Đi tìm hấp lực của thiền, 'giải mã' những chuyện kỳ lạ: Làm chủ chính mình

21/07/2018 11:12 GMT+7

Nhiều người cho rằng thiền là thế giới hư ảo, huyền bí, cao siêu không thể với tới. Ngược lại, có những người quá sùng bái, xem thiền như phép nhiệm màu có thể chữa lành mọi căn bệnh.

Một số người trong cuộc đã và đang trải nghiệm, thực hành thiền đưa ra những góc nhìn, cách hiểu của họ về thiền, về việc ứng dụng thiền vào cuộc sống hiện nay.
Không bí hiểm như nhiều người tưởng
Thiền nhập thất trên dãy Himalaya
Chị Trương Thị Hà Phương từng trải qua 30 ngày thiền nhập thất trên một ngọn núi thuộc dãy Himalaya. Theo chị, nếu có điều kiện lên núi nhập thất, tịnh tu thì tốt nhất vì ở đó yên tĩnh, không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên sau những khóa thiền đó, về lại với xã hội hiện đại, những thiền sinh mới rất dễ cảm thấy lạc lõng, bị sốc, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ sẽ có xu hướng muốn đi lên núi hoặc tìm chỗ yên tĩnh để thiền tiếp.
“Những bậc thầy dạy thiền chân chính luôn dạy làm sao để tâm tĩnh ngay cả khi ta đang ở giữa mớ hỗn độn, chứ không phải là phải tham gia một khóa thiền đóng thật nhiều tiền và đi thật xa”, chị cho biết.
Đầu năm nay, anh chàng độc thân Lê Việt Quý (ngụ P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã có cuộc trải nghiệm nhớ đời với thiền.
Chuyên viên marketing 28 tuổi này tâm tình, đến độ tuổi nào đó anh có cảm giác cần phải tĩnh lại, không được bồng bột nữa. Thời khắc đó xảy ra trong năm ngoái, khi anh bỗng thấy đã làm việc quá căng thẳng, cần phải nghỉ ngơi. Đúng lúc có người quen giới thiệu về khóa thiền do một trung tâm yoga ở TP.Đà Lạt tổ chức, anh đã lên đó tham gia hai tuần.
Quý hoan hỉ: “Thiền giúp tôi nhìn lại bản thân, biết suy nghĩ chín chắn và sống nhẹ nhàng hơn. Trước, tôi hay cằn nhằn sao sự việc không may lại rơi xuống đầu mình. Giờ, tôi nghĩ chuyện gì đến nó sẽ đến. Tôi ý thức hạnh phúc là trong hiện tại, nên trân quý từng giây từng phút trên đời”.
Tôi hẹn gặp Quý lúc 10 giờ sáng, đến nơi mới hay anh đã có mặt trước 30 phút. Mà không chỉ với tôi, trong các cuộc gặp Quý luôn đến sớm 15 - 30 phút. Phong thái chàng trai này hết sức điềm đạm...
Không giấu giếm, Quý tự so sánh: “Tôi từng là người khó chịu, kiêu căng, ăn nói cộc lốc, bốp chát và rất dễ buông lời làm tổn thương người khác. Lúc nào tôi cũng muốn chứng tỏ bản thân và cho mình đúng. Tôi quan niệm tính cách “phát xít” đó sẽ thúc đẩy công việc trôi chảy, hiệu quả... Sau này đến với thiền, tôi nhận ra nếu mình cư xử nhã nhặn, hòa hợp thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều”.

