Dự án nhà ở xã hội Hải Phòng bị 'tố' chất lượng thấp, an ninh kém

16/03/2020 10:13 GMT+7

Dân cư khu nhà ở cho người thu nhập thấp Hoàng Huy Pruksa (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) đã có đơn gửi cơ quan chức năng vì bị tăng giá gửi xe, công trình xây dựng kém, an ninh không đảm bảo.

Tự tăng giá gửi xe

Trong đơn kiến nghị, cư dân các chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp Hoàng Huy Pruksa, cho biết để được gửi xe, năm 2016, họ phải đóng 60.000 đồng/1 tháng với xe máy, 500.000 đồng/tháng với ô tô. Từ năm 2017 đến hết tháng 2.2020, giá gửi xe tăng giá lên 80.000 đồng/tháng với xe máy và 600.000 đồng/tháng với xe ô tô. Đến tháng 3.2020, 4 điểm trông giữ xe tại dự án nhà ở Hoàng Huy Pruksa lại thông báo tăng giá lên 120.000 đồng/tháng với xe máy, từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tháng với xe ô tô.
“Sau khi chúng tôi phản đối thì nhà xe hạ xuống 90.000 đồng/tháng xe máy và 900.000 đồng/tháng với xe ô tô. Đáng trách là tất cả các thay đổi trên của nhà giữ xe, người dân không được tham gia bàn bạc. Chủ đầu tư và nhà xe cũng không có văn bản thông báo mà họ chỉ ghi trên bảng tin ở nhà xe”, chị Mai Anh, một người dân sống ở khu nhà ở xã hội, cho biết.
Người dân sống tại dự án này cũng cho biết, trong hợp đồng mua nhà, có ghi rõ phí gửi xe đạp/xe đạp điện là 30.000 đồng, xe máy là 60.000 đồng/tháng, ô tô dưới 9 chỗ là 500.000 đồng/tháng. “Phải chăng các nhà xe bị chủ đầu tư tăng giá thầu dịch vụ nên phải tăng giá gửi xe để bù vào”, một người dân giấu tên đặt câu hỏi nghi vấn.
Về việc tăng giá gửi xe, bà Bùi Thị Quỳnh, đại diện Ban Điều hành các dự án của Công ty Hoàng Huy, là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội này, cho rằng: “Trong hợp đồng mua bán nhà ghi rõ các khoản phí là tạm tính. Các mức giá trong hợp đồng cũng từ cách đây 3 năm rồi. Đến giờ không còn phù hợp với tình hình thực tế”. Bà Quỳnh cũng khẳng định, chủ đầu tư không ép buộc cư dân phải gửi xe. Đáng chú ý, nếu không gửi xe trong các nhà xe này, các hộ dân cư trong khu dự án không có chỗ để xe nào khác.

