Đời thường diễn viên xiếc Việt - Kỳ 4: Nước mắt lăn sau ánh hào quang

30/03/2017 13:33 GMT+7

Học hành, tập luyện vất vả, diễn viên xiếc sau khi ra trường phải mất từ 1-2 năm đào tạo lại mới có thể đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, lương bèo bọt cộng với nguy hiểm trong nghề đã khiến họ rơi rụng dần.

Bật khóc khi kể về nghề
Lô Thị Ngọc Thúy, 24 tuổi, quê ở Lạng Sơn, tổng cộng thời gian vừa học ở trường xiếc và làm ở Liên đoàn xiếc Việt Nam tới nay đã là 13 năm.
Chuyên môn của Thúy là nhào lộn, nên cô luôn phải giữ dáng 43 - 44 kg. Việc tập luyện không được bỏ dở giữa chừng nếu không muốn quay trở lại gặp nhiều khó khăn. Thúy xòe ra đôi bàn tay, những vết chai cứng màu vàng chanh nổi đều trên 2 lòng bàn tay. Ở hai bắp chân, các sẹo nhỏ cũng chi chít.
VIDEO: Đằng sau ánh hào quang sân khấu của nghề xiếc

“Từ sau Tết chúng em đi diễn nhiều. Trung bình mỗi tuần 6, 7 buổi. Mỗi phần biểu diễn của em là 7 phút, nhưng để có 7 phút tròn trịa, an toàn trên sân khấu là mất đến vài tháng trời tập luyện”, Thúy nói.
Thúy được các thầy cô ở trường xiếc trung ương về tận quê Lạng Sơn chiêu sinh, sau thời gian vừa học văn hóa, học xiếc ở Hà Nội, cô may mắn được ký hợp đồng luôn ở Liên đoàn xiếc Việt Nam. Sau cả ngày tập luyện vất vả, Thúy về nhà ở, đó là căn phòng tập thể của cơ quan ngay gần rạp xiếc T.Ư, phòng nhỏ hẹp, ở cùng nhiều người, chẳng đầy đủ tiện nghi, nhưng bớt được khoản tiền thuê nhà. Thúy không dám nhắc đến số lương mình nhận được mỗi tháng. Khi chúng tôi hỏi, cô có hay gửi về cho bố mẹ không, nước mắt Thúy cứ thế ứa ra.

