'Giật mình' trước chuyện cái toilet ở muôn nơi

01/07/2017 14:32 GMT+7

Lần đầu như thế thì có bao thứ tò mò, thế mà trên chuyến bay đêm tới Narita hôm ấy, tôi lại chỉ nung nấu khám phá một thứ, ấy là... cái toilet.

Chuyến đi Nhật đầu tiên của tôi vào năm 2005. Hồi đó cơ hội du lịch tự túc vào Nhật là con số 0, và chuyến đi ấy là theo lời mời của Công ty Toyota, cùng đoàn nhà báo VN tham dự Triển lãm ô tô quốc tế Tokyo.
Lần đầu như thế thì có bao thứ tò mò, thế mà trên chuyến bay đêm tới Narita hôm ấy, tôi lại chỉ nung nấu khám phá một thứ, ấy là... cái toilet. Tất nhiên chuyện gì cũng có lý do của nó.
Thế hệ tôi sinh ra vào cái thời cơm ăn và áo mặc vẫn còn là nỗi lo canh cánh trong mỗi gia đình. Tiêu chuẩn tem phiếu mỗi tháng 1 lạng thịt và gạo thì độn lẫn bo bo. Thế nhưng, với tôi, nỗi ám ảnh thường trực lại đến từ cái toilet - dĩ nhiên bây giờ lịch sự nói theo kiểu Tây thì thế, còn hồi ấy, ai cũng gọi nó là cái chuồng xí.
Năm tôi lên 3 thì được gửi đi học ở trường mẫu giáo thành phố. Trường tận dụng mặt bằng từ một dinh thự cũ thời thuộc Pháp, có khuôn viên rộng nhiều cây to rất thích, nhưng nhà vệ sinh theo dạng “đổ thùng” thì kinh hoàng đến mức sau nhiều ngày cố gắng bất thành, đứa trẻ 3 tuổi ấy cương quyết giã từ đời mẫu giáo.
Thoát đời mẫu giáo có vẻ nhanh, nhưng thoát ám ảnh nhà vệ sinh công cộng, từ khu tập thể gia đình, đến trường tiểu học, trung học, rồi ký túc xá đại học thì không dễ thế. Mãi đến tận năm 2011, trong chuyến đi phượt ở Vân Nam, Trung Quốc, bắt gặp những nhà vệ sinh công cộng dọc đường với hai hòn gạch xếp, nồng nặc xú uế, tôi giật mình nhận ra nỗi ám ảnh gần 40 năm vẫn còn nguyên!
Chuyện cái toilet 1
Nhưng thôi, toilet ở Trung Quốc là một câu chuyện khác. Quay lại với chuyện toilet ở Nhật, nơi mấy năm trước, bà chị họ trở về sau chuyến tham quan ngắn ngày, kể đủ thứ chuyện khiến con em mắt tròn mắt dẹt, nhưng chuyện kỳ lạ nhất, ấn tượng nhất chính là về cái toilet.
Lạ lắm, nó có rất nhiều nút, toàn tiếng Nhật chả hiểu gì, hôm đầu loay hoay mãi không biết làm thế nào, vừa ngồi xuống thì nó tự mở nước róc rách, nhưng đến lúc mình xong muốn dội nước thì sờ ấn mãi cũng chẳng thấy ra. Thế mà có anh vừa đứng lên thì nó phun nước ướt hết cả quần áo, rõ khổ...
Chị kể đầy hào hứng. Còn bây giờ, tôi hào hứng thưởng thức... cái toilet ở ngay sân bay Narita, cái toilet “rất Nhật”, cái toilet là một phần của văn hóa độc đáo Nhật Bản.
Không cứ gì tôi, hầu như người nước ngoài nào cũng đều kinh ngạc và thích thú với những cái toilet siêu thông minh, siêu hiện đại được sử dụng hầu khắp trên nước Nhật, từ những khu vực công cộng như nhà ga, công viên, tới các gia đình.
Đất nước sản sinh ra những con robot cũng là đất nước áp dụng công nghệ tự động hóa vào phục vụ những nhu cầu vi tế nhất của con người. Bệ ngồi có sưởi mông khi trời lạnh. Một số nắp toilet có “mắt thần cảm ứng” tự đóng mở khi sử dụng hoặc không sử dụng.