Công trình bị tố kém chất lượng

Ngoài ý kiến phản đối việc tăng giá gửi xe, trong đơn kiến nghị, người dân còn “tố” chất lượng nhà tại dự án Hoàng Huy Pruksa này rất kém. Theo đó, nhiều căn hộ bị dột, nhà vệ sinh tầng trên ngấm nước xuống dưới. Hệ thống thoát nước thải thường xuyên bị tắc. Tường nhà bị nứt rất nhiều mặc dù mới sử dụng, vỉa hè sụt lún.
Anh Tuấn, một người dân cho biết: “Mỗi lần bị sự cố, gọi ban quản lý khu nhà nhiều lần mới có người đến sửa. Sửa xong vẫn bị. Những nhà tầng 2, tầng 3 phải tự bỏ tiền chạy đường ống thoát nước riêng, nếu không nhà tầng 1 sẽ bị tắc. Chúng tôi cũng nhiều lần phải đào cống để khơi thông”.
Công năng các khu nhà chung cư tại Hoàng Huy Pruksa cũng được đánh giá là kém. Toàn bộ điều hòa phải lắp ở hàng lang bên trong, cũng là lối đi, khiến không gian rất bí bách, ngột ngạt. Tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường cũng bị người dân đánh giá là không đảm bảo. Nhiều hộ liên tục bị mất trộm cây cảnh, quần áo, giày dép...
Chị Lê Thị Mai (44 tuổi), một người dân cho biết: “Chất lượng công trình kém và hay hỏng vặt. Việc sửa chữa không dứt điểm. Trong khi đó, theo hợp đồng thì có 2% tổng tiền để mua nhà được trích ra làm phí bảo trì. Số tiền này đang ở đâu, chi vào việc gì rồi, chúng tôi không biết, trong khi mỗi tháng các hộ dân vẫn phải đóng 160.000 đồng phí an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Người dân tại Hoàng Huy Pruksa cảm thấy không an toàn dù đã mất tiền để đảm bảo an ninh”.
Liên quan đến 2% phí bảo trì chung cư, bà Bùi Thị Quỳnh cho biết: “Tiền bảo trì chỉ được dùng khi đã có ban quản trị (ban này phải có đại diện các hộ dân tham gia). Theo đúng lộ trình thì ban quản trị sẽ được thành lập vào tháng 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc này chưa thể triển khai”. Khi được hỏi đến bao giờ thì việc thành lập ban quản trị khu dân cư mới được khởi động lại thì bà Quỳnh cho biết chưa có kế hoạch cụ thể. Cũng theo bà Quỳnh, phí vận hành chung cư theo hợp đồng là 200.000 đồng/hộ/tháng nhưng thực tế Hoàng Huy chỉ thu 160.000 đồng/hộ/tháng.
Trong khi đó, ông Đặng Thái Sơn, Trưởng Ban quản lý khu dân cư Hoàng Huy Pruksa (đơn vị được Công ty Hoàng Huy thuê để vận hành khu dân cư), cho biết số tiền 160.000 đồng/tháng mà người dân đóng góp còn phải chi cho cắt tỉa cây, chiếu sáng, vệ sinh hành lang, còn lại chỉ đủ cho việc thuê bảo vệ vòng ngoài, khu vực bên trong thì không.
Được biết, năm 2016, Công ty Hoàng Huy liên doanh với Tập đoàn Pruksa International (Thái Lan) đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Dự án có 22 khu nhà ở cao 3 tầng, 5 khu nhà ở cao 5 tầng, cùng 11 căn hộ tái định cư. Các hạng mục tiện ích công cộng được chú ý gồm 2 nhà trẻ, 1 nhà văn hoá, cây xanh công viên và các công trình phụ trợ nhằm tạo nên một quần thể đồng bộ dành cho 2.480 hộ tới sinh sống.
Tuy nhiên, khi dân cư về dự án này sống thì nảy sinh nhiều bất cập. Ngoài những phản ánh như trên, 3.000 m2 đất để làm khu công viên cây xanh cũng đã bị Công ty Hoàng Huy chiếm dụng để tập kết xe đầu kéo và xây dựng 2 nhà xưởng kiên cố. UBND huyện An Dương sau đó đã yêu cầu Công ty Hoàng Huy di chuyển toàn bộ số xe đầu kéo ra khỏi đây và dỡ bỏ nhà xưởng. Tuy nhiên, đến nay, khu nhà xưởng xây dựng sai quy hoạch này vẫn chưa được dỡ bỏ.
Đáng chú ý, sau dự án nhà ở xã hội Hoàng Huy Pruksa, Công ty Hoàng Huy còn trúng thầu các dự án cải tạo chung cư cũ theo hình thức BT ở phường Đổng Quốc Bình và phường Lê Lợi (thuộc quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng).
Đơn vị này cũng là chủ đầu tư dự án nhà ở Hoàng Huy Riverside được xây dựng trên khu đất hơn 5 ha mà TP.Hải Phòng trả theo hợp đồng BT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.