Hải sản 'bị họa Formosa' 5 năm chưa tiêu hủy!

30/03/2021 12:28 GMT+7

Hàng trăm tấn hải sản đã qua tẩm ướp thành mắm, nước mắm, ruốc... ở Quảng Trị không đạt chất lượng vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra cách đây 5 năm vẫn chưa được tiêu hủy, ảnh hưởng môi trường và sản xuất kinh doanh .

“Ôm” mắm thối trong kho
Đó là tình cảnh của 5 hộ kinh doanh gồm Phan Thị Xiêm, Lê Thị Huỳnh, Bùi Xuân Khiêm, Lê Thanh Tùng, Trần Thị Xây (cùng trú H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Họ còn tồn từ hàng chục đến hàng trăm tấn hải sản đã tẩm ướp, bị hư hỏng do sự cố môi trường biển, nhưng vẫn chưa được tiêu hủy.
Bà Lê Thị Huỳnh (60 tuổi, trú KP.An Du Đông, TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh) cho hay cơ sở nước mắm Huỳnh Kế của bà tồn kho 252,6 tấn mắm chợp và 17 tấn ruốc. “Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ vào đấy, nhưng vì sự cố môi trường cách đây 5 năm nên chúng tôi không thể bán. Các cơ quan ban ngành đã kiểm tra, xác định sản phẩm không đảm bảo an toàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tiêu hủy. Chúng tôi mong mọi việc phải xử lý thật nhanh để được tiếp tục thu mua cá sản xuất trở lại”, bà Huỳnh nói.
Còn ông Bùi Xuân Khiêm (63 tuổi, trú thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh) cũng cho biết cơ sở của ông hiện có hơn 40 tấn mắm chợp và 4,4 tấn ruốc đặc tồn kho bị hư hỏng. Do nhiều năm không được xử lý, mắm đã hư hỏng, bể chứa xuống cấp, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm trong khu vực. “Rất nhiều đoàn đến kiểm tra, khẳng định số mắm ruốc đó không được tiêu thụ, nhưng việc tiêu hủy không được thực hiện”, ông Khiêm nói.
Cũng vì mùi hôi, bà con chòm xóm “nói ra nói vào” nên công việc kinh doanh của gia đình ông Khiêm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây, ông thu mua gần 100 tấn hải sản/năm để chế biến thì nay phải hoạt động cầm chừng vì vừa không có kho, vừa bị dị nghị không dám mua hàng (sợ gia đình ông dùng hải sản tồn kho để sản xuất). “Kho chứa không được giải phóng, số mắm ruốc kém chất lượng vẫn ở đó, trong khi gia đình mất thu nhập, công nhân nghỉ việc”, ông Khiêm ngao ngán.
Hải sản 'bị họa Formosa' 5 năm chưa tiêu hủy !1

Hải sản tẩm ướp đã hư hỏng nhưng nhiều năm không được tiêu hủy tại kho của gia đình ông Khiêm

Chỉ vì số liệu... không khớp

Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, hiện trên địa bàn H.Vĩnh Linh có 5 cơ sở sản xuất đã được Sở NN-PTNT xác minh nguồn gốc, khối lượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đề nghị tiêu hủy hơn 475 tấn hải sản tồn kho. Tuy nhiên, do khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng của hộ ông Lê Thanh Tùng (được xác minh nguồn gốc, phân loại tại báo cáo số 19/BC-SNN ngày 25.1.2021) chênh lệch hàng chục tấn so với khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng (được Sở Y tế kiểm tra chất lượng) nên cần kiểm tra, xác định lại. Vì thế, việc tiêu hủy bị chậm trễ.
Ngày 9.3, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT, ký văn bản trình UBND tỉnh đề xuất cho xây dựng phương án tiêu hủy trước số hàng đã được Sở Y tế kiểm tra xác nhận không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (hơn 475 tấn gồm mắm chợp và ruốc đặc, lỏng). Riêng khối lượng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng còn lại “không khớp” của ông Tùng chưa tiêu hủy trong đợt này. Ngày 24.3, UBND tỉnh có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các sở NN-PTNT, tài chính, y tế và UBND H.Vĩnh Linh xây dựng phương án, thực hiện việc tiêu hủy hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng. Ngày 26.3, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cũng đã ký quyết định cấp tạm thời 964,2 triệu đồng cho Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện tiêu hủy hơn 475 tấn hải sản. Tuy nhiên, đến chiều 28.3, bà Lê Thị Huỳnh cho biết lượng hải sản tồn kho tại cơ sở của bà vẫn chưa được tiêu hủy.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết sau khi tiêu hủy 475 tấn hải sản, tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục xử lý rốt ráo và tiêu hủy khối lượng phát sinh. Chính quyền địa phương sẽ kiểm điểm các đơn vị đã để xảy ra việc chậm trễ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.