Gương sáng biên cương: Gieo hy vọng cho trẻ khiếm khuyết

13/07/2021 07:31 GMT+7

Không đành lòng nhìn những đứa trẻ khiếm khuyết không thể đến trường, cô Trương Thị Thanh Tâm (35 tuổi, ở xã biên giới Đắk Lao, H.Đắk Mil, Đắk Nông) đã mở một trung tâm để dạy cho những đứa trẻ đặc biệt ấy.

Mỗi ngày, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm (ở xã Đắk Lao, H.Đắk Mil, Đắk Nông) đều mở cửa từ sáng sớm để đón 31 học sinh. Lớp học đặc biệt này học xuyên cả chủ nhật lẫn 3 tháng hè.

Tình yêu với trẻ khiếm khuyết

Trung tâm Thiện Tâm được cô Trương Thị Thanh Tâm mở vào tháng 12.2019, khi ấy chỉ có 13 học sinh, sau một thời gian đi vào hoạt động thì sĩ số lớp là 31 em. Mặc dù có nhiều em đến rồi đi, nhưng sau gần 2 năm hoạt động, sĩ số trong lớp học vẫn giữ con số 31.
Đây là một lớp học đặc biệt vì mỗi em mang trong mình một khiếm khuyết khác nhau. “Nhìn bọn trẻ bên ngoài bình thường thế thôi nhưng thật ra mỗi em có một khuyết tật. Có em thì tự kỷ, có em chậm nói, em thì bị rối loạn ngôn ngữ… Em nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất 12 tuổi”, cô Thanh Tâm cho hay.
Khi được hỏi về cơ duyên mở trung tâm dạy những đứa trẻ đặc biệt này, cô Thanh Tâm chia sẻ bản thân vốn rất yêu trẻ nhỏ, đặc biệt là những em khiếm khuyết. Năm 2006, cô đã chọn ngành sư phạm, chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Ngay từ năm nhất đại học, cô Thanh Tâm đã được tiếp cận thực hành tại các trung tâm dạy trẻ khiếm khuyết.
Những năm tháng thực tập ở đại học, cô giáo trẻ nhận ra để dạy trẻ khiếm khuyết thật sự không đơn giản. “Khi ấy không ít lần mình nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, chọn con đường khác. Nhưng nếu bây giờ ai cũng thấy khó rồi từ bỏ thì ai sẽ dạy các em ấy. Hơn nữa bản thân mình cũng đã tiếp xúc với nhiều người khiếm khuyết, mình hiểu nỗi khát khao được hòa nhập với cộng đồng của họ. Chính vì vậy mình đã vượt qua được những khó khăn của giai đoạn đầu vào nghề”, cô Thanh Tâm chia sẻ.
Đến cuối năm 3 đại học, cảm thấy việc mình đi thực tập vẫn chưa đủ, cô Thanh Tâm gia nhập nhóm thiện nguyện chuyên dạy ngôn ngữ ký hiệu miễn phí cho trẻ em khiếm khuyết ở TP.HCM.

Những ngày đầu khó khăn

Năm 2016, cô giáo trẻ Thanh Tâm lên xã biên giới Đắk Lao để lập nghiệp cùng chồng. Công việc gắn với những đứa trẻ khiếm khuyết của cô giáo Tâm bắt đầu từ đó.
Khu vực nơi vợ chồng cô Thanh Tâm định cư là một xã nghèo vùng biên giới, vì vậy không có trung tâm dạy cho các em khiếm khuyết. Cô quyết định mở một lớp học chuyên biệt để hỗ trợ các em khiếm khuyết miễn phí ngay tại nhà.
Bắt đầu từ giữa năm 2016, cô Thanh Tâm nhận can thiệp sớm cho trẻ em bị khiếm khuyết trên địa bàn H.Đắk Mil. Ban đầu thì chỉ một vài em, nhưng sau một thời gian thấy các em học ở đây có tiến bộ nên ngày càng nhiều phụ huynh đưa con đến gửi cô. Khi số trẻ bắt đầu nhiều hơn, cô giáo trẻ đã cùng một số người bạn đứng ra thành lập Câu lạc bộ chuyên biệt Thiện Tâm để thu hút nhiều người chung tay giúp đỡ những đứa trẻ thiếu may mắn.
Gương sáng biên cương: Gieo hy vọng cho trẻ khiếm khuyết1

Các học sinh được cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm ân cần chỉ dạy

