Xe

Điểm đen kẹt xe ở Sài Gòn: Trường Chinh - Cộng Hòa, rồng rắn hít khói

21/04/2016 10:01 GMT+7

** Thanh Niên tổ chức tọa đàm giải pháp chống kẹt xe Một số đường cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm TP như quốc lộ (QL) 22, đường Trường Chinh, Cộng Hòa đang quá tải nặng bởi lượng xe di chuyển đông kinh khủng vào các giờ tan tầm.

** Thanh Niên tổ chức tọa đàm giải pháp chống kẹt xe
Một số đường cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm TP như quốc lộ (QL) 22, đường Trường Chinh, Cộng Hòa đang quá tải nặng bởi lượng xe di chuyển đông kinh khủng vào các giờ tan tầm.

Hàng ngàn xe ô tô và xe máy chen nhau nhích từng chút tại đoạn mũi tàu đường Trường Chinh – Cộng Hòa (Q.Tân Bình)Hàng ngàn xe ô tô và xe máy chen nhau nhích từng chút tại đoạn mũi tàu đường Trường Chinh – Cộng Hòa (Q.Tân Bình)
Quốc lộ 22 (đoạn từ vòng xoay An Sương - ngã tư Tân Trung Chánh, Q.12) là tuyến đường giao thông huyết mạch nối trung tâm TP, QL 1 với các huyện Hóc Môn, Củ Chi và tỉnh Tây Ninh đi cửa khẩu Mộc Bài.
Bầu chọn
Theo bạn, để giải quyết kẹt xe ở TP.HCM cần làm gì?
Hằng ngày, hàng nghìn lượt xe tải, container… từ các khu công nghiệp Tây Bắc TP như Tân Phú Trung (H.Củ Chi) Chà Là, Trảng Bàng(T.Tây Ninh)... theo QL 22 hướng về QL 1. Lượng xe di chuyển quá lớn khiến tuyến đường này thường xảy ra ùn ứ.
Cũng trên QL 22, đoạn chạy qua cổng bến xe An Sương, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe buýt và xe khách ra vào bến. Tuy nhiên khu vực cổng bến xe chật hẹp, khiến giao thông lộn xộn ở khu vực này.
Từ bến xe vào trung tâm, tuyến đường "độc đạo" Trường Chinh, Cộng Hòa đang hằng ngày cõng hàng chục ngàn phương tiện. Con đường huyết mạch ở cửa ngõ này nhanh chóng chật cứng người và xe, đủ để người dân "hít bụi, hít khói" mỗi ngày.
VIDEO: Mời bạn đọc cùng Thanh Niên góp ý kiến chống kẹt xe ở bàn tròn tọa đàm với Sở GTVT TP.HCM cùng các chuyên gia vào 9 giờ ngày chủ nhật 24.4.2016
Ùn tắc giao thông cửa ngõ Sài Gòn: Hướng Tây, Tây Bắc quá tải 1Nhiều người mệt mỏi vì ngày nào đi làm cũng bị kẹt xe trên đường Cộng Hòa
Đường quá nhỏ
Đường Trường Chinh (đoạn vòng xoay An Sương - mũi tàu Cộng Hòa) được mở rộng, thông thoáng, xe đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, đoạn từ mũi tàu Cộng Hòa đến ngã ba giao với đường Âu Cơ (Q.Tân Phú), dài hơn 600m hiện đang quá hẹp tạo thành điểm thắt giao thông tại đây.
Vào giờ cao điểm, nhiều người chạy xe qua đây phải chen lấn rùa bò qua khu vực. Dù được thanh niên xung phong và cảnh sát giao thông tích cực phân luồng nhưng không cải thiện được kẹt xe.
Đồng thời, ngã ba Tân Sơn Nhì giao với đường Trường Chinh (Q.Tân Phú) không có đèn tín hiệu giao thông, nên các hướng xe chạy xảy ra xung đột tại đây gây kẹt xe đoạn đường này nhiều năm qua.
Ùn tắc giao thông cửa ngõ Sài Gòn: Hướng Tây, Tây Bắc quá tải 2Đường Trường Chinh đoạn giao với đường Âu Cơ Dù được cảnh sát giao thông tích cực phân luồng nhưng không cải thiện được kẹt xe.
Một số người dân sống tại khu vực cho biết, kẹt xe ở đây ngày nào cũng có, chủ yếu vào giờ cao điểm. Buổi sáng từ 6 – 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 gờ 30 – 19 giờ, bởi đây là tuyến lưu thông chính của hàng chục ngàn người dân khu vực quận 12, Hóc Môn đi các quận như: 10, 5, 3, Tân Phú…
Anh Trần Nam Trung (42 tuổi, ngụ tại hẻm Tân Thới Nhất 1, P.Tân Thới Nhất, Q.12) cho biết đoạn đường Trường Chinh qua đây dài chỉ vài trăm mét, nhưng hằng ngày phải xếp hàng nhích từng chút, mất hơn 10 phút mới qua khỏi, quá tốn thời gian, thậm chí có hôm trễ giờ làm.
