Giữa Sài Gòn bộn bề tất bật, tình người vẫn luôn ấm áp

12/10/2017 12:06 GMT+7

Hơn 3 năm với hàng nghìn phần quà đã trao đến những mảnh đời bất hạnh trong đêm, nhóm thiện nguyện của chị Trang vẫn đang lặng thầm tiếp tục công việc ấm lòng người ấy.

Những người lang thang đón lấy từng gói quà từ nhóm thiện nguyện bằng đôi tay run run rồi cười mừng rỡ, vì đêm nay và ít nhất ngày mai, họ sẽ không phải đói. Những phần quà tuy nhỏ bé, nhưng khi trao đến những phận đời khốn khó lại trở nên vô cùng ý nghĩa.
Những gói mì, hộp sữa đầy ắp tình thương
21 giờ, các thành viên đã có mặt tại nhà chị trưởng nhóm Nguyễn Thị Minh Trang (30 tuổi) trong hẻm 266 đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh). 100 phần quà gồm sữa, bánh, mì ăn liền được đóng gói cẩn thận từ trước, giờ lần lượt cho vào các bọc lớn và chuyển ra xe. Sau khi chị Trang dặn dò, phân công cụ thể các cung đường sẽ đi, nhóm bắt đầu tách ra và xuất phát.
Những phần quà được gói ghém cẩn thận. Ảnh: Hoài Nhân
Nhóm tập trung chuyển quà lên xe Ảnh: Hoài Nhân
Sau khi chị Trang phân chia cung đường và dặn dò những điều cần thiết, nhóm tách ra và xuất phát Ảnh: Hoài Nhân
Thành viên nhóm nhẹ nhàng đặt gói quà cạnh một người đàn ông đang thiếp đi trên chiếc xích lô Ảnh: Hoài Nhân
Ông lão 70 tuổi trải lòng về cuộc sống chật vật của mình Ảnh: Hoài Nhân
2 người trên 1 xe máy, nhóm rảo khắp các đoạn đường Lê Quang Định, Phan Đăng Lưu, Hai Bà Trưng,… Có hôm nhóm qua cả khu vực Chợ Lớn, Q.5, Q.6. Những phần quà cứ vơi đi dần, và đổi lại bằng niềm vui của bao thân phận nghèo khó trong đêm tối Sài Gòn.
Ngay khi xuất phát trên đường Lê Quang Định, nhóm đã thấy ở bậc thềm một ngôi nhà đóng cửa có đến 4 người đang ngồi cạnh mấy chiếc bao đựng đầy vỏ chai nhựa.
Ông Ngầu (67 tuổi) nhận gói quà từ nhóm mà tay run run. Quê ông ở Bình Dương, nhưng phải vào trọ Sài Gòn nhặt ve chai kiếm cơm qua bữa. Cạnh đó, bà Hoàng (63 tuổi) đang xếp lại mớ chai lọ, nhưng vẫn luôn miệng cảm ơn nhóm. Họ chỉ ngồi nghỉ ngơi một chốc, rồi lại tiếp tục công việc đến tận 12 giờ mới về nhà. Ở tuổi đáng ra nên vui cùng con cháu, cái nghèo lại khiến họ phải chật vật từng đêm.

Một ông lão không nhà nhận quà từ nhóm Ảnh: Hoài Nhân
Tại một góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, một người đàn ông gầy gò đang thiếp đi vì mệt mỏi trên chiếc xích lô sờn cũ. Một thành viên trong nhóm liền đến và nhẹ nhàng đặt một gói quà bên cạnh, cố gắng không phá mất giấc ngủ của ông.
Sang đến Hai Bà Trưng, nhóm gửi một phần quà cho cụ Hai (70 tuổi), đang lọc cọc đẩy chiếc xe tự chế chở dăm ba thứ đồng nát. Vợ cụ mất, còn đứa con trai bị tâm thần từ nhỏ, giờ chẳng lao động được. Một mình cụ ngày nào cũng lang thang đi gom phế liệu kiếm sống. Dăm ba câu cụ trải lòng với thành viên trong nhóm, tôi thấy thương quá một kiếp người đến cuối đời mà vẫn chưa được bình yên.
Một lần theo chân nhóm tình nguyện của chị Trang, tôi mới giật mình nhìn thấy vô vàn những mảnh đời bất hạnh như thế giữa lòng thành phố. Đó là một bà cụ lưng còng, hôm qua vì bán không hết vé số mà chịu đói cả ngày hôm nay. Đó là một người đàn ông không nhà nằm co ro bên lề đường ngổn ngang rác. Đó là một đứa trẻ nhỏ xíu lang thang cùng mẹ bán rong mấy thứ đồ dùng lặt vặt. Lượng quà mà lúc đầu tôi nghĩ là nhiều, giờ lại trở nên quá ít ỏi!
Suốt hành trình, những thành viên nhóm thường xuyên gọi điện cho nhau, xem cung đường bên kia có cần hỗ trợ gì hay không. Gần 11 giờ, các thành viên lần lượt trở lại nhà chị Trang, rút kinh nghiệm cho nhau vài điều, rồi mới về nghỉ ngơi.