Những năm mới hình thành lớp học, kinh tế của cô giáo Thanh Tâm gặp nhiều khó khăn. Từ thứ hai đến thứ sáu, cô phải đi dạy ở trường mầm non để có tiền trang trải cuộc sống. Vào 2 ngày cuối tuần mới có thể dạy cho các học trò đặc biệt.
Khi mới mở lớp, kinh phí để duy trì lớp học do các cô tự bỏ tiền túi để mua nhu yếu phẩm hay vật dụng trong lớp. Về sau, có một số nhà hảo tâm đến thăm, chia sẻ với những khó khăn của lớp học đặc biệt này nên đã ủng hộ một số hiện vật và tiền mặt. Lớp học dần dần vượt khó.
Đến cuối năm 2019, kinh tế đã dần ổn định hơn, khi ấy cô Thanh Tâm quyết định nghỉ việc để mở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm. “Khi đó cũng có rất nhiều người nói mình hãy suy nghĩ kỹ, vì đang có công việc tốt lại bỏ ngang. Chưa kể lớp dạy hoàn toàn miễn phí nữa nên mọi người khuyên rất nhiều”, cô Tâm kể lại.
Lớp học ngày một đông, một mình cô Thanh Tâm không thể dạy được hết nên cô tuyển thêm giáo viên hỗ trợ. “Dạy cho những em này hơi khó hơn bình thường một tí, nên nhiều cô giáo chỉ làm được vài ngày là bỏ. Có cô vừa đến chưa hết ngày đã xin thôi việc. Chính vì vậy lớp học cứ giữ mãi sĩ số 31 em học chứ không dám nhận thêm”, cô Tâm chia sẻ.
Ngoài ra, việc tuyển thêm giáo viên cũng khiến cô giáo trẻ trăn trở rất nhiều. Lớp mở ban đầu với tiêu chí dạy miễn phí, nhưng tiền lương trả 4 giáo viên đang cùng phụ đứng lớp thật sự cô Thanh Tâm cũng không biết xoay xở ra sao cho ổn định. Bất đắc dĩ, cô đành thu học phí tùy theo tình hình kinh tế của phụ huynh mỗi em, nhiều em gia đình khó khăn thì không cần đóng học phí, còn em đóng cao nhất thì 3 triệu đồng mỗi tháng.

Niềm hy vọng hòa nhập cộng đồng

Không giống ngày mới đến học còn nhút nhát, nay nhiều em đã dạn dĩ hơn và không còn sợ sệt nữa. Ngoài ra, các cô giáo cũng không còn phải đến từng bàn, cầm tay các em để tập làm quen với cây bút, quyển vở. Nhiều em bây giờ đã tự cầm bút và có thể làm toán.
Gắn bó với các học sinh được một thời gian dài, không chỉ cô Thanh Tâm mà một số cô giáo khác ở trung tâm đã xem học sinh ở đây như con của mình. Cô Phan Thị Thu Thanh, giáo viên của trung tâm, chia sẻ: “Nhìn các em khôn lớn, vui vẻ mỗi ngày mình cũng cảm thấy ấm lòng. Lúc trước nhìn một số em không thể đến trường được như bạn bè nên rất thương. Vì vậy khi nghe chị Tâm đang cần giáo viên, mình đã xin vào góp chút công sức cho trung tâm ngay”.
Mỗi ngày đến trường, các em không chỉ được các cô giáo chăm sóc mà còn được gặp bạn bè. Chỉ những lúc ốm đau thì các em mới chịu ở nhà. “Nhiều phụ huynh kể, học ở đây một thời gian, các em về nhà rất lễ phép, đi thưa về trình với người lớn. Mỗi lần nghe phụ huynh kể như vậy thì rất vui, công sức mình bỏ ra coi như được đền đáp”, cô Tâm cho biết.
Dẫu vui mừng vì học trò mình ngày càng tiến bộ, nhưng khi nhắc đến những bạn đang xuất sắc trong lớp, ánh mắt cô Thanh Tâm có chút đượm buồn: “Hết hè năm nay có 7 em sẽ ra học trường cộng đồng, những em này đã gắn bó với lớp từ những ngày đầu. Lúc nào cũng hy vọng các em sớm hòa nhập với cộng đồng, nhưng mỗi khi chia tay các em thì lại lưu luyến không đành”.
Vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
Ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lao, cho biết: “Những năm vừa qua, không chỉ dạy trẻ khiếm khuyết mà cô Tâm còn cùng Câu lạc bộ chuyên biệt Thiện Tâm tích cực tham gia từ thiện, giúp đỡ bà con khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đối với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm, tuy quy mô nhỏ nhưng lại giúp đỡ được rất nhiều những em khiếm khuyết trong và ngoài xã. Mô hình dạy học của cô Tâm rất đáng được nhân rộng nhiều hơn nữa ở những địa phương khác”.
Từ những đóng góp không ngừng của mình, nhiều năm qua cô Thanh Tâm liên tục nhận được bằng khen từ T.Ư đến địa phương. Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, cô còn được Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đạt giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.