Đã nhận giữ xe và nhận tiền của người gửi xe thì bên giữ xe phải có trách nhiệm bảo quản và trả lại đúng hiện trạng ban đầu cho người gửi, nếu hư hỏng hay mất mát thì phải bồi thường.
Cơn mưa lịch sử ngày 26.9 ở TP.HCM làm một số hầm giữ xe bị ngập trong nước. Mỗi xe hư hỏng tiền sửa xe cũng từ vài triệu đến vài chục triệu. Đó là chưa kể hàng trăm xe máy của các sinh viên ở KTX ĐH Quốc gia cũng bị ngập trong nước, mỗi người được cho 60.000 đồng để sửa xe.
Liệu số tiền trên có đủ để cá nhân sửa xe hay không và khi xe bị ngập nước trong hầm ai sẽ bồi thường thiệt hại?
VIDEO: 'Giải cứu' xe ngập hầm sau mưa ở Sài Gòn - Thực hiện: Phạm Hữu
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết việc gửi xe máy cũng như xe hơi ở các điểm giữ xe, nhận thẻ giữ xe và khi nhận xe lại thì trả thẻ là một giao dịch dân sự được Bộ luật dân sự hiện hành điều chỉnh.
Đây là một loại hợp đồng gửi giữ tài được quy định ở chương Mục 10 Chương 17 Phần thứ 3 BLDS 2005.
Mặc dù Ban quản lý KTX có hỗ trợ cho mỗi sinh viên có xe hư hỏng 60.000 đồng/người. Tuy nhiên, nhiều bạn cho rằng số chi phí hỗ trợ đó “có cũng như không”. Ngay lập tức, '2 soái ca sửa xe' xuất hiện, trắng đêm giúp các bạn mà không lấy tiền công.
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Người dân đẩy xe từ hầm lên sau khi nước được bơm ra ngoài Ảnh: Phạm Hữu
Nghĩa vụ của bên giữ tài sản là phải bảo quản tài sản và trả lại tài sản đúng như hiện trạng ban đầu, nếu để hư hỏng hoặc mất mát phải bồi thường.
Các chủ nhà xe nói do nguyên nhân bất khả kháng mà không chịu bồi thường là không đúng. Bởi vì cơn mưa ngày 26.9 không thể được xem là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm vì không thoả mãn được yêu cầu “không thể tiên liệu trước”. Giờ đang là mùa mưa, điều kiện thoát nước kém nên nước có thể ngập là có thể biết trước và có biện pháp phòng ngừa
Luật sư Huỳnh Công Thư
Như vậy, nếu người dân gửi xe mà hư hỏng hay mất mát có thể yêu cầu được bồi thường thông qua thương lượng, nếu không thương lượng được thì có thể khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Dù là đã nhận xe về nhưng chủ sở hữu chứng minh được quan hệ gửi giữ và thiệt hại vẫn có thể yêu cầu bồi thường.
Nói ngập hầm là sự kiện bất khả kháng là sai!
Theo LS Thư, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Pháp luật dân sự quy định trường hợp bất khả kháng là hiện tượng tự nhiên, ngoài ý muốn, xảy ra sau khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định là các bên không lường trước được và không thể khắc phục được.
Các chủ nhà xe nói do nguyên nhân bất khả kháng mà không chịu bồi thường là không đúng.
Bởi vì cơn mưa ngày 26.9 không thể được xem là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm vì không thoả mãn được yêu cầu “không thể tiên liệu trước”. Giờ đang là mùa mưa, điều kiện thoát nước kém nên nước có thể ngập là có thể biết trước và có biện pháp phòng ngừa.
Mặt khác, điều kiện để được cấp phép kinh doanh bãi giữ xe là phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cháy nổ, cao ráo, không bị ngập... Vì vậy, việc ngập do mưa lớn là do lỗi của chủ nhà xe không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của nhà giữ xe.
Chiều 26.9, Sài Gòn chìm trong cơn mưa to khủng khiếp. Hàng chục tuyến đường đang chìm trong biển nước. Tính đến 20 giờ tối nay, mưa vẫn đang rơi, đường phố chìm trong nước, xe máy bị cuốn trôi, bệnh viện ngập, tòa nhà Bitexco dột, dòng người đang kẹt cứng trên đường.
Bảo hiểm xe tốn 4 tỉ vì mưa ngập
Đại diện Công ty Bảo hiểm Liberty Việt Nam cho biết trong 3 ngày gần đây, Liberty đã tiếp nhận hơn 40 trường hợp xe ô tô bị ngập nước. Riêng với xe máy, công ty này chưa có chế độ bảo hiểm cho thủy kích ở xe máy.
Hiện nay, chưa thể thống kê được chính xác con số tổn thất nhưng trung bình với xe bị ngập nước chi phí sửa chữa sẽ là 50 đến 100 triệu đồng và thủy kích thì sẽ con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì thế, tính sơ bộ số tiền công ty này phải chi trả vi xe ngập nước có thể lên tới hơn 4 tỷ đồng.
Vị đại diện này cũng cho hay nếu người điều khiển ô tô đi vào khu vực ngập nước và xe bị tắt máy, tuyệt đối không được khởi động máy, mà hãy gọi đến đường dây nóng để được công ty bảo hiểm hỗ trợ cẩu kéo về garage gần nhất.
Xe máy ngổn ngang trong hầm ngập nước Ảnh: Phạm Hữu
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, người điều khiển xe ô tô cần lưu ý một số điểm sau: Không đi qua vùng ngập nước khi:
- Chắc chắn rằng mực nước ngập không vượt qua 1/4 bánh xe. Cần lưu ý là mực nước có thể bất ngờ dâng cao do sự di chuyển của các xe cùng lưu thông.
- Không nên chủ quan khi thấy xe khác đã qua được vùng ngập nước vì thiết kế khí động học của các xe khác nhau.
- Tháo lọc gió để giảm tối đa khả năng hút nước vào động cơ.
- Đạp đều ga và giữ tốc độ thấp.
Trường hợp đã và đang ở trong vùng ngập nước:
- Nếu xe bị chết máy trong vùng ngập nước thì phải tắt ngay công tắc máy và tuyệt đối không khởi động lại máy.
- Không mở cửa xe nhằm tránh làm hư hỏng nội thất và các hộp điều khiển. Bạn có thể thoát ra khỏi xe qua cửa sổ.
Bình luận (0)