Giấc mơ sum vầy ngày xuân

18/12/2018 08:00 GMT+7

Một tấm vé xe để về quê trong dịp tết là mong ước của rất nhiều sinh viên xa nhà có hoàn cảnh khó khăn.

Món ăn đong đầy kỷ niệm ngày xuân

“Bánh xoài chắc chắn chẳng phải là món ăn đặc trưng ngày tết. Có điều từ nhỏ 2 chị em em đều thích bánh xoài mà đâu có tiền mua, chỉ đến tết mới được ăn. Vậy là bánh xoài luôn trở thành món ăn đong đầy kỷ niệm của gia đình em trong đêm giao thừa”, cô tân binh của Trường đại học Ngoại thương Lê Thị Lý hồn nhiên kể về món ăn thương nhớ của em trong ngày tết.
Sở dĩ bánh xoài trở nên thật đặc biệt với Lý bởi nó gắn liền với những câu chuyện đầm ấm ngày xuân, khi cả nhà cùng quây quần để chờ đón thời khắc đất trời giao hòa. Lý kể: “Giao thừa năm ngoái, ba bàn về kế hoạch bán heo, bán bò cho em vào đại học…”. Tới đây, giọng cô gái nghẹn lại vì xúc động.
Nhà của Lý nghèo lắm. Ba bị sốt bại liệt từ năm 3 tuổi, mấy năm nay mất sức lao động hoàn toàn. Mẹ em cày thuê cuốc mướn cũng chỉ kiếm được tầm 1,5 triệu đồng/tháng - số tiền quá nhỏ nhoi để nuôi một đứa con ăn học ở đất Sài Gòn đắt đỏ và thêm một đứa đang học trung học ở quê nhà Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Trong khi bao nhiêu người ngăn Lý vào đại học, người cha tàn tật của em khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Răng mi cũng đi học hết, có bán nhà cũng đi”.
Vậy là cô gái nỗ lực để đỗ Đại học Ngoại thương ở Sài Gòn tít tắp. “Nhiều khi em nhớ nhà muốn khóc, chỉ muốn bay về thật nhanh. Em khao khát được nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của ba khi em nói với ba rằng em được học bổng, rằng em đã cầm trong tay tháng lương làm thêm đầu tiên… Em đang đếm từng ngày đến tết”.
Nhưng rồi giọng Lý khựng lại. Tết, vé xe về quê đội lên đến triệu rưỡi, bằng cả một tháng lương cày thuê cuốc mướn của mẹ em…

Tết mà không về thì thương ba mẹ lắm…

Cách quê nhà Quảng Bình của Lý không xa, hoàn cảnh của Nguyễn Thị Kim Tuyến, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng có nhiều nét tương đồng. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng trút hết lên vai mẹ Tuyến, bởi ba bị cụt một chân, mấy năm nay lại phát bệnh tâm thần. Ngoài gia đình 3 miệng ăn, mẹ Tuyến còn phải nuôi thêm người em chồng tàn tật.
Nhưng sức mạnh của những giấc mơ đã đưa cô gái miền núi ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đến tận Sài Gòn. Vừa học hệ bình thường, vừa học hệ cử nhân tài năng, vừa quyết tâm học vượt vào mùa hè, Tuyến đặt mục tiêu kết thúc chương trình đại học thật nhanh.
Nhưng Tuyến không chỉ học: “Sài Gòn năng động đã tạo cơ hội cho em tham gia nhiều hoạt động xã hội, để rồi tự mình nhận ra ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào cuộc sống, vẫn nỗ lực vươn lên... thì không có lý gì mình không nỗ lực”.
Vừa đi học, vừa làm thêm, vừa tích cực hoạt động xã hội, Tuyến chia sẻ em rất hài lòng với quyết định đi học xa của mình.
Nhưng gia đình vẫn cứ là quan trọng nhất. “Em mong tết này đủ tiền mua vé xe về quê, mong được giặt giũ cho ba, được đi chợ tết cùng mẹ. Được nhìn thấy ba, thấy mẹ đã là quá đủ. Tết mà không về được thì thương ba mẹ lắm…".
Để góp phần mang lại những thời khắc sum vầy, nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Báo Thanh Niên và Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cùng Công ty Acecook Việt Nam tổ chức chương trình Chuyến xe Tết sum vầy. Chương trình hỗ trợ 2.500 vé xe miễn phí cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ TP.HCM về quê sum vầy dịp tết.
Trong khuôn khổ chương trình, mời bạn tham gia chia sẻ những bài viết về cảm xúc sum vầy ngày tết, nỗi lòng của những người con xa quê, về những cái tết đặc biệt… Mỗi bài viết khoảng 400 chữ. Mỗi bài trong top 10 bài hay nhất của Góc chia sẻ sẽ nhận được giải thưởng gồm 500.000 đồng và một thùng sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam". Danh sách trúng giải sẽ được công bố vào ngày 20.1.2019 và trao giải vào Lễ ra quân ngày 26.1.2019. Một người có thể chia sẻ nhiều bài viết. Gởi bài viết về: [email protected]
Đơn vị tài trợ chính:


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.