về đây sinh sống, cũng vì vậy mà cái tên Mả Lạng được hình thành và chết tên từ đó.
“Hồi đó ở đây mả nhiều dữ lắm, người ta dời mả đi rồi cất nhà ở nên kêu bằng Mả Lạng, cái tên đó kéo dài cho tới bây giờ luôn”. Chú Mười (65 tuổi, ngụ đường Bùi Viện, quận 1) cho biết.
Không ngán ai
Vì đây là khu vực của người vô gia cư, nghiện ngập sẵn, nghèo túng quẫn trong mấy căn nhà chật chội, tạm bợ nên vào những năm cuối thế kỷ 20, người dân ở khu Mả Lạng nở rộ tệ nạn mua bán cái chết trắng. Là nơi tập trung người vô gia cư, người từ tứ xứ đổ về sinh sống, Mả Lạng nơi được xem khu “tứ giác vàng” giữa trung tâm Sài Gòn nhưng luôn ám ảnh về cái chết trắng.
Được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh, đều thuộc quận 1. Khu Mả Lạng ngoằn nghèo với nhiều ngỏ hẻm ra vào như một mê cung trận.
Thời chuyên án Năm Cam của Bộ Công an, tình hình ma túy tại đây đặc biệt phức tạp, dân quân trực gác liên tục ở ngay đầu mỗi con hẻm, đủ cho thấy mức độ nổi tiếng của nó. Nổi đình đám nhất về tệ nạn buôn bán ma túy là các con hẻm 245 Nguyễn Trãi, 168 Nguyễn Cư Trinh…
|
“Khu Mả Lạng thì khỏi nói luôn, tao có quen thân với 4 ông trong đó. Cũng toàn là người có tiền án, tiền sự cả. Hồi xưa, dân trong đó bán ma túy nên họ sợ gì đâu, ai lạ mặt vào là họ đánh bán sống bỏ chết luôn”, chú Hổ (56 tuổi, người quen với những câu chuyện về Mả Lạng) kể.
Trong ký ức của đám trẻ con lít nhít sống ở Mả Lạng ngày ấy, những “câu thơ bất hủ" về cuộc sống quá nghèo và túng quẫn do cha mẹ dạy cho dường như đã muốn làm hư con người.
Cô Đào (56 tuổi, quê gốc ở Đà Nẵng, sống trong khu Mả Lạng đã mấy chục năm) đọc lầu lầu: Con ơi nhớ lấy câu này/Một đêm ăn cắp, bằng ba năm làm
Cô Đào nói, thời bao cấp làm lụng mãi mà cùng lắm chỉ có được vài cắc, đói khổ nên từ khi còn nhỏ, mọi đứa trẻ ở đây đều có sẵn tư tưởng sẽ… trộm cắp, buôn bán ma túy là nghề kiếm sống. Cũng vì thế, cô Đào đã trở thành gái giang hồ tự bao giờ, phải từng vào tù – ra tội…
Những người ra đi dễ dàng
Nhiều ngày tìm hiểu và làm quen với những tay “anh, chị” sống trong khu Mả Lạng mới biết, mỗi tối, họ thường tụ tập để rót vài tai nhau về những câu chuyện giai thoại giang hồ. Thế nhưng chủ đề chính đa phần vẫn là sự ra đi của một ai đó trong xóm do căn bệnh Sida tàn phá.
Ở Mả Lạng chuyện chết bờ, chết bụi hay chết trẻ đã quá bình thường. Có người nằm chết ngay bên bờ kênh đại lộ Đông Tây, có người thì chết khi chỉ mới ba mươi mấy tuổi.
Dân ở đây sống gắn kết, hễ “đụng chuyện” là có khi cả nhóm kéo ra sẵn sàng tương trợ nhau. Trong đó “Ba Cu” được xem là tay anh chị có số má nhất, kế đến phải kể đến “Cường Xiếc”.
“Hôm bữa đang nhậu thằng Huy hồng kông nó hát bài 5 anh em trên một chiếc xe tăng, anh Ba Cu xỉn nên tưởng nó kêu đám anh em Mả Lạng chơi dơ. Thế là ổng vác cây kiếm nhật, dài chừng này này (gần bằng một sải tay – NV) đòi chém thằng nó. Khi đó không một đứa em nào dám can hết,…”. Đen (34 tuổi), một cô gái sống trong khu Mả Lạng kể và cho biết: “Nói vậy thôi chứ chị với ổng cũng như anh em, chơi với nhau mười mấy năm rồi. Cuối cùng ổng nghe lời chị, vào nhà ngủ để mai tỉnh rượu rồi lúc ấy muốn chém, muốn giết gì cũng chẳng sao”.
Giờ đây Mả Lạng đã yên bình hơn, những căn liều dựng tạm bợ được thay thế bằng những căn nhà kiên cố. Những đợt trấn áp liên tục của cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua đã giúp cho tình hình ở Mả Lạng "hiền lành" hơn.
Số người buôn ma túy phần bị bắt, phần bị nghiện ngập, sida nên chết dần chết mòn. Tệ nạn giảm hẳn sau nhiều năm truy quét của công an khiến người dân yên tâm và an bình hơn. Còn việc để triệt tiêu hẳn tệ nạn "cái chết trắng" ở Mả Lạng thì còn phải tiếp tục trông cậy vào các cơ quan chức năng.
Bình luận (0)