Gương sáng biên cương: Đổi thay bản làng 'cổng trời'

21/09/2021 10:02 GMT+7

Vị trưởng thôn tuổi 35, ở vùng biên viễn Quảng Nam, được ngợi ca là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Anh đã đóng góp nhiều công sức làm thay đổi cả bản làng nơi vùng biên giới Việt - Lào.

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có chuyến công tác lên làng Achoong (xã Ch’Ơm, H.Tây Giang, Quảng Nam). Achoong, nơi có 32 hộ dân (140 nhân khẩu) đang sinh sống, là một trong những bản làng được mệnh danh “cổng trời” nơi vùng biên giới Việt - Lào. Có mặt tại đây, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự “thay da, đổi thịt” ở ngôi làng vùng biên một thời nghèo khó của đồng bào Cơ Tu.

Đi bộ hai ngày đường để xin học

Ngồi uống ly cà phê với anh cán bộ xã Ch’Ơm ngay ngã ba dẫn vào thôn Achoong, bất chợt anh khoe: “Các chú thấy không, đếm trên đầu ngón tay được bao nhiêu ngôi làng ở biên giới có nhà cửa khang trang, kiên cố như làng Achoong này. Ở đây, người dân không còn lo cái ăn nữa rồi. Từ khi biết đến cây đảng sâm, đời sống người dân thay đổi hẳn. Để có được sự thay đổi lớn này, công lớn nhờ vào anh trưởng thôn này đó”. Nói rồi, anh dẫn chúng tôi tới nhà vị trưởng thôn anh vừa khen ngợi.
Thấy cán bộ dẫn người vào làng, Alăng Lơ (35 tuổi), Trưởng thôn Achoong, vui vẻ mời vào gươl làng (nhà sinh hoạt cộng đồng) chuyện trò.
Với chất giọng hào sảng vốn có của người đồng bào, Alăng Lơ nói đã qua rồi những khó khăn ngày cũ. Giờ đây, cuộc sống đồng bào nơi miền biên viễn này đã đổi khác. Chén nước mời khách thơm mùi hương của cây đảng sâm - một loại dược liệu thuộc hạng đặc sản của đồng bào vùng cao nơi đây. Alăng Lơ nói, những đổi thay của làng phần lớn là nhờ cây đảng sâm, sau thời gian anh vận động bà con trồng tập trung theo phương pháp xen canh trên đất rẫy.
Đổi thay bản làng 'cổng trời'1

Alăng Lơ đang kiểm tra chất lượng củ đảng sâm trên rẫy của mình

Là con út trong gia đình nghèo có 6 anh chị em. Năm 1 tuổi, Alăng Lơ mồ côi cha. Vào lớp 1, mẹ anh cũng ra đi sau cơn bạo bệnh. “Thời đó đi học xa lắm, phải đi bộ hơn nửa ngày đường. Khi mất người thân, mình đã bỏ học một năm. Rồi được sự động viên của anh chị, mình lại tiếp tục ra lớp. Khi học đến lớp 5, lại phải nghỉ học thêm 2 năm nữa vì không có trường để đi học. Bởi thời đó đường sá đi lại vô cùng khó khăn”, Alăng Lơ nhớ lại.
Nhận thấy muốn thoát nghèo phải biết con chữ, Alăng Lơ đã băng rừng đi bộ suốt 2 ngày đường xuống xã Lăng gần trung tâm H.Tây Giang chỉ xin được… đi học. “Để được đi học, mình phải xin chỗ ở để tá túc nhưng lần đó thất bại nên phải quay về lại. Lần hai, mình xuống xin tiếp, rất may khi đó có chú Palăng Bưng là Phó chủ tịch UBND xã Lăng thương nên cho ở nhờ”, vị trưởng thôn trẻ tâm sự.

Tiên phong thoát nghèo

Học hết cấp 2, với kết quả học tập thuộc loại giỏi, Alăng Lơ được tuyển vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam (tại TP.Hội An). Hết cấp 3, anh trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nhưng do không có tiền đóng học phí nên hết năm thứ 2 anh phải nghỉ học, trở về quê sinh sống. “Mình được chú Bưng cưu mang từ lớp 6 cho đến khi vào năm 2 đại học. Tuy nhiên, thời điểm đó hai đứa con gái của chú cũng vào đại học, vợ chồng chú không thể xoay xở thêm được nên mình xin nghỉ, dù trước đó hứa với chú là dù khó khăn thế nào phải theo đến cùng”, Alăng Lơ nghẹn lại.
Đổi thay bản làng 'cổng trời'2

