Những ngày bám trụ tại đồn biên phòng nơi các huyện vùng cao Quảng Nam, chúng tôi thấy rất rõ thành trì vùng biên không chỉ có chiến sĩ biên phòng, mà còn có sự góp công, góp sức của người dân. Chống dịch, bà con vùng biên không đứng ngoài cuộc. Họ chấp hành những khuyến cáo của chính quyền, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam. Và họ cũng góp sức với những người đang làm nhiệm vụ, theo cách giản dị nhất của mình.
|
“Mình sao đứng ngoài được”
Nhận thấy cuộc chiến với dịch Covid-19 sẽ còn dài, để đảm bảo nơi ở an toàn cho các chiến sĩ trực chốt tại các điểm đường mòn, lối mở, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam có chủ trương kiên cố hóa chốt kiểm soát dịch. Từ chủ trương này, suốt cả tháng trời, người dân vùng cao cùng với lực lượng biên phòng đi tìm kiếm mặt bằng. Khi tìm được mặt bằng, người dân lại bỏ công, bỏ sức cõng vật liệu lên xây dựng lán trại. Ngoài ra, hằng tuần, hằng tháng người dân còn đồng hành cùng lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát dọc tuyến biên giới Việt - Lào.
Ta Ngôn Ếp được nhiều cán bộ biên phòng gọi bằng cái tên thân thiết là “già làng”, bởi anh thuộc rõ địa bàn và luôn có mặt trong mỗi chuyến tuần tra. Ngoài tham gia tuần tra tại các tuyến đường mòn, lối mở, anh còn thường xuyên cùng với người dân tham gia vận chuyển vật liệu, dựng lán trại phục vụ công việc bảo vệ biên giới. Nhớ đợt chốt kiểm soát vừa mới dựng lên, anh em phải dầm mưa để cõng vật liệu trên quãng đường dài hàng cây số. Có chiến sĩ nghĩa vụ do không quen công việc nặng, lại thêm đường đi hiểm trở nên chỉ sau lần đầu tiên vận chuyển vật liệu đã đổ bệnh.
Thương các chiến sĩ trẻ, Ta Ngôn Ếp nhận lấy phần việc nặng nhất, miệt mài ngược núi cùng anh em khỏe mạnh vận chuyển hết số vật liệu công trình. “Mình làm vì việc chung. Mỗi người góp một chút sức chỉ mong nhanh qua nạn dịch. Dù sao, đây cũng là quê, là nhà. Anh em biên phòng, nhiều người ở tuốt dưới xuôi vẫn lặn lội tăng cường lên đây, ngủ giữa rừng, canh gác cho dân làng. Mình làm sao mà đứng ngoài được, phải đồng lòng thôi”, Ta Ngôn Ếp cười nói.
Luôn có ít nhất 2 dân quân ở mỗi điểm chốt tuần tra kiểm soát dọc biên giới. Là lực lượng được chính quyền địa phương tăng cường, họ cũng đầy tinh thần trách nhiệm, ý thức và quyết tâm như nhiều anh em khác trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để củng cố vững chắc “lá chắn thép” vùng biên.
Nghĩa tình biên cương
Những ngày có mặt tại Đồn biên phòng Gary, chúng tôi gặp một người đàn ông đặc biệt. Ông là già Zơrâm Nhúa, người làng Glao. Đã nhiều ngày, già Zơrâm Nhúa có mặt tại chốt gác, khi thì giúp bộ đội làm lán trại, lúc mang tới vài bó củi khô cho anh em nấu bếp. Không một chút nề hà, việc gì có thể giúp, ông đều sẵn lòng. Mà không chỉ có vậy. Từ khi được nghe những thông tin về dịch bệnh, già Zơrâm Nhúa trở thành người tuyên truyền cần mẫn cho cả làng Glao. Từ nhà lên rẫy, gặp ai ông cũng dặn dò về việc ngừng đi lại qua bên kia biên giới, hạn chế đến làng bản khác, tránh tập trung đông người.