Chúng lại còn có chế độ phun rửa tự động, làm khô, phát nhạc cũng như tự động xối nước sau khi dùng. Tinh vi hơn, nếu bạn sử dụng toilet mà không muốn người bên ngoài nghe thấy những âm thanh “thiếu tế nhị” thì có thể bấm nút phát nhạc hoặc phát tiếng nước chảy - Phụ nữ rất thích điều này!
Chuyện cái toilet 2
Buồn cười ở chỗ, người Nhật vốn nổi tiếng về lao động chăm chỉ, đôi khi đến khắc nghiệt, từ khi còn trẻ tới lúc về già, nhưng họ lại thích và cho phép mình “lười tuyệt đối” khi đi toilet!
Cái này người phương Tây không chấp nhận. Những cái toilet siêu thông minh kiểu Nhật nếu có ở phương Tây, thì chỉ sử dụng cho những người khuyết tật. Người phương Tây cho rằng không cần thiết phải tốn thêm tới vài trăm USD để “lười nhác” như vậy trong nhà vệ sinh!
Người Nhật vốn nổi tiếng về lao động chăm chỉ, đôi khi đến khắc nghiệt, từ khi còn trẻ tới lúc về già, nhưng họ lại thích và cho phép mình “lười tuyệt đối” khi đi toilet! Cái này người phương Tây không chấp nhận. Những cái toilet siêu thông minh kiểu Nhật nếu có ở phương Tây, thì chỉ sử dụng cho những người khuyết tật.
Còn một chi tiết này nữa: người Nhật không thiết kế nhà tắm và toilet chung một không gian như người Tây, bất luận “bathroom” của Tây vẫn được xem là hình mẫu văn minh cho toàn thế giới. Mặc dù người Nhật học rất nhiều văn minh từ phương Tây, dám từ bỏ cả việc ăn tết truyền thống chuyển sang ăn Tết dương lịch như người Tây, nhưng chuyện toilet thì không. Người Nhật quan niệm toilet là nơi bài tiết, nơi thải chất bẩn, vì vậy nó phải được tách biệt với phòng tắm, là nơi cần giữ vệ sinh tuyệt đối.
Đông - Tây thì vẫn cứ muôn đời “cãi cọ” như vậy, nhưng có một thực tế rất... thực tế là tuy cái toilet “made in Japan” đắt hơn cái toilet Tây từ vài trăm cho tới cả ngàn USD như vậy nhưng mà khách du lịch xài toilet ở Nhật hoàn toàn miễn phí, từ sân bay, nhà ga, công viên, nhà hàng, các trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi mà gần như ở góc đường nào cũng có.
Ngược lại, ở Tây, lúc nào bạn cũng phải chuẩn bị sẵn tiền xu lẻ trong túi cho nhu cầu bất chợt, mà nhiều khi có muốn trả tiền cũng không được!
Và lũ chúng tôi, chuẩn bị đi qua cái ám ảnh toilet công cộng một thời, lập tức bị ám ảnh bởi những cái siêu toilet Nhật Bản. Bữa ấy cả nhóm hùng dũng kéo nhau vào một trung tâm thương mại lớn ở Tokyo với quyết tâm đầu tư cho khoản “lười tuyệt đối”.
Cũng bất ngờ như anh chàng từng bị nước từ cái toilet thông minh phun ướt hết quần áo, trung tâm thương mại lớn thế mà chỉ còn đúng 2 bộ siêu toilet đúng với yêu cầu của chúng tôi, trong khi nhu cầu của cả đoàn gấp ít nhất 3 lần như thế. Có tí thất vọng, mà lại buồn cười. Khách hàng Nhật có ai đi mua gom hàng như mình, nhất là lại gom toilet! (Tất nhiên sau đó chạy qua hai trung tâm khác gần đó thì cũng gom đủ!).
Tới ngày ra sân bay làm thủ tục về VN, nhìn nhau chúng tôi lại cười lần nữa, lần này cười ứa nước mắt luôn: cả đoàn mỗi người xách theo một hộp giấy to đùng vẽ bên ngoài hình cái toilet!
Đấy, nước Nhật trong khám phá đầu tiên của tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.