Gần 5.000 giờ làm nhân tượng ở phố đi bộ, bị xô cũng phải giữ dáng

20/12/2019 12:12 GMT+7

Nhiều người chọc ghẹo nhân tượng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) để thử thách. Cũng có người cho nhân tượng hút thuốc, xô ngã… Nhưng dù thế nào, Trần Văn Quân cũng coi đó là sự hiếu kỳ nên không phản ứng.

Những năm gần đây, nghề nhân tượng không còn xa lạ với giới trẻ Việt, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM. Buổi tối tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hình ảnh người hóa trang, sơn màu đầy mình và đứng như tượng cùng thùng tiền tùy tâm luôn thu hút đông đảo người Sài Gòn tới xem.

Gần 5.000 giờ đứng... tạo dáng

Sau vài lần hẹn, chúng tôi gặp riêng được “bức tượng sống” Trần Văn Quân (22 tuổi, quê Thanh Hóa vào TP.HCM làm việc đã 5 năm). Anh từng làm nhiều công việc như: bán hàng, giao nhận hàng, tiếp thị, lái xe công nghệ… Tuy nhiên, nghề nhân tượng là sự lựa chọn mà anh đã dành hơn 3 năm để theo đuổi.

Tâm sự về cơ duyên với nghề nhân tượng, anh Quân cho biết, anh biết nghề từ một người bạn của mình, sau đó thấy nghề này khá thú vị và phù hợp nên anh quyết định theo. Trái lại, người bạn của anh vì không chịu được những tình huống bị chọc ghẹo mỗi ngày, cảm thấy bị xúc phạm, tự ái nên đã chuyển qua nghề chạy xe công nghệ.

Những nơi khó “trang điểm” nhất trên cơ thể, nhân tượng Quân vẫn tự làm và vẫn rất đều màu

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Khoảng 18 giờ mỗi ngày, anh Quân tìm một góc vắng gần phố đi bộ rồi tự “trang điểm”  và bắt đầu công việc của một nhân tượng

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Những người tới xem chụp hình chung với nhân tượng sau đó tùy tâm để tiền vào thùng

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Mỗi ngày, công việc nhân tượng của anh Quân bắt đầu từ 18 - 23 giờ. Anh Quân tự tay tô lên mình lớp sơn màu và hóa trang thành tượng để đứng tạo dáng nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Người Sài Gòn đến xem, tùy tâm, họ sẽ cho tiền vào thùng.

Sau khoảng 5 giờ, nhân tượng phải vệ sinh liền tại chỗ rồi về nhà tắm lại một lần nữa. Nhưng vì tần suất sử dụng hoá chất thường xuyên nên da anh Quân bị khô ráp ất nhiều và anh từng phải điều trị nấm da một thời gian dài.

Với “thâm niên” gần 5.000 giờ đứng tạo dáng, anh Quân chia sẻ: “Mình không cảm thấy xấu hổ hay tự ti gì vì mình biết ở nước ngoài, đây là một công việc nghệ thuật đường phố, có thể kiếm sống được. Không có gì phải ngại vì mình làm bằng công sức của mình".

Hiện tại anh Quân dành toàn thời gian cho nghề nhân tượng nhưng với anh để làm lâu dài suốt cuộc đời thì DJ mới là định hướng mà chàng trai trẻ gốc Thanh Hóa theo đuổi.

Trước dòng người tấp nập mỗi buổi tối, anh Quân làm một bức tượng sống 5 tiếng liền

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Bị cho hút thuốc, xô ngã... vẫn không phản ứng lại

Công việc nhân tượng mang lại cho anh Quân thu nhập, niềm vui và hơn hết là… sức chịu đựng trước sự tò mò của đông đảo người xem. Anh Quân kể lại sự thay đổi của mình trong tiếng cười giòn giã: “Trước đây tính mình rất là khùng điên, mọi người chỉ cần trêu chọc thôi thì mình đã nổi cáu và quát lên rồi nhưng khi đã làm công việc này thì sức chịu đựng của mình tốt lắm, mình bình tĩnh với mọi chuyện xảy ra”.

Khả năng tối đa mà chàng trai 22 tuổi này có thể thực hiện mỗi buổi tối là đứng liên tục hơn 2 tiếng đồng hồ không cử động và mở mắt nhìn hơn 10 phút không hề chớp. 

Nhiều người đến xem tò mò nên pha trò, chọc ghẹo để thử thách tuy nhiên cũng có người  cho nhân tượng hút thuốc, xô ngã nhân tượng… Nhưng dù thế nào, anh Quân cũng chỉ coi đó là những thử thách vì sự hiếu kỳ của người xem. Bởi vậy, anh chưa lần nào phản ứng lại. “Nếu mình phản ứng lại họ có nghĩa là họ đã thành công”, anh Quân nói.

Nhân tượng luôn tìm một vật tĩnh để nhìn và một câu chuyện buồn để nghĩ giúp họ không bị phân tán, mất tập trung

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Anh Quân cũng như những người làm nghề nhân tượng khác đều hướng ánh mắt nhìn thẳng về phía trước trong lúc làm việc, tập trung vào một vật tĩnh cụ thể để giữ nguyên được trạng thái “cứng đơ” trong khoảng thời gian dài.

Những ngày đầu mới vào nghề, chàng trai gốc Thanh Hóa luôn phải trăn trở làm sao để không bật cười khi người xem chọc ghẹo mình? Dần dần anh cho người xem thấy được câu trả lời, đó là phải khép lòng lại để nghĩ về những câu chuyện buồn trong cuộc sống mà bản thân anh đã trải qua. Ví dụ như chuyện chia tay người yêu, mất một người bạn… là cách để anh giữ được trạng thái điềm tĩnh trước sự trêu ghẹo của người xem.

Với anh Quân, mỗi người đều có mỗi nghề, công việc nhân tượng này mang lại niềm vui, thu nhập đủ trang trải cuộc sống và sự thay đổi tích cực cho bản thân anh.

“Theo mình được biết thì biểu tượng mình đứng là của Hy Lạp cổ đại, bộ đồ mình mang là mình tự mua vải về may. Tương lai sau này thì mình sẽ làm nhân tượng đến khi bản thân không làm được nữa, khi nào lớn hơn tí nữa, có gia đình vợ con thì thôi", anh Quân nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.