Liên tục “phá án”
Từ đầu năm 2021 đến nay, tại khu vực miền tây Quảng Trị, chủ yếu là 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, xảy ra tình trạng khai thác lậu cát sỏi hết sức phức tạp. Một trong những lý do là các nhóm cát tặc nhắm vào lượng đất cát khổng lồ bị cuốn trôi xuống sông suối, hồ đập sau trận lũ lớn hồi cuối 2020. Thêm nữa, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, các dự án xây dựng nhà máy điện gió được triển khai ồ ạt trong khu vực, tạo cơn sốt về vật liệu xây dựng.
Trong chưa đầy một tháng trở lại đây, có đến 3 vụ khai thác cát chui ở miền tây Quảng Trị bị phát giác. Điểm chung của các vụ việc là mỏ cát nằm sâu trong rừng, có trữ lượng rất lớn (hàng chục ngàn khối). Khi cơ quan chức năng phát hiện, đã có vài ngàn khối cát khai thác đưa lên bãi tập kết.
Cụ thể, tại bản Mới (xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa) hồi cuối tháng 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị phát giác mỏ cát chui có trữ lượng trên dưới 15.000 m3, nằm ngay trong khu vực bảo vệ của lòng hồ thủy điện Rào Quán. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã khống chế 3 xe tải, 1 xe múc đang hoạt động; cách đó 1,5 km, có bãi tập kết đang chứa khoảng 1.200 m3 cát. Ông Cao Xuân Vinh, đại diện Công ty TNHH phát triển năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị, thừa nhận đơn vị tổ chức khai thác mỏ cát này không hề có giấy phép.
Tiếp đó, ngày 6.7, trinh sát của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục bắt quả tang vụ khai thác cát trái phép ngay trong lòng hồ thủy điện Khe Giông (xã Húc, H.Hướng Hóa). Thời điểm đó, tại hiện trường có gần 10 nhân công đang vận hành máy hút cát giữa hồ (chỉ cách chân đập thủy điện khoảng 150 m), một máy xúc đang sẵn sàng hoạt động ở bãi cát (chứa khoảng 200 m3). Cách đó chừng 500 m, có một bãi tập kết khác đang chứa khoảng 2.000 m3 cát. Các nhân công nói họ dựng lán “làm việc” ở đây từ giữa tháng 5. Ông Trần Xuân Đông, Phó quản đốc Nhà máy thủy điện Khe Giông, cho biết hoạt động khai thác cát tại khu vực diễn ra trong khi UBND tỉnh Quảng Trị chỉ mới đồng ý chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư Thanh Hoa (chủ sở hữu Nhà máy thủy điện Khe Giông) được kết hợp tận thu cát sỏi trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện Khe Giông, chứ chưa cấp phép.
|
Gần nhất, hôm 13.7, lực lượng chức năng đã lặn lội vào tận thôn Xa Bai (xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa) để bắt quả tang nhóm người đang xúc trộm cát nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Rào Quán. Những người này đã bị lập biên bản cùng tang vật (xe múc, khoảng 1.000 m3 cát ở bãi tập kết).
Cuộc chiến không khoan nhượng
Xét về địa hình, hầu hết khu khai thác cát trái phép đều nằm ở nơi hoang vu, sâu trong rừng, lưu thông khó khăn… nên các đối tượng nghĩ lực lượng chức năng không đủ kiên nhẫn để tiếp cận khu vực hiểm trở. Hoặc nếu có tập kích thì vừa tốn thời gian vừa dễ gây động, đủ để cát tặc dừng khai thác, phi tang máy móc… Trên thực tế, để bắt quả tang khai thác cát nơi miền rừng núi Quảng Trị không hề đơn giản. Đường xa, khó lưu thông, những hôm mưa lớn khiến xe sa lầy, phải đẩy; có vụ tối mịt mới ra khỏi rừng…
Chưa hết, một số doanh nghiệp lợi dụng chiêu chỉ mới xin được văn bản “đồng ý về mặt chủ trương” đã ồ ạt xua nhân công và máy móc hút cát dù chưa được cấp giấy phép chính thức.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, quả quyết doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép khai thác, nếu không có giấy phép là sai. Trong khi đó, sau một số lần trực tiếp theo chân các trinh sát bắt cát lậu ở miền tây Quảng Trị, PV Thanh Niên nhận thấy tại hiện trường chỉ có công nhân làm thuê, các ông chủ không hề lộ diện. “Chúng tôi luôn nhận được chỉ đạo sát sao từ Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị rằng dù đó là ai cũng không khoan nhượng, xử lý nghiêm để lập lại trật tự”, trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị, khẳng định.
Cũng theo trung tá Dung, quyết tâm “hạ nhiệt” cát lậu ở miền núi Quảng Trị còn giúp kịp thời chặn đứng tình trạng khai thác trong lòng hồ thủy điện, sông suối gây mất an toàn đập, biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường. Nếu khai thác chui còn gây thất thu nhiều khoản thuế, phí về tài nguyên, môi trường của nhà nước.
Bình luận (0)