Hàng nghìn người Việt kẹt ở Nhật: Liên tục bị hủy vé, chật vật đợi ngày về

07/04/2020 12:15 GMT+7

Vì dịch Covid-19 , nhiều công dân Việt kẹt ở Nhật Bản liên tục bị các hãng hàng không hủy vé không hoàn tiền, những lao động bất hợp pháp phải ra ở khu nhà dành cho người vô gia cư, chờ đợi hỗ trợ chuyến bay về.

Những ngày qua với công dân Việt bị kẹt ở Nhật vì dịch Covid-19 là chuỗi ngày dài đằng đẵng. Họ đa phần không còn việc làm, tiền tiết kiệm đổ vào mua vé máy bay nhưng liên tục bị hủy khiến họ rơi vào cảnh túng thiếu. Một số người là lao động bất hợp pháp muốn về lúc này cũng rất khó khăn vì phải chờ đợi giải quyết, họ phải đến thuê tạm ở khu trọ dành cho người vô gia cư.

Đầu thú lao động bất hợp pháp

Anh Nguyễn Minh Hiếu (35 tuổi, quê TP.HCM) sang Nhật theo diện thực tập sinh, nhưng khi gần hết hợp đồng, anh đã bỏ để ra ngoài tìm công việc khác. Công việc của một lao động bất hợp pháp khá bấp bênh, anh chủ yếu làm xây dựng, phục vụ trong khách sạn hoặc làm nhân viên siêu thị theo dạng bán thời gian.
Những ngày dịch diễn biến phức tạp, anh không tìm được việc làm và có nguyện vọng về nước nên đã gửi email đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và cùng với một nhóm người Việt đến tận nơi để bày tỏ nguyện vọng.

Hơn 1,34 triệu người mắc Covid-19 toàn cầu, số ca tử vong tại Mỹ vượt 10.000

Anh Hiếu kể: “Tôi đã lên Cục Xuất nhập cảnh của Nhật để đầu thú mình là lao động bất hợp pháp và giải thích lý do những ngày qua ở lại đã làm công việc gì. Sau khi họ kiểm tra hồ sơ thấy tôi không phạm pháp hay tội trộm cắp nào nên cho tôi một tờ giấy hẹn để ở lại chờ chuyến bay. Với giấy này, tôi chỉ có thể thuê nhà ở khu nhà trọ giá rẻ cho người vô gia cư, không xin việc được và cũng không tự ý ra sân bay về nước được”.
Anh Hiếu đang rất lo sợ vì những ngày này, số ca mắc Covid-19 vẫn tăng đều, anh cố thủ ở trong nhà trọ để chờ khi mua được vé thì anh đến xin giấy thông hành trở về.

Mong mỏi chuyến bay

Hai năm trước, qua lời giới thiệu của các công ty chuyên cung ứng lao động cho công ty nước ngoài, anh Mạc Đăng Minh (25 tuổi, quê Hải Dương) đã sang Nhật làm việc dưới dạng thực tập sinh.
Sau khi nghỉ việc, anh mua vé về Việt Nam. Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 23.3 tất cả các chuyến bay thương mại của Việt Nam đã ngưng đường bay Nhật Bản. Anh Minh bị hủy vé nên dồn tiền tiết kiệm mua vé hãng hàng không của Nhật với giá cao nhưng vẫn tiếp tục bị hủy. Tổng số tiền vé anh bị mất là khoảng 20 triệu đồng.

Nhật hạn chế người dân ra đường để phòng chống dịch

Ảnh: AFP

Vì đã nghỉ việc nên anh Minh bắt đầu chuỗi ngày đi ở nhờ, hôm thì ở nhờ nhà người quen, hôm thì đến khu nhà nghỉ giá rẻ để tá túc qua đêm. “Những thực tập sinh bị kẹt tại Nhật như tôi đa phần đều bị hủy vé 2 lần. Chúng tôi có cùng nhau lên Tổng Lãnh sự quán ở Osaka để hỏi thông tin về chuyến bay về nước nhưng câu trả lời vẫn là phải chờ đợi”, anh Minh cho biết.
Theo lời anh Minh, thực tập sinh Việt tại Nhật thường không có sim điện thoại mà phải ra trụ điện thoại công cộng khi cần nên việc liên lạc với Đại sứ quán khá khó khăn. Mọi người chủ yếu trao đổi thông tin với nhau qua mạng xã hội. Từ đó, một số người mà công ty và nghiệp đoàn không cho ở đã được du học sinh tìm khách sạn giá rẻ giới thiệu để tá túc tạm thời.
Khoảng 1 tháng qua, chị Đoàn Thị Sương (22 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) cũng phải ở nhờ nhà bạn bè để chờ chuyến bay về nước. Chị mong mỏi ngày về nên thường xuyên liên lạc bằng cách gửi email đến Tổng Lãnh sự quán ở Osaka.