Công việc lặng thầm và thật nhiều kỉ niệm
Chị Trang cho biết, trước đây nhóm do một người bạn chị lập nên. Thời gian đó, sự hỗ trợ của nhóm là những phần cơm chay đóng hộp sẵn từ kinh phí của hơn 10 thành viên. Nhóm hoạt động tích cực suốt một năm thì các thành viên đều chuyển nhà, không còn điều kiện nên đành dừng lại.
Riêng chị Trang, vì cảm thấy không thể bỏ được công việc này nên đã quyết tâm duy trì nhóm với vài thành viên ít ỏi còn lại. Chị cố gắng kêu gọi những tấm lòng khác và âm thầm tiếp tục suốt hơn 2 năm nay. Vừa qua, một người thân ở nước ngoài biết được hoạt động này, nên quyết định mỗi tháng hỗ trợ nhóm một số tiền trang trải. “Như vậy, số quà sẽ nhiều hơn, có thể giúp được nhiều người hơn!”, chị Trang hào hứng.
“Ngay lần đầu đi cùng nhóm cũ, chị đã cảm thấy hoạt động này rất ý nghĩa và thiết thực. Mình cứ nghĩ chút sức của mình mà đổi lại được bữa no cho họ, là tự nhiên thấy vui. Đó cũng là động lực để chị duy trì nhóm đến bây giờ.”, chị Trang chia sẻ.
Nhóm hiện tại chỉ có khoảng 6 thành viên cố định. Do tính chất công việc khác nhau nên rất khó để thống nhất thời gian hoạt động. Nhưng nhóm vẫn sắp xếp duy trì mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, thường vào cuối tuần, dù hôm đó trời có mưa gió. Vì “càng mưa họ lại càng cần mình”, anh Huỳnh Liêu (30 tuổi), chồng chị Trang, cũng là một thành viên nhóm, giải thích.
Làm việc tốt là thế, nhưng kỉ niệm vui buồn gì nhóm cũng trải qua. Anh Tuấn (26 tuổi) kể, một số người trông khỏe mạnh, thấy nhóm đang phát quà cũng nhào vào xin hoặc... xin dùm! Có người anh thấy rõ ràng cầm chiếc ống chích giấu vào góc, sau đó lại đứng dậy đến xin. Về sau, những trường hợp như vậy nhóm nhất quyết từ chối giúp đỡ. Vậy nên có chuyện thành viên nhóm bị những người như thế mắng chửi. Nhưng chị Trang chia sẻ: “Ai nói gì mình chịu. Cho đi cũng được, nhưng như vậy lại có một hoàn cảnh xứng đáng hơn không được giúp.”
Người phụ nữ vui mừng với gói quà vừa nhận Ảnh: Hoài Nhân
Một người đàn ông nhặt ve chai được nhóm giúp đỡ Ảnh: Hoài Nhân
Giữa Sài Gòn xa hoa, tình người vẫn luôn ấm áp Ảnh: Hoài Nhân
Một chị bán hàng rong từ chối nhận quà và bảo nhóm hãy để dành cho những hoàn cảnh khó khăn hơn Ảnh: Hoài Nhân
Tình yêu thương, sự nhân ái của con người luôn còn trong cuộc sống này Ảnh: Hoài Nhân
Lần khác, một bà cụ không nhà đang ngồi bên lề đường, vì thấy nhóm xông xáo bước lại, tưởng là lực lượng chức năng đến đuổi đi nên lật đật bỏ chạy. Sau khi nhóm giải thích, bà cụ mới hiểu và rối rít cảm ơn về phần quà. Đó cũng là những trải nghiệm thú vị, khiến những thành viên nhóm gắn bó với công việc tình nguyện này.
Không phô trương, không có cả một cái tên nhóm cụ thể. Tất cả những gì họ có chỉ đơn giản là tấm lòng thương người và thiết tha muốn làm gì đó cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Giữa Sài Gòn xa hoa và vội vã, tình người vẫn ấm lên bởi những điều lặng thầm như thế.
Suốt hơn 3 năm qua, hàng nghìn phần quà trao đi đã giúp được phần nào cho những mảnh đời khốn khó bớt chút nhọc nhằn. Hành động thiết thực đó khiến tôi thấy ấm lòng, bởi cảm nhận được tình yêu thương, sự nhân ái của con người vẫn luôn còn trong cuộc sống này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.