20 năm làm trưởng thôn, nay đã nghỉ, tiếng nói của già Zơrâm Nhúa vẫn đầy uy tín với dân làng. Khi dịch bệnh bùng phát, cán bộ Đồn biên phòng Gary gặp ông nhờ vận động thêm cho bà con về việc hạn chế qua lại thăm thân ở các thôn, bản hai bên biên giới. Ngoài ra, già Zơrâm Nhúa còn nhắc nhở người dân thường xuyên sử dụng khẩu trang do cán bộ biên phòng cấp phát. Những việc tưởng chừng nhỏ bé, nhưng đã giúp sức rất nhiều cho lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương trong phòng chống dịch. “Bố không giàu có gì. Bà con trong làng cũng vậy. Nhưng khi cán bộ cần bó rau, quả bí, bố và người dân sẵn sàng gửi tặng. Thấy các cán bộ trực chốt vất vả, bố và người làng muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa để chia sẻ với họ”, già Zơrâm Nhúa chia sẻ.
Khi chuẩn bị cùng các chiến sĩ ở chốt kiểm soát dịch của Đồn biên phòng Gary sửa soạn bữa cơm, chúng tôi gặp vợ chồng Ríah Nhô gùi lên tặng bộ đội vài búp chuối rừng, đu đủ, mía... Vợ chồng Nhô bảo, thấy anh em vất vả, nên góp chút ít cải thiện bữa ăn. “Cả ngày bộ đội trực chốt, đi tuần, thời gian đâu mà kiếm rau, kiếm củ. Mình không có thịt, có cá, chỉ có mấy búp chuối, mấy trái đu đủ, khúc mía vừa hái từ rẫy về nên gùi lên gửi các cán bộ cải thiện bữa ăn. Chứ thấy các cán bộ chống dịch vất vả quá”, Nhô vừa nói vừa trao tay cho bộ đội.
Niềm động viên lớn lao
Trung tá Hoàng Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn biên phòng Gary, kể tất cả chốt đóng quân kiểm soát dọc biên giới đều nhận được những món quà từ bà con, đó có thể là vài quả đu đủ, hay chỉ mớ rau rừng hái từ nương rẫy. Anh em chốt gác nói, nhờ bà con mà bộ đội đỡ vất vả rất nhiều. Bây giờ đã không còn chuyện bà con qua lại bằng đường mòn, lối mở. Người này nói với người kia, cả vùng biên nay cùng chung tay phòng đại dịch. “Người vùng cao hồn hậu. Gian khó, song bà con vẫn luôn sẵn lòng sẻ chia mọi thứ, trong khả năng của mình. Không một chút tính toán, đắn đo, họ tìm đến với bộ đội. Họ, không nói bằng lời, nhưng cái cách gửi trao từng chút quà mộc mạc, trở thành niềm động viên lớn lao với anh em chúng tôi, những người ngày đêm chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch”, trung tá Hà bày tỏ.
Theo trung tá Hà, tại các điểm chốt kiểm soát, ngoài cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn có lực lượng dân quân địa phương tham gia trực gác. Hằng tuần, hằng tháng còn có thêm các chuyến tuần tra của cộng đồng bảo vệ biên giới. Họ chính là tai mắt, là người bạn đồng hành đã đồng cam cộng khổ giúp biên phòng làm tròn, làm tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Với đồng bào nơi tuyến đầu vùng biên cương, chúng tôi nhìn thấy trong đáy mắt họ một niềm tin, nghe thấy sự quyết tâm trong từng câu chuyện kể. Cuộc chiến phòng chống đại dịch có lẽ sẽ còn dài. Nhưng chúng tôi tin, lòng quyết tâm sẽ từng ngày đầy lên, đắp xây cho “thành trì” vững chắc nơi miền biên ải.
Bình luận (0)