“Mọi người không biết chúng em là ai, cuộc sống sau hậu trường như thế nào, không ai hiểu hết những vất vả, lận đận của nghề, mọi người chỉ biết chúng em lên sân khấu rất long lanh, ai cũng đẹp. Nhiều khi, nghĩ đến công việc của mình lại tủi thân lắm”, Thúy vừa lau nước mắt vừa nói.
Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho hay, xuất phát cũng là một diễn viên, sau này lên làm quản lý, ông hiểu hết những gian truân, vất vả trong nghề của thế hệ các em, các cháu.
“Tôi coi các diễn viên như con cháu của mình. Nhiều hôm thấy các cháu tập khổ quá, tôi ứa nước mắt thương. Lương nhiều cháu rất thấp, hơn 1 triệu đồng mỗi tháng vì chưa được vào biên chế, nhưng chỉ tiêu ở trên có hạn, tôi đau lòng mà không biết làm sao. Mới đây, tôi và các anh em rất cố gắng, mở được căng tin trong cơ quan. Mỗi bữa trưa, các cháu chỉ mất 5.000 đồng là được một bữa ăn no bụng, thế là cũng đỡ phần nào”, nghệ sĩ Tạ Duy Ánh bộc bạch.
Ước mơ của chàng trai 1,2 m đứng thăng bằng trên con lăn
Đều đặn mỗi buổi chiều đi xe buýt từ quận Hà Đông vào nội thành Hà Nội tập luyện, xong suất diễn buổi tối chừng 10 giờ khuya lại đón xe về Hà Đông, hành trình 2 năm nay của “chàng tí hon” Nguyễn Tiến Mạnh chỉ cao 1,2 m ở rạp Star Galaxy, nơi biểu diễn chương trình nghệ thuật giải trí Ionah show đều như vắt chanh như thế.
Chàng lùn Nguyễn Tiến Mạnh nhiều lần bị ngã khi đang tập đứng thăng bằng trên con lăn Ảnh: Bảo Ngọc
Mạnh có một chiều cao khiêm tốn, vóc dáng khác người, tuy nhiên anh thông minh, nhanh nhẹn và rất lạc quan. Tự mày mò học nhảy hip-hop, Mạnh may mắn xin được vào rạp Star Galaxy ban đầu chỉ để làm người đóng thế trong các show diễn. Sau này, anh được nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, đạo diễn xiếc của Ionah show để ý và truyền cho bài tập thăng bằng trên con lăn, Mạnh tập luyện không ngại ngày đêm. Sau nhiều tháng, đến nay anh đã có đứng vững trên cả 3 - 5 con lăn chồng lên nhau. Anh diễn gần như tất cả các buổi trong tuần tại rạp, ngoài ra, còn tham gia một số tập phim ngắn trên YouTube được giới trẻ quan tâm.
“Tôi từng có lúc rất chán chường, không biết mình có thể làm gì để nuôi thân, rạp hát này đã nuôi sống tôi, cho tôi những đồng lương đầu tiên và mở ra những cơ hội khác cho tôi. Công việc có vất vả, có nguy hiểm, nhưng rồi cũng quen”, Mạnh nói và chìa ra cái sẹo dài trên lưng, ghi dấu của một lần anh bị ngã đập người xuống khi đang diễn với các con lăn.
Bà Hà Nguyên Hương, Giám đốc nhà hát Star Galaxy cho hay, tham gia vào show nghệ thuật giải trí Ionah (sự kết hợp của nhảy, múa, xiếc, âm nhạc, ánh sáng…) là 17 diễn viên xiếc.
Những cô gái Mông Cổ trong các bài tập uốn dẻo ở rạp Star Galaxy, Hà Nội Ảnh: Bảo Ngọc
Nguồn cung cấp nhân sự chính của Ionah show vẫn là từ Liên đoàn xiếc Việt Nam, một phần khác là tuyển chọn từ nước ngoài, ví dụ các diễn viên uốn dẻo được tuyển trực tiếp từ Mông Cổ - lò đào tạo xiếc uốn dẻo nổi tiếng trên thế giới. Hiện tại, rạp này đang có 3 diễn viên uốn dẻo mới 15, 16 tuổi đến từ đất nước này đang biểu diễn độc quyền tại đây.
“Tại Ionah show, các diễn viên xiếc vất vả hơn, làm việc căng thẳng, nguy hiểm hơn khi họ phải hết sức tập trung để nghe nhạc, biểu cảm khuôn mặt, động tác. Âm thanh, ánh sáng của chúng tôi đã được cài đặt điện tử, không phải do nhạc công chơi “nhạc sống”, do đó không thể chờ diễn viên, mà diễn viên buộc phải chuẩn chỉ từng giây một”, bà Hà Nguyên Hương nói.
Theo bà Hà Nguyên Hương, về lâu dài những rạp hát như của bà sẽ gặp khó khăn trong tuyển chọn diễn viên xiếc, vì càng ngày, số lượng người người lựa chọn trường xiếc để học tập càng ít đi. Trong khi đó, không phải ai tốt nghiệp cũng có thể diễn được và bám trụ lâu năm với nghề.

Các diễn viên xiếc của Ionah show chuẩn bị và biểu diễn 
Rủi ro, nguy hiểm, điều kiện tập luyện khó khăn, nhưng không phải diễn viên xiếc nào cũng có bảo hiểm rủi ro Ảnh: Ngọc Thắng
“Tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn, đặc biệt với nữ giới, sau khi lập gia đình, có con, nhiều người phải chuyển nghề. Thu nhập thấp, công việc nguy hiểm, rủi ro cao, càng khiến người ta quay lưng với nghề xiếc nhiều hơn. Nếu không vì đam mê, chắc chắn không ai trụ được”, bà Hà Nguyên Hương bày tỏ.
Tại nhà hát Star Galaxy, các diễn viên xiếc được mua bảo hiểm rủi ro cho toàn bộ các show diễn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều rạp xiếc trên cả nước, nhiều diễn viên chỉ may mắn có bảo hiểm y tế, hoặc nhiều trường hợp diễn hợp đồng trong các đoàn tư nhân tại các tỉnh thành, bảo hiểm y tế cũng không có, chưa nói đến bảo hiểm rủi ro khi tai nạn bất ngờ ập đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.