Đường phố bao dung phận nghèo

Chẳng ai thấy dễ chịu khi phải đi sau một chiếc xe máy cũ ọc ạch đang chở giỏ rau củ to tướng khiến người cầm lái chao đảo mỗi khi phải dừng đèn đỏ.

Thậm chí chẳng ít người văng câu chửi vì bị chắn đường không vượt lên được. Nhưng cũng không ít người, ghìm câu chửi bực bội lại trong lòng khi nhận ra người đang chạy chiếc xe máy chở kềnh càng ấy là một người mà chỉ cần nhìn qua trang phục cũng như công việc họ đang làm cũng đủ biết là một người rất nghèo. Không ít trường hợp đó là một phụ nữ. Sau xe họ không chỉ là giỏ hàng, mà là sinh kế của cả nhà.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: [email protected]
Tôi thường hãm đà xe lại, nhường để những chiếc xe ấy thuận tiện vượt lên. Tôi dừng lại thì chỉ mất một sức thôi, còn những chiếc xe ấy muốn dừng lại thì phải mất đến mười sức của người lái xe.
Có sống ở những quận ven TP.HCM mới thường gặp những chiếc xe như thế trên đường. Mới có dịp để lựa chọn một hành vi nho nhỏ trên đường, hoặc là vượt lên qua mặt kẻ khác hoặc giảm tốc độ nhường đường cho ai đó vượt lên.
Bạn sẽ có hàng trăm thứ lý lẽ vang lên trong đầu. Rằng bạn chẳng việc gì phải nhường đường cho những người chở hàng cồng kềnh trên đường làm ảnh hưởng đến người khác. Rằng bạn đang vội nên cứ thế mà tranh thủ vọt lên đè đầu xe của kẻ khác đang thất thế hơn do chở hàng cồng kềnh. Rằng chẳng có ai có quyền nhân danh cái nghèo để gây ra phiền toái giao thông cho người khác. Và rằng, muốn có một đô thị phát triển văn minh, những chiếc xe trên đường như thế cần phải bị loại bỏ.
Nhưng quả là khó nghĩ! Chẳng lẽ chúng ta lại cổ súy cho những điều lạc hậu, cũ kỹ giữa thời đại văn minh phát triển? Song cũng chẳng lẽ, cứ nhân danh văn minh phát triển thì chúng ta được quyền nhẫn tâm bỏ qua thân phận và sinh kế của những người lao động nghèo?
Chính quyền đã cố đưa ra những thứ luật lệ cụ thể với những con số đo lường cụ thể về kích thước chuyên chở để hạn chế, để tìm cách loại bỏ những chiếc xe cũ kỹ, ọc ạch, chở cồng kềnh trên đường phố. Nhưng chẳng có thứ chính sách, quy định nào có thể đo lường được sự bao dung của đồng bào với nhau. Và cả là sự lợi dụng đức bao dung đó.
Thử nhìn vào cuộc chiến đấu kiên cường của những người nghèo ở thành phố này để có thể bám trụ lại một cách kiên cường trong phạm vi của sự lương thiện. Khi mà, mỗi ngày mỗi giờ, những cám dỗ của đời sống đô thị có thể lôi tuột họ vào cạm bẫy của tệ nạn xã hội, của những trò lừa kiếm sống.
Vậy nên, chẳng làm sao để có thể thoát ra khỏi dòng suy tư đầy mâu thuẫn khi bạn phải chạy xe trên một con đường ngoại ô Sài Gòn còn quá nhiều lộn xộn do chính những chiếc xe máy chở cồng kềnh của những người nghèo. Một TP.HCM văn minh mà bạn mơ ước chắc chắn không cần đến sự lộn xộn đó. Nhưng, thật khó nghĩ, những người nghèo lại chưa thể trốn thoát khỏi thứ lộn xộn này. Để mưu sinh. Để sống.
Chúng ta có thể cần một vài năm để thay đổi diện mạo của một con đường, để ban hành một vài quy định điều chỉnh trật tự giao thông. Nhưng sẽ cần bao nhiêu năm để thay đổi phận nghèo của một gia đình? Câu hỏi không dễ có câu trả lời thỏa đáng.
Rất không may, số những người nghèo như thế ở TP này không hề ít. Và điều may mắn khả dĩ, trớ trêu thay, là sự bao dung đang tồn tại trên những con đường ở ngoại ô, ở vùng ven Sài Gòn.
Thôi cứ khát khao, cứ đợi chờ những khung chính sách phát triển và luật lệ quản lý mới rồi sẽ làm phần việc cần thiết của nó để thay đổi. Còn giờ thì mỗi ngày trên đường, hãy cho phép một chút bao dung và cảm thông hướng dẫn bạn lựa chọn nghĩa cử dừng xe lại nhường cơ hội cho một người nghèo vượt lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.