Vịt cỏ Vân Đình là giống vịt được thả trên các đồng chiêm của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Vào mùa mưa, nước ngập trắng đồng, hàng trăm chú vịt nhởn nhơ bơi lội, chạy đua với thời gian để lớn nhanh trước khi cánh đồng cạn nước. Không được vỗ béo bằng cám, bằng bột tăng trọng mà tự kiếm ăn từ những hạt lúa còn sót lại, từ những chú giun, dế béo tròn, hớp cái khí trời lồng lộng trên cánh đồng mênh mông nên giống vịt này lớn nhất cũng chỉ khoảng 1,2-1,3kg một con. Sống giữa thiên nhiên, lớn lên nhờ thiên nhiên, vị thơm ngon đặc biệt của vịt cỏ ruộng đồng chiêm trũng Ứng Hòa này không vùng nào sánh được.
Vị ngon Khó cưỡng
Vịt cỏ Vân Đình có sớ thịt mỏng, xương mềm và ngọt. Người sành ăn chỉ cần nhìn miếng thịt được chặt ra là đoán biết được ngay đây có phải là giống vịt cỏ Vân Đình chính hiệu hay không. Bước chân vào quán, thực khách có thể bị hoa mắt trước thực đơn phong phú toàn những món từ vịt cỏ: vịt nấu chao, vịt luộc, tiết canh vịt, vịt om sấu, vịt bọc đất, vịt hầm sấu, lẩu vịt…Thưởng thức được hết những món ăn đó, có lẽ cũng phải mất cả tuần. Cánh đàn ông đi ăn vịt cỏ thường ít khi bỏ qua món tiết canh vịt để “tráng miệng” trước khi thưởng thức những món khác.
Đậm đà tiết canh
Bát tiết nhỏ xíu được đánh thật khéo, không có mùi tanh mà chỉ thơm nhè nhẹ. Tiết được cắt vào bát nhỏ có sẵn chút nước mắm pha với nước, bỏ vài giọt huyết đầu và cuối, chỉ lấy phần huyết đỏ hồng. Bộ lòng vịt luộc chín, thịt lườn vịt thái hạt lựu, lạc rang giã giập, sụn lườn và cổ băm thật nhuyễn… tất cả bày vào đĩa sâu lòng. Bát tiết canh đã hãm cho khỏi đông được trút vào tô nước xáo vịt, nhẹ nhàng trộn thật đều rồi đổ ra đĩa đã bày sẵn lòng vịt.
Quan trọng nhất chính là khâu trộn tiết, không được chậm quá cũng không nhanh quá. Bởi lúc này tiết vịt đang dần dần đông cứng lại, nếu không khéo có thể làm tiết đông đặc lại khi chưa kịp trút ra đĩa.
Chế biến tiết canh vịt đã khó, thưởng thức nó cũng phải đúng cách. Bát tiết nhỏ xíu thôi, nhưng đừng vội vàng xúc hẳn một thìa to. Hãy từ tốn rưới lên bề mặt đỏ tươi ấy một chút nước chấm, vắt vài giọt chanh cốm, vài lát ớt đỏ, ngắt thêm dăm cọng ngò gai, húng Láng, tuyệt nhất là có thêm chiếc bánh tráng giòn tan. Xắn một miếng nhỏ có đầy đủ rau thơm, lòng mề… nhai chầm chậm để cảm thấy cái “sần sật” của sụn, bùi bùi của lạc rang, ngọt dịu của tiết, chút chua cay đưa đẩy cùng vị thơm thanh của rau sống non mơn mởn. Thưởng thức tiết canh lần đầu nhiều người còn e dè, nhưng qua nhiều lần có lẽ sẽ đâm nghiện.
Vịt nướng danh bất hư truyền
Ăn vịt cỏ Vân Đình mà chưa nếm thử món vịt nướng quả là thiếu sót. Vịt nướng hấp dẫn người ta trước tiên ở cái mùi thơm nức mũi, rồi đến cái sắc ươm vàng óng ả trên từng miếng thịt đều tăm tắp. Vịt được xếp từng nửa con một trên vỉ nướng, xoay đều trên bếp than đỏ rực. Xoay đến đâu, vỉ thịt óng vàng đến đó, khói um thơm phức một góc đường. Đĩa thịt nướng được mang ra cho khách vẫn còn vấn vít cái khói thơm của bếp than hồng. Lớp da vịt ngả màu vàng hơi cháy sém, sớ thịt bên trong hồng nâu hấp dẫn. Cắn vào lớp da dai dai giòn giòn được tẩm ướp thật khéo đã thấy ngất ngây với vị mặn ngọt thật khó tả, rồi đến lớp thịt thơm mềm ngọt đậm đà.
Song tất cả cái ngon đó sẽ giảm bớt đi một nửa nếu không được nhón vào một bát nước chấm nhỏ vàng sánh, ngọt lừ. Thưởng thức vịt cỏ Vân Đình chẳng mấy ai bỏ xương, cắn một miếng vịt vàng ruộm, nhai trọn cả phần xương mềm ngọt giòn rụm để cảm thấy cái ngọt đậm đà từ bên trong. Và khi nhẩn nha vịt cỏ Vân Đình không thể thiếu vài ly nếp cái hoa vàng cay nồng.
Nếu muốn ngồi lai rai lâu lâu một chút trong những ngày trời lành lạnh, bạn đã có món lẩu vịt nóng hổi. Nồi lẩu vịt om măng tỏa khói như ướp thêm gia vị cho câu chuyện của thực khách thêm đậm đà.
Mỗi miếng ăn được gắp với rau nhúng tái xanh, một chút nước dùng còn vương xâm xấp, một miếng măng muối chua chua ngọt ngọt, tất cả quyện lại thành sức hút vô hình. Chất ngòn ngọt của rau tái, chua dịu của măng, đậm đà của thịt càng góp phần tăng thêm khoái khẩu.
Tịnh Tâm
Bình luận (0)