Dịch Covid-19 khiến nhiều quán rượu nhỏ Nhật Bản ế ẩm, sake chẳng ai khui

Ban đầu, chị Sương sang Nhật theo diện thực tập sinh, sau đó chị ra ngoài làm và vừa hết hạn visa, lại trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nên chị mong muốn được về nước.
Mới đây, chị Sương cùng 10 người Việt khác tìm đến Tổng Lãnh sự quán ở Osaka để bày tỏ nguyện vọng mong cơ quan chức năng đứng ra bảo lãnh cho mọi người cùng thuê nhà ở trong thời gian chờ chuyến bay về.
“Tôi hết visa nhưng việc đi gia hạn phải đi qua các vùng dịch khác nên mỗi lần đi rất sợ mang bệnh về cho những người mà tôi đang ở nhờ, ở đây tôi cũng không có thẻ bảo hiểm, lỡ nhiễm bệnh thì chi phí điều trị không biết sẽ lớn đến cỡ nào nên hằng ngày tôi chỉ cầu mong sớm có được chuyến bay để về nước”, chị Sương bày tỏ.
Chị Sương cũng như nhiều lao động mất việc khác ở Nhật đã không còn tiền tiết kiệm mà phải nhờ sự trợ giúp từ phía gia đình ở Việt Nam gửi sang hoặc đi vay mượn để trang trải qua khoảng thời gian này.

Đại sứ quán nỗ lực giúp công dân

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư thứ hai Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, khi các hãng hàng không chuẩn bị cắt giảm tần suất bay trước khi dừng bay, ĐSQ đã khuyến cáo công dân Việt Nam, những người đã học xong, đã hết hợp đồng lao động, visa sắp hết hạn (nhưng vẫn phải còn hạn ở thời điểm đó) cần sớm về nước, để đề phòng bị kẹt lại khi không còn đường bay.
Chuyến bay cuối cùng từ Nhật bản về Việt Nam của Vietjet ngày 23.3, với gần 200 khách người Việt Nam, cũng có nguy cơ bị hủy vé. ĐSQ đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan trong nước để thu xếp thành công cho số khách này được bay.
Khi các hãng hàng không đột ngột hủy toàn bộ các chuyến bay, ĐSQ đã chủ động đăng thông tin trên website để những công dân có hoàn cảnh đặc biệt đăng ký về nước (trường hợp visa sắp hết hạn, phụ nữ có thai, người già…, và một số học sinh nhỏ tuổi bay từ Mỹ bị cắt chuyến bay nối về Việt Nam).
ĐSQ đã nhận được hơn 1.800 đơn đăng ký về nước. Qua sàng lọc, ĐSQ đã ưu tiên cấp quyền mua vé trên chuyến bay bổ sung ngày 31.3 cho hơn 200 công dân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Chuyến bay chỉ được cấp phép chưa đầy 12 tiếng trước khi cất cánh, do vậy, việc liên lạc, kết nối giữa hành khách (trên toàn Nhật Bản) với hãng bay cũng rất vất vả.
“Đối với những trường hợp công dân còn lại, chúng tôi dự kiến sẽ ưu tiên đăng ký vào chuyến tiếp theo. Dự kiến khi có thông báo sẽ được đăng lên website của ĐSQ nên công dân cần theo dõi để cập nhật thông tin thường xuyên. Hiện nay, chúng tôi đang chờ các hãng hàng không mở lại đường bay để tiếp tục đưa công dân có hoàn cảnh khó khăn về nước. Tuy nhiên, việc này cần phải nhẫn nại do tình hình dịch bệnh ở các quốc gia (bao gồm Nhật Bản và Việt Nam) đang diễn biến hết sức phức tạp”, ông Dũng cho hay.
Về lao động bất hợp pháp, ông Dũng nhận định đây cũng là vấn đề nan giải vì những người này đã bỏ trốn hợp đồng thực tập, bỏ học để đi lao động bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh bình thường, để về nước, những công dân này cũng phải qua quy trình sàng lọc dưới sự phối hợp của cơ quan tư pháp hai nước.
Trước hết, cư trú bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý thông qua một số quy trình bắt buộc để được cấp phép xuất cảnh. Nhiều người không còn giữ giấy tờ cũng phải thẩm tra nguồn gốc.

Người Việt ở Nhật mong mỏi được về nước

Ảnh: NVCC

Quan trọng hơn, do nhiều trường hợp người Việt cư trú bất hợp pháp có phạm tội tại nước sở tại, các cơ quan chức năng hai bên cũng cần thời gian thẩm tra xem các cá nhân đó có liên quan tới việc phạm tội hay không… Đây là những việc đòi hỏi thời gian và nhân lực tham gia giải quyết. Tuy nhiên, trong tình hình chung, toàn bộ lực lượng của Nhật Bản đang tập trung chống dịch, thì việc giải quyết cho những đối tượng này xuất cảnh sẽ càng khó khăn hơn.
Hiện ĐSQ cũng liên lạc với các nghiệp đoàn quản lý lao động, các công ty để duy trì chỗ ở cho thực tập sinh. Nhiều biện pháp hỗ trợ khác qua hội đoàn, nhà từ thiện cũng được áp dụng để giúp đỡ những công dân Việt kẹt ở Nhật có hoàn cảnh khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.