Tốt nghiệp đại học đi... bán ve chai
Nhiều người dân ở chung cư hay chủ các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… ở TP.HCM không lạ gì 3 chàng trai trẻ đi… thu mua ve chai tận nhà! Không chỉ mặc trang phục đồng bộ, chỉn chu, nhóm "Ve Chai Chú Hỏa" còn
ghi điểm với mọi người bằng sự vui tính, tận tình
hướng dẫn phân loại ve chai, ghi biên lai rõ ràng.
Ý tưởng khởi nghiệp độc lạ bằng nghề ve chai này được trưởng nhóm Nguyễn Vạn Tiến (28 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) khởi xướng cách đây 6 năm. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cậu bí thư Chi đoàn khu phố 2 (P.10, Q.5) đã
nhiệt tình với các hoạt động xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Sau những chương trình phân loại rác, thu gom ve chai gây quỹ, Tiến phát hiện mình có một niềm đam mê đặc biệt với… ve chai!
"Ve Chai Chú Hỏa" mua phế liệu vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần tại chung cư Xóm Cải (Q.5)
|
Tận tình hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn và phân loại, xử lý ve chai để bán được giá cao hơn
|
Chọn công việc "lấy công làm lời", 3 thành viên trong nhóm tạo thu nhập 60 - 70 triệu/tháng
|
“
Thu gom ve chai, cứ bắt gặp được một món đồ nào đó có thể tái chế, sử dụng được, hoặc một quyển sách cũ, một món đồ xưa, tự nhiên mình thấy thích lắm! Khoảng năm 2
đại học, mình làm thêm cho một cửa hàng thức ăn nhanh và thấy tiếc khi lượng ve chai bỏ đi rất nhiều. Từ những trăn trở đó, mình mua một cái cân, mang theo đi học. Tan trường là mình đi mua ve chai luôn!”, Tiến cười, kể lại.
Tự tìm tòi trang bị cho mình những kiến thức về rác và nghề mua ve chai, Tiến tự đi khắp nơi làm công việc hiếm có người trẻ nào chọn để khởi nghiệp. Những chuyến đầu tiên, mua được một món đồ cũ còn tốt, hay lời vài ba chục ngàn, Tiến sung sướng về nhà khoe với ba mẹ “Bữa nay con lời rồi”, “Nay con được món này hay lắm!”.
Nhưng đổi lại, ba mẹ Tiến chẳng hào hứng, mà còn
mắng té tát vì… "lo cho ăn học đại học đã đời lại ra làm nghề ve chai!". “Đâu ai chấp nhận đâu! Nhưng mình vẫn giữ đam mê và cố thuyết phục ba mẹ. Sau khi thâm nhập vào nghề này, mình nhận ra
kinh doanh phế liệu hiện vẫn đi theo mô hình truyền thống, nhỏ lẻ, không bắt kịp đà phát triển của thành phố. Vì vậy, phải xây dựng đội nhóm, cải tiến hình thức chuyên nghiệp hơn, hiện đại hóa hơn”, Tiến cho biết.
Trưởng nhóm Nguyễn Vạn Tiến ghi biên lai rõ ràng cho khách
|
Dù thu mua ở đâu, nhóm Tiến đều dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ cho người dân
|
“Ve Chai Chú Hỏa” ra đời từ đó, được chàng trai 9X đặt theo tên của “tổ nghề ve chai” là chú Hỏa, một thương nhân
người Việt gốc Hoa khởi đầu bằng gánh thu mua phế liệu nhưng sau đó sở hữu gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
"Hiện đại hóa" nghề... rác
Không chỉ đi đăng ký bảo hộ thương hiệu cho
doanh nghiệp mình, Tiến còn quy tụ được 2 chàng trai khác trong những lần đi bán ve chai tại các vựa. Cả 3 đều chung niềm đam mê về... rác! Một điều đặc biệt, không chỉ có Tiến tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, mà thành viên Minh Tuấn (30 tuổi, ngụ Q.8) cũng tốt nghiệp cao đẳng ngành
công nghệ thông tin.
“Cũng như Tiến, tốt nghiệp xong, người thân phản đối kịch liệt khi thấy mình đi mua ve chai! Nhưng giống như cái nghiệp vậy, mình thấy công việc này phù hợp. Ban đầu mình làm ở vựa, sau khi gặp Tiến thì như tư tưởng lớn gặp nhau vậy, nên về chung nhóm. Nhưng Tiến hên, vì lấy vợ trước khi vào nghề, còn mình vì làm nghề nên giờ ế luôn! Thử hỏi “bạn trai con làm gì”, nói làm ve chai, nhà gái nào chịu!”, Tuấn hóm hỉnh.
3 chàng trai tốt nghiệp cao đẳng, đại học vẫn quyết đi mua ve chai dù bị gia đình, người thân phản đối
|
Tất cả các thành viên đều có chung niềm đam mê về rác và tâm huyết với các hoạt động bảo vệ môi trường
|
Nhóm của Tiến chuyên thu mua ve chai tại cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, chung cư, trường học… Bởi theo Tiến, những nơi này sẽ tạo ra nguồn hàng ổn định, dễ truyền đi rộng rãi các thông điệp bảo vệ môi trường mà nhóm hướng tới.
“Khi mua ve chai, tụi mình sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách phân loại rác tại nguồn, chỉ rõ các loại phế liệu có thể bán. Hầu như tất cả người dân đều chỉ để lại chai nhựa, giấy để bán ve chai, nhưng thực tế, đĩa CD, kim loại, phim X-quang đều có thể tái chế và hiện đang là các loại ve chai “hút” hàng. Thêm nữa, nếu biết phân loại và xử lý ve chai, ví dụ giấy xé ra phân cụ thể thành 6 loại, sẽ được giá cao hơn”, Tiến giải thích.
Mặt khác, Tiến cũng cho biết, nhiều người dân hiện tại không còn mặn mà với việc chừa đồ phế thải lại để bán ve chai, với tâm lý “mấy ngàn bạc chừa chi cho chật nhà”. Vì vậy, nhóm của Tiến phải kiêm luôn việc thuyết phục, vận động người dân, nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho thế hệ sau, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi phân loại rác tại nguồn.
Nhóm Tiến thường phối hợp cùng địa phương, đoàn thể tổ chức các hoạt động vì môi trường
|
Tiến mang lại một cái nhìn mới mẻ và hiện đại cho nghề ve chai
|
Nhóm trích 20% thu nhập cho các hoạt động xã hội, tuyên truyền nhận thức về rác trên mạng xã hội, trường học...
|
Ngoài 3 thành viên chính, “Ve Chai Chú Hỏa” còn có 5 cộng tác viên
tình nguyện khác cũng là những bạn trẻ, phụ trách về các hoạt động xã hội. Là một cán bộ Đoàn, Tiến thường xuyên phối hợp với phường, quận tổ chức các hoạt động đổi rác lấy cây xanh, lấy nông sản an toàn, lấy quà, hoạt động hướng dẫn phân loại, cuộc thi tái chế tại các chung cư, trường học… Ngoài ra, những bạn trẻ này cũng đang “công nghệ hóa” công việc thu mua ve chai bằng cách phát triển fanpage, website chuyên về rác, tạo mạng lưới kết nối rộng hơn.
“Mỗi tháng, 3 người tụi mình có thể kiếm từ 60 - 70 triệu đồng. Tụi mình sẽ trích 20% thu nhập để thực hiện những hoạt động nói trên. Tiêu chí hoạt động của nhóm là dung hòa được giữa kinh tế và môi trường. Không vì cái nào mà quên cái nào!”, Tiến chia sẻ.
Bình luận (0)