Xe

Hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Giãn các 'đầu mối' ra ngoài trung tâm

13/02/2017 09:02 GMT+7

Cách này sẽ giúp giảm lượng người, hàng hóa, phương tiện giao thông đi sâu vào trong trung tâm, không chỉ góp phần giảm kẹt xe mà còn giúp nhà nước kiểm soát được đầu vào.

Các đầu mối liên quan đến vấn đề giao thông cần thiết phải giãn ra ngoài trung tâm. Như bến xe ô tô, ga tàu hỏa, chợ đầu mối và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (public private partnership - mô hình hợp tác công tư). Tại các điểm đầu mối này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được phương tiện và hàng hóa, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ (loại được xe gian, hàng lậu, hàng giả...).
Nên bố trí vị trí các điểm đầu mối này có khoảng cách hợp lý, theo tính toán tốc độ di chuyển của các phương tiện công cộng. Ví dụ liên kết với metro giải quyết được nhiều lượt người thì nên bố trí điểm đầu mối thiên về vận tải hành khách, đối với trung chuyển hàng hóa cần bố trí mặt bằng thiên về dịch vụ vận tải và bốc xếp... Khu vực đỗ xe tại các điểm kết nối với các phương tiện công cộng, bao gồm tại bến xe và bến metro (ví dụ: tại khu vực Suối Tiên thuộc Q.9, TP.HCM hoặc Ba La thuộc Q.Hà Đông, TP.Hà Nội). Khu vực đỗ xe này cùng với các dịch vụ liên quan nên áp dụng hình thức PPP để giảm gánh nặng ngân sách.
Các điểm đầu mối cho phép áp dụng nhiều hình thức kinh doanh, nhà nước thành lập ban quản lý để hướng dẫn các thành phần kinh tế tham gia thực hiện đúng pháp luật.
Thu phí xe ngoại tỉnh
Về lưu lượng xe tham gia giao thông nên phân làm 2 loại theo đăng ký xe tại khu vực (ví dụ TP.HCM, có loại xe đăng ký tại TP và loại không đăng ký tại TP). Bởi vì, xe đăng ký ở đâu thì nơi đó đã thu một số loại thuế - phí cho địa phương, do đó có quyền ưu tiên lưu thông trong nội thành hơn các xe nơi khác về tham gia giao thông. Từ đó, có thể thu phí các loại xe ngoại tỉnh không dừng lại tại điểm đỗ xe để trung chuyển nếu có nhu cầu đi vào thành phố, giảm được số lượng xe và tăng thu để cải tạo lại hạ tầng giao thông.


Báo Thanh Niên rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc cùng tham gia hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Nên phân loại theo tải trọng cho phép loại nào được tham gia giao thông cho những tuyến nào phù hợp. Ví dụ: đường có bề rộng mặt đường lớn và chịu được tải trọng cao sẽ cho các xe tương ứng tham gia, các đường nhỏ chỉ cho phép các xe tải trọng nhỏ tham gia. Tạo một số điểm trung chuyển nhỏ trong nội đô nhằm giải quyết một số hàng hóa đặc thù khó bốc dỡ tại điểm tập kết đầu mối. Có thể xã hội hóa các điểm tập kết và tạo cơ chế linh hoạt cho nhà đầu tư tham gia, ví dụ được sử dụng đất trồng cây lâu năm hoặc đất nông nghiệp vào mục đích này. Xem xét vấn đề cấp mới biển số xe theo cách như Singapore đã làm, đó là rà soát lại các xe hết niên hạn sử dụng bình quân trên năm, từ đó chỉ cấp thêm số xe mới tương ứng, trong điều kiện nhu cầu cao thì cần thiết đấu giá số xe được cấp mới để tạo thêm nguồn thu, hoặc là chủ sở hữu phải đảm bảo có diện tích để xe như đăng ký hộ khẩu đang làm.

tin liên quan

Hiến kế chống ùn tắc tại TP.HCM: Xóa dần kinh doanh mặt phố
Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp ít tốn ngân sách nhưng hiệu quả tức thì. Thực tế, văn hóa tận dụng nhà mặt phố để kinh doanh và thuận tiện đi lại đã khiến vỉa hè, đường phố, lộ giới bị lấn chiếm vô tội vạ, góp phần lớn vào vấn nạn kẹt xe hiện nay.
Sử dụng xe buýt nhỏ
Với hiện trạng hiện hữu của các khu vực khó có thể mở rộng và xây dựng mới. Vì vậy, cần thiết phải hạn chế các phương tiện và trả lại lề đường. Muốn làm vậy, phương tiện công cộng không cần thiết phải to lớn (ví dụ xe buýt 2 tầng...), tránh diện tích chiếm chỗ trên mặt đường, chỉ cần các xe cỡ nhỏ hoặc xe buýt điện, quan trọng là xem xét tính toán lượng người tham gia trên tuyến đó để có tần suất hoạt động và điểm dừng của xe cho hợp lý, đem lại sự thuận tiện cho người tham gia. Các loại phương tiện phải có thời hạn sử dụng, kể cả phương tiện không kinh doanh vận tải, từ từ loại bỏ các phương tiện không an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Vỉa hè, lề đường do nhà nước xây dựng phải trả lại để dành cho người đi bộ, một số tuyến có thể được (ví dụ khá rộng, đặc thù du lịch, thương mại) nhà nước cho thuê lại một phần, được xác định bằng cách sơn phạm vi sử dụng để mọi người cùng giám sát.
Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch các khu vực lân cận và phát triển đô thị trong tương lai. Nhất thiết phải tính toán đến sự phát triển cơ học của dân cư, đặc biệt là các trung tâm thương mại và chung cư, từ đó hạ tầng phải đồng bộ từ bề rộng mặt đường, phân luồng phương tiện, vỉa hè, cấp thoát nước, cấp điện và hệ thống thông tin. Các nhà đầu tư khu dân cư bắt buộc phải dành quỹ đất cho hoạt động công cộng tương ứng với số dân của dự án, đảm bảo tối thiểu các hạng mục đi kèm như trường học (mầm non, tiểu học...), bãi đỗ xe...
Thực tế các nhà đầu tư trong nước đủ lực không nhiều nên kênh huy động vốn vào phát triển hạ tầng giao thông đô thị hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư là hình thức PPP. Nhưng để kêu gọi được các nhà đầu tư quốc tế tham gia, cần thiết và sớm có các quy định đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong môi trường đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.