Ngôi nhà khang trang của vị trưởng thôn 35 tuổi

Vốn sớm tự lực, lớn lên bằng sự nuôi dưỡng của bà con họ hàng, của núi rừng nên Alăng Lơ hun đúc trong mình ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo. Vì vậy, khi rời ghế nhà trường, anh bắt đầu trồng cây đảng sâm và vận động đồng bào cùng trồng thử nghiệm. “Cây đảng sâm có từ xa xưa nhưng người dân không biết tận dụng trồng mà chỉ dựa vào lúa rẫy để sinh sống. Khi bắt đầu gắn bó với cây sâm, thay vì trồng rải rác, mình trồng tập trung một chỗ số lượng lớn, xen canh với cây trồng khác”, Alăng Lơ nói.
Vận dụng lợi thế của bản thân, Alăng Lơ vận động bà con trong làng cùng mở hướng thoát nghèo từ đảng sâm. Để bà con tin, anh phải làm gương, bắt đầu từ gia đình mình. Anh tiên phong trồng trước để dân làng thấy, tạo niềm tin cho họ. Đất không phụ lòng người, một năm sau khoảng 2 ha đảng sâm đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy là mơ ước của hầu hết người dân ở Ch’Ơm, bởi theo nương rẫy, trời có thương thì cũng chỉ đủ ăn, không dư dả được. Thừa thắng xông lên, anh tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng lên 5 ha.
Thấy Alăng Lơ làm được, bà con dân làng cũng tìm đến học tập theo mô hình trồng đảng sâm xen canh dưới tán rừng để phát triển kinh tế. Alăng Lơ cấp giống miễn phí rồi chỉ dẫn cho bà con trồng sao cho hiệu quả. Ngoài ra, anh vận động bà con mở rộng diện tích trồng sâm. Hiện nay, cả làng Achoong đều trồng sâm, mở ra cơ hội phát triển. Từ đây, Alăng Lơ được bà con đồng bào tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Không lâu sau đó, từ thành công bước đầu, anh ấp ủ thêm dự định mới, xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) từ cây sâm bản địa.

Dân làng có của ăn, của để

Đầu năm 2019, Alăng Lơ đã xây dựng mô hình HTX từ cây sâm bản địa. HTX hiện trồng hơn 25 ha sâm có độ tuổi 1 - 3 năm. Hiện giá bán 1 kg sâm tươi bình quân khoảng 150.000 - 200.000 đồng, trong đó sâm 2 - 4 tuổi giá 250.000 - 300.000 đồng. Nhờ vậy, mỗi năm HTX thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập trực tiếp cho 9 thành viên liên kết.
Hiện Alăng Lơ cũng khoanh vùng và bảo vệ hơn 3 ha cây tiêu rừng đặc sản vùng cao, thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho gia đình và cộng đồng miền núi nơi anh đang sinh sống. “Mình lại bắt tay xây dựng các tổ liên kết, hợp tác trồng sâm ở trong làng và các vùng lân cận để mở rộng HTX. Hoạt động này vừa giúp giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, vừa có thêm thu nhập và tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi. Ngoài cấp giống miễn phí cho dân, HTX sẽ bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, khi vượt quá khả năng, mình sẽ đi kết nối đơn vị khác thu mua cho dân. Từ đó, góp phần giải quyết được bài toán giảm nghèo ở chính bản làng vùng cao của mình”, Alăng Lơ chia sẻ.
Theo Alăng Lơ, hồi xưa bà con ở đây làm gì có nhà lát gạch, có tủ lạnh và ti vi màn hình lớn, nhưng khi tiếp cận với cây đảng sâm, dường như cuộc sống của bà con đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, đời sống của nhiều người dân đã thay đổi rõ rệt. Nhờ cây sâm, 100% người dân thôn Achoong đã thoát nghèo.
Là một trong những hộ dân được cung cấp giống để trồng đảng sâm, chị Alăng Thị Nhon (41 tuổi, ở thôn Achoong) vui vẻ nói: “Nhờ cây sâm, gia đình mình thoát nghèo rồi. Nói đúng hơn, nhờ Alăng Lơ mà người dân mình có của ăn, của để. Dân mình cảm ơn trưởng thôn Lơ nhiều lắm”.
Chia tay làng Achoong khi những tia nắng cuối ngày dần tắt hẳn, chúng tôi cảm nhận hết sự đổi thay, niềm phấn khởi, hạnh phúc của người dân nơi bản làng biên viễn này.  
Ông Pơloong Nhiêu, Phó bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm, cho hay HTX nông nghiệp Ch’Ơm của Alăng Lơ là mô hình kinh tế đầu tiên ở xã, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con, nhất là các hộ tham gia. “Từ mô hình này đã tác động tích cực đến bà con đồng bào trong việc thay đổi nhận thức, góp phần phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững và kết nối phát triển thành các điểm du lịch sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương”, ông Nhiêu chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.