“Do công việc làm giờ hành chính, bắt buộc phải đi giờ cao điểm chứ không còn cách nào khác, rất mệt mỏi”, anh Trung nói.
Tương tự, ngã ba Trường Chinh - Âu Cơ (Q.Tân Phú) vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện cũng đối đầu khu vực này. Cụ thể, khi xe chạy hướng Âu Cơ về mũi tàu Cộng Hòa, sẽ cắt ngang chiều lưu thông hàng loạt phương tiện đường Trường Chinh đi Cách Mạng Tháng 8 (Q.10).
Mặt cầu quá hẹp
Còn đường Cộng Hòa (đoạn từ mũi tàu Trường Chinh - cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) cũng là điểm đen kẹt xe của TP trong nhiều năm qua.
Qua quan sát của Thanh Niên những ngày qua, từ 6 – 8 giờ 30, hàng ngàn phương tiện từ đường Trường Chinh đồng loạt đổ về tuyến đường này vào trung tâm TP, dẫn đến cảnh hàng nghìn xe máy chen ô tô nhích từng chút. Thậm chí, vỉa hè qua đây cũng trở thành đường lưu thông xe gắn máy.
Buổi chiều (4 giờ 30 – 19 giờ 30) hàng nghìn phương tiện cũng tiếp tục từ trung tâm TP đổ về hướng Q.12, khiến đường ken đặc xe di chuyển, rất khó khăn.
Ùn tắc giao thông cửa ngõ Sài Gòn: Hướng Tây, Tây Bắc quá tải 3Nút thắt cổ chai trên QL1, đoạn qua cầu Bình Điền (H.Bình Chánh) thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông.
Ngoài ra, tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), dù có cầu vượt thép trên đường Cộng Hòa nhưng cũng không thể giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe dưới chân cầu. Nguyên nhân do mặt cầu nhỏ trong khi lượng phương tiện đi lớn nên không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, dẫn đến thường xuyên ùn ứ tại khu vực.
Ở cửa ngõ phía Tây, QL 1 đoạn qua cầu Bình Điền (ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, nhưng hiện quá hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai. Các phương tiện giao thông hằng ngày qua đây phải xếp thành hàng, di chuyển chậm, rất mất thời gian. Ông Nguyễn Văn Cường (ngụ C2/4 QL 1, ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) cho biết: “Mặt cầu Bình Điền quá hẹp, trong khi xe di chuyển đông nên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, trạm đèn tín hiệu giao thông qua ngã ba Tân Kiên dài đến 75 giây, khiến xe dừng lâu nên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, buổi sáng từ 6 giờ 45 công nhân làm ở khu vực này chạy xe ngược chiều khiến giao thông rất lộn xộn”.
Xây thêm đường vành đai
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, đoạn thắt cổ chai đường Trường Chinh (từ mũi tàu Cộng Hòa – Âu Cơ) nếu giải tỏa được và mở rộng thêm đường thì rất tốt.
Đồng thời, trước mắt phải giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm vỉa hè qua đây, tăng thêm phần đường cho xe máy di chuyển.
Còn đường Cộng Hòa là tuyến giao thông huyết mạch nối đường Trường Chinh, QL 22 từ Tây Ninh vào TP, xe quá đông dẫn đến kẹt là điều tất nhiên không thể tránh khỏi.
Theo ông Mai, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết kẹt xe là TP cần quy hoạch mở thêm một tuyến đường vành đai từ Tây Bắc vào trung tâm TP, để thu hút người dân đi đường vành đai, giảm áp lực đường Cộng Hòa. Giống việc TP xây đường Phạm Văn Đồng nối khu Đông vào sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đối với nút giao thông qua QL1 ( ấp 3, X.Tân Kiên, H.Bình Chánh), mặt đường hiện quá hẹp, cũng cần được giải tỏa mở rộng. Còn cầu Bình Điền, chúng ta có thể đập bỏ và xây mới lớn hơn, hoặc có thể giữ lại và xây thêm một cầu song song với cầu cũ, để giao thông đảm bảo thông suốt”, ông Mai cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.