Với tôi, những ngày lang thang ở Makassar trên đảo Sulawesi đã đưa tôi đến với những món ăn đặc trưng của người Bugis nơi đây. Ẩm thực đã làm nên một màu sắc không lẫn vào đâu được của thành phố lớn nhất và cũng là cảng chính của hòn đảo này.
Ấm nồng bát súp Coto Makassar
Một buổi sáng thật đã trong người khi cả vị giác và khứu giác được đánh thức bằng món súp lòng gà Pallubasa cay xè với đủ các loại gia vị hòa tan trong nước dừa nấu súp. Rồi cắn miếng chuối pisang Ijo tẩm bột chiên vàng với hương thơm, độ dẻo của chuối xanh hòa quyện trong nước cốt dừa đậm đặc cùng một loại nước đường truyền thống của người Bugis cũng khiến tôi ngất ngây. Nhưng trên hết, không du khách nào có thể bỏ qua Coto Makassar - món súp truyền thống danh bất hư truyền. Người nấu sử dụng lòng bò và gà nấu chung trong nồi nước súp đậm đà hương vị nhục đậu khấu cùng thảo quả. Khi dùng Coto Makassar, người ăn có thể sử dụng hai loại cơm rất đặc biệt ăn kèm. Keputa là loại cơm trắng được gói như những chiếc bánh lá dừa hình vuông và burasa là loại cơm nước dừa được gói trong lá chuối có hình chữ nhật.
Sau khi thử qua nhiều loại thức ăn khác nhau, tôi vẫn chấm món cơm Kuning ở Makassar dù món cơm nghệ vàng ấy xuất phát từ những người Java trên hòn đảo trung tâm. Trong hơn 11 loại cơm có mặt trong các quầy hàng buổi trưa, Nasi Kunung vẫn là lựa chọn số một bởi ý nghĩa tâm linh của đĩa cơm. Được nấu với nghệ vàng trong nước dừa, những hạt cơm Kuning (có nghĩa là màu vàng) nhìn rất bắt mắt bởi sắc vàng óng ả. Theo anh Fadlika - một người địa phương, người Java gói chặt cơm Kuning thành hình một ngọn núi để dâng cúng tổ tiên hay các vị thần trong những ngày tết cổ truyền hoặc những lễ hội đặc biệt. Màu vàng tượng trưng cho thế giới siêu nhiên và để khởi đầu một năm mới hay ngày mới thì không gì bằng một đĩa cơm vàng để có được sức mạnh lẫn một tinh thần sáng suốt. Người Bugis vẫn có niềm tin như người Java về cơm Kuning. Một đĩa cơm Kuning được trang trí xung quanh bởi các món ăn đi kèm bao gồm khoai tây xốt gia vị, các loại rau được rưới nước dừa, tôm xào ớt, chà bông cá và thịt bò sa tế khô.
|
|
Độc đáo cá măng sữa nướng
Nếu người Java có món mắm Sambal nổi tiếng hoặc người Lubuan có món tương đen truyền thống thì người Bugis có món nước chấm riêng được gọi là xốt Makassar để ăn kèm với món cá chẽm tươi nướng trên bếp than hoa. Đúng như những gì anh Fadlika giới thiệu, món cá chẽm nướng chính là đặc sản của hòn đảo Sulawesi và món xốt Makassar là linh hồn của món ăn. Đặc biệt hơn, món cá chẽm nướng than hoa sẽ rất ngon nếu ăn cùng loại rau mùi kemangi.
Tôi cố dùng khứu giác và vị giác để phân loại các gia vị được hòa quyện trong nướt xốt màu trắng ngà Makassar nhưng cũng không dám chắc lắm. Có lẽ nước xốt này gồm một chút béo thơm riêng của nước cốt dừa và đậu phộng, rồi vị hơi nồng của dầu hoa cải, thoang thoảng rau mùi Ý, thơm nhẹ có vị bạc hà của hạt thì là Ai Cập, sả và hương thơm cay trầm ấm của tiêu đen. Anh nhân viên nhà hàng giúp tôi thỏa mãn những thắc mắc khi anh cho biết tất cả các loại gia vị tôi đều đoán trúng nhưng chính những hạt đậu phộng được xay nhuyễn là yếu tố cơ bản tạo nên loại nước chấm cổ truyền của người Bugis. Các loại gia vị còn lại cùng với nước cốt dừa được xào qua khoảng 3 phút trước khi cho đậu phộng xay nhuyễn vào. Nước xốt Makassar không chỉ phục vụ riêng cho món cá chẽm nướng mà còn phổ biến đến mức được áp dụng hầu hết trong các món nướng đường phố. Người Makassar còn quết xốt Makassar lên thịt gà, thịt bò, hải sản... trước khi nướng trên bếp than.
Cảm nhận của tôi về người Bugis là khuôn mặt của họ khá đặc biệt so với những người Indonesia đang sinh sống trên các hòn đảo khác. Không chỉ có làn da mặn mòi bởi nắng và gió biển Java, đàn ông để râu ria rậm rạp và khuôn mặt họ luôn giữ lại bộ gene “những tên cướp biển Bugis” qua bao thế hệ.
Người Bugis xưa nổi tiếng với những vụ cướp các con tàu chở gia vị từ đảo Maluku (hòn đảo cội nguồn gia vị) sang đảo Java vốn được xem là chợ đầu mối gia vị.
|
Bình luận (0)