Đưa vợ đi sinh

Dù đó là đứa con đầu hay con thứ, dù ngày trước hay ngày nay thì việc đưa vợ đi sinh cũng là một công việc quan trọng của đời người.

Đó là thời gian chờ đợi hồi hộp và căng thẳng nhưng cũng là thời gian hạnh phúc nhất. Nhưng ngày nay, việc sinh nở đã khác xưa nhiều.

Đoán con từ... mẹ

Ngày trước ở quê, nhà nào có người sắp sinh là cả nhà chạy náo lên. Người thì chạy gọi bà mụ (bà đỡ), người bứt đủ các loại lá nấu nồi nước "bà đẻ", người sắc nước lá vằng (hai loại nước cho người mới sinh tắm và uống), người quạt than, người nấu cơm, kho cá... Bao nhiêu người thì bấy nhiêu việc, chỉ bà mụ là đủng đỉnh vừa nhai trầu vừa quát "rặn đi". Bà cũng chính là người đầu tiên thông báo cho gia đình là con trai hay con gái. Trước đó chỉ đoán giới tính con qua cái bụng bầu tròn hay nhọn, qua việc thèm chua hay thèm mặn, có hay bị ói hay không...
Vợ chồng tôi có đứa con đầu năm 1988, lúc đó bóng đèn điện chỉ đủ đỏ sợi tóc. Phòng sinh của bệnh viện huyện rất nhỏ và không đủ sáng, bác sĩ cũng không mấy khắt khe, cho cả người nhà vào phòng sinh.
Đó là thời gian chờ đợi căng thẳng và hồi hộp nhất.
Vì đa số sinh thường, trường hợp khó quá bác sĩ mới cho mổ nên thời gian sản phụ đau đẻ rất dài. Tôi còn nhớ vợ tôi đau bụng đưa vào phòng sinh từ 2 giờ chiều mà 2 giờ sáng hôm sau mới sinh. Đau quá, cô ấy cào cấu, xé rách áo, rách cả da ngực chồng đang đứng cạnh. Trong ánh sáng vàng vọt, lâu lâu lại nghe bác sĩ quát (quát chứ không phải nói), “rặn đi, rặn mạnh, rặn thế làm sao ra được?”...
Cuối cùng đứa bé cũng chịu ra, bác sĩ túm hai chân dốc ngược, vỗ vào mông nó mấy cái làm nó khóc oa oa, đoạn xoay về phía ba nó, bảo: con trai. Vừa lúc thằng bé bắn một vòi nước vào mặt thân sinh đang cười cười khóc khóc, biểu cảm tự nhiên của người vừa quá hạnh phúc, vừa thở phào vì vợ đã "vượt cạn" thành công.
"Vượt cạn", cụm từ chỉ người sinh nở từ lâu có vẻ như đã thành từ bình thường, nhưng nghĩ lại, đó là hai từ đích đáng nhất để mô tả nỗi nhọc nhằn của người mẹ.
Ba năm sau, vợ chồng tôi có đứa thứ hai. Lúc đó đời sống vẫn còn khó khăn, một mình lo toan mọi việc kể cả chuyện gửi thằng cu 3 tuổi.
Vợ bắt đầu có dấu hiệu, tôi vội nấu nồi cơm, bắc xoong cá bống lên bếp điện rồi chở lên bệnh viện. Lúc này bệnh viện đã "đỡ quê" hơn, ngồi ngoài chờ đến khi cô nữ hộ sinh ra báo là con gái. Tất tả chạy về nhà thì nồi cá cháy khét lẹt. Xới cơm vào cặp lồng, gắp mấy con cá chưa cháy hết, đội mưa lên bệnh viện để vợ ăn kẻo đói.
Lúc ấy cô ấy đã được chuyển sang phòng thường. Nhìn tóc tai ba con bé ướt nhẹp, quần sũng nước đến đầu gối, gắp con cá bống khô queo lên thìa bón cho vợ, tay cô ấy bấu chặt vào tay tôi, miệng ăn ngon lành nhưng nước mắt giàn giụa.

Thời nay đã khác

Thời gian trôi qua, khi có việc đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tôi thực sự ngạc nhiên vì bệnh viện không hề có mùi... bệnh viện. Các căn phòng của khoa sản rất đẹp, điện sáng đến mức có thể nhìn thấy... lỗ chân lông trên tay mình. Nghĩ, xã hội đã có một bước tiến rất lớn. Những đứa trẻ chào đời ở đây thật hạnh phúc.
Hôm con dâu lên sinh ở một bệnh viện tư nhân, ông bà nội ngoại, anh em hai bên tập trung nhưng không được vào nên đứng ở ngoài chỉ như để động viên tinh thần. Sau đó thì mọi việc đều có điều dưỡng lo, không thiếu một thứ gì. Bệnh viện như khách sạn hạng sang.
Ba năm sau, vợ chồng con trai có đứa thứ hai. Người già cả lo, cứ nhắc con đã có cái này cái khác chưa, hỏi đến đâu nó đều trả lời có rồi. Tất nhiên, lớp trẻ cũng không tất tả như thời chúng tôi nữa. Thậm chí chúng nó còn rủ cả nhà đi ăn “để mai vợ con sinh”, hơn thế còn biết sinh vào lúc mấy giờ.
Bệnh viện lo trọn gói, từ A đến Z những thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh.
Quá ngạc nhiên cho một người "đời cũ" chúng tôi. Dĩ nhiên, nhiệm vụ của bọn trẻ là làm ra tiền. Điều đó lớp sau này cũng hơn hẳn thế hệ chúng tôi.
Nhưng dù thế hệ nào, điều kiện ra sao thì vợ đẻ là một "sự kiện trọng đại". Cái gì cũng có thể quên nhưng ngày vợ sinh thì nhất định nhớ. Đó là ký ức đẹp đẽ nhất của cuộc đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.