Từ cuộc cách mạng trong suy nghĩ, Quý bắt đầu “lột xác” qua từng thái độ, hành vi. Đặc biệt, anh chủ động... lập một danh sách dài những người mình từng gây hấn rồi gọi điện, gửi email hoặc trực tiếp gặp để xin lỗi. Quý cho biết một số người không (chưa) tha thứ cho anh. Thậm chí có người còn gửi lại Quý lá thư dài chửi bới, kể hết những chuyện ngày trước Quý la lối họ này nọ. Đọc xong thư, Quý chỉ ghi một câu: Em xin lỗi về tất cả.
“Dù họ chấp nhận sự hối cải của tôi hay không, tôi cũng thấy thoải mái. Bởi tôi nhận biết mình đã sai, nên cần xin lỗi chân thành”, Quý bộc bạch. Anh ước tính 30% bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng trước sự thay đổi của mình. Ngay cả mẹ anh cũng ngạc nhiên: “Có phải con... là con của mẹ không?”. Tuy nhiên, có khoảng 70% nghi vấn liệu Quý có bị vấn đề gì về tinh thần, có bị trầm cảm hay không!
Gần đây, Quý chia sẻ tin vui, anh vô tình gặp người sếp cũ mà anh vốn rất ghét. Thay vì né tránh, Quý kéo ghế lại, hỏi thăm sức khỏe. Mới đầu, người kia có vẻ gượng gạo. Nhưng sau cuộc gặp, hai bên kết nối nhau, mối quan hệ trở lại bình thường. Người kia cũng xin lỗi Quý chuyện bất đồng ngày trước.
Một nữ hành giả Kim Cang Thừa tại Nepal Ảnh: Học viện Rangjung Yeshe, Nepal
Tôi ấn tượng những câu nói của Lê Việt Quý: “Nếu mình không chủ động đối thoại, làm sao đối đầu chấm dứt?”, “Nếu không có bắt đầu, sao có tiếp tục?”. Nghe thật có tình có lý!
Sống thiền
Chị Trương Thị Hà Phương (30 tuổi, quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu) là cô gái VN đầu tiên theo học tại tu viện quốc tế Kanying Shedrub Ling, Kathmandu, Nepal. Hiện Hà Phương sắp hoàn tất giai đoạn cử nhân (4 năm) trước khi tiếp tục học lên thạc sĩ (3 năm) và tiến sĩ (2 năm) chương trình Phật học Kim Cang Thừa.
Theo chị Hà Phương, thiền là cách để điều khiển tâm mình. Chị dẫn câu nói của bậc đạo sư Chogyam Rinpoche: “Tâm chúng ta như những con khỉ, nó nhảy lung tung không ngừng". Thiền là phương pháp huấn luyện cho con khỉ đó bớt nhảy lung tung, để tâm tĩnh lặng, làm dịu bớt những căng thẳng trong cuộc sống. Trong Mật tông - Kim Cang Thừa, thiền là an trụ trong chánh niệm để khai mở những tiềm năng bên trong và đánh thức phật tánh vốn có trong mỗi chúng sinh.
Chị lưu ý: “Thiền khi không có bậc thầy dẫn dắt rất nguy hiểm. Bởi lúc đó thiền sinh dễ đi sai đường, lạc vào những cảnh giới do mình tưởng tượng ra, trở nên mơ hồ và bám chấp vào những suy tưởng đó dẫn đến tẩu hỏa. Cạnh đó, nhiều người cuồng thiền dẫn đến tâm trí bất ổn, không phân biệt thật và ảo. Cho nên, người theo thiền cần thận trọng”.
Anh Lê Việt Quý (thứ hai từ phải sang) trong khóa thiền tại Đà Lạt Ảnh: NVCC
Đại đức Thích Quảng Tánh (chuyên viên tư vấn Báo Giác Ngộ, TP.HCM) cho biết căn bản thiền Phật giáo có hai pháp: thiền định và thiền tuệ. Thiền định là nhiếp tâm, an trú tâm vào một đề mục thiền (thí dụ như hơi thở) để tâm được an tịnh, lắng đọng, định. Thiền tuệ là quán chiếu để thấy rõ sự thật khách quan về thân, tâm, thế giới là vô thường, duyên khởi, vô ngã. Tâm an tịnh, tuệ sáng tỏ thì hành giả vượt thoát mọi mê lầm si ám, xả ly tham sân si, sống thảnh thơi, tự tại trước mọi biến động của cuộc sống.

Theo đại đức, mọi người đều có thể học tập và thực hành thiền. Tham gia những khóa thiền ở chùa rất cần thiết cho người mới bắt đầu. Sau khi nắm được kỹ thuật căn bản rồi thì có thể tự hành trì. Đại đức khẳng định: “Các khóa thiền Phật giáo hiện nay được tổ chức không hề có mục đích thương mại. Mục đích duy nhất là giúp người học thiền biết phương pháp làm chủ thân tâm, phát huy đạo đức và hướng thiện”.
Ngoài ra, đại đức cho rằng thiền được ứng dụng trong mọi phương diện thực tiễn đời sống. Đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ đều có thiền. “Sống thiền là trung dung và hài hòa sao cho thân khỏe, tâm an. Thiền Phật giáo không chủ trương khổ hạnh, tuyệt thực, ép xác. Học thiền Phật giáo là học cách trở về, nhận diện, tiếp xúc, chuyển hóa thân tâm để làm chủ chính mình, hướng đến đạo đức - thiền định - trí tuệ”, đại đức giải thích.
Tiến sĩ y khoa Trần Cẩm Tú, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, cho rằng thiền cũng là một phương pháp tập luyện cho sức khỏe và tâm trí. Tuy nhiên, sẽ là suy nghĩ tiêu cực khi xem thiền là giải pháp giải quyết vấn đề của cuộc đời...
Có nhiều quan niệm về thiền và cách hành thiền. Một trong những câu nói còn đọng trong tôi là lời ví von của cô Trang Phương, huấn luyện viên yoga tại TP.HCM: “Thiền không giúp ta có sức mạnh vô biên để dời non lấp bể. Thiền chỉ giúp ta biết đặt khó khăn xuống nhẹ nhàng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.