Hoa kiểng tết Kỷ Hợi 2019, mỗi nơi mỗi cảnh

06/01/2019 09:32 GMT+7

Trong khi nhiều vùng hoa kiểng đang rộn ràng chờ bội thu dịp tết, thì ở không ít địa phương, người trồng cây kiểng tết đang điêu đứng do thời tiết gây nên.

Vựa mai miền trung hứa hẹn mùa bội thu

Tại Bình Định, bước sang tháng chạp âm lịch, nhiều nhà vườn ở xã Nhơn An (TX.An Nhơn, Bình Định) bắt đầu đưa mai tết lên QL1A và các tuyến đường liên thôn, liên xã ở địa phương để chào bán. Thương lái từ các tỉnh miền Bắc, miền Nam, Tây nguyên... cũng đổ về xã Nhơn An để mua mai, đặt cọc nên các làng mai rất náo nhiệt.
Nông dân xã Nhơn An trưng bày mai dọc QL1A để bán Ảnh: Hoàng Trọng
Nông dân xã Nhơn An trưng bày mai dọc QL1A để bán Ảnh: Hoàng Trọng
Anh Nguyễn Ngọc Hải (40 tuổi, ở thôn Trung Định, xã Nhơn An, TX.An Nhơn) cho biết gia đình có hơn 2.500 chậu mai từ 3 - 15 năm tuổi và dự kiến sẽ bán được hơn 1.000 chậu mai trong dịp tết năm nay. Tuy nhiên, đến ngày 5.1, anh Hải đã bán được hơn 700 chậu cho các thương lái. “Năm nay, thời tiết trên địa bàn không có mưa lũ nhiều, nắng ấm nên khá thuận lợi cho việc phát triển của cây mai. Vì vậy, vụ mai năm nay dự kiến sẽ nở đúng tết, hứa hẹn một mùa bội thu”, anh Hải nói.
Ông Chế Anh Huy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nhơn An, cho biết dự kiến vụ mai tết năm nay, khoảng 1.500 hộ trồng mai trên địa bàn sẽ xuất bán ra thị trường 2 triệu chậu mai tết, doanh thu khoảng 30 tỉ đồng.
Tại Hải Phòng, những làng trồng hoa, đào, quất cảnh nổi tiếng như làng Lũng (Q.Hải An), làng hoa hồng Kiều Trung, làng đào Đặng Cương, làng quất cảnh Hồng Thái (H.An Dương) đều có dấu hiệu được mùa. Những người nông dân cho biết đến thời điểm hiện tại thời tiết khá thuận lợi, hoa, cây cảnh được chăm sóc đúng lộ trình.
“Nếu từ giờ đến 20 tháng chạp thời tiết ấm áp rồi lạnh đến tết thì rất mừng”, ông Bùi Văn Long, một người trồng hoa ở P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP.Hải Phòng cho biết. Theo đó, thời tiết ấm áp lúc này sẽ giúp hoa nở đẹp, đến sát Tết Nguyên đán nếu trời trở lạnh hoa sẽ được giá hơn.

Quất Triệu Sơn mất mùa

Trong khi đó, vụ tết năm nay, thủ phủ quất cảnh như ở xã Hợp Tiến, Hợp Lý (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) do ảnh hưởng của thời tiết, quất bị mất mùa khiến những cánh đồng quất trở nên đìu hiu. Xã Hợp Lý có gần 60 ha đất trồng quất, mỗi năm đưa về doanh thu cho người dân xã này khoảng 30 tỉ đồng. Nhưng năm nay, quất mất mùa khiến người dân điêu đứng.

Ông Cù Văn Sơn (60 tuổi, ngụ tại thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) cho biết gia đình ông có 4 sào quất (2.000 m2), như mọi năm gia đình ông thu về khoảng 120 triệu đồng, nhưng năm nay do thời tiết làm quất mất mùa.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Lý, nói: “Do ảnh hưởng của thời tiết nên khoảng 60% diện tích quất toàn xã bị mất mùa, không thể bán được trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hoặc có bán được cũng với giá rất thấp. Thời điểm này mọi năm trên các cánh đồng trồng quất đã nhộn nhịp người mua, kẻ bán, nhưng năm nay thậm chí nhiều gia đình còn bỏ đi không chăm sóc”.
Không riêng gì xã Hợp Lý, đó cũng là tình trạng chung ở các xã Hợp Tiến, Hợp Thành (H.Triệu Sơn) khiến người trồng quất năm nay trắng tay.

Quảng Nam điêu đứng vì lũ cuối năm

Ở Quảng Nam do ảnh hưởng trong đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 12.2018, nông dân trồng hoa tết rơi vào cảnh điêu đứng khi hàng trăm héc ta hoa phục vụ tết bị ngập úng và chết.
Nhiều diện tích hoa tết của người dân bị ngập nước hư hỏng toàn bộ ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Nhiều diện tích hoa tết của người dân bị ngập nước hư hỏng toàn bộ ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Gia đình ông Mai Văn Hùng (55 tuổi, ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, H.Thăng Bình, Quảng Nam) trồng 5.600 chậu cúc. Tuy nhiên, khi cây được 20 ngày tuổi thì bị mưa lớn gây ngập úng không thể cứu vãn. Bây giờ có xuống giống trở lại thì cũng không kịp bán tết. Theo ông Hùng, toàn xã có khoảng 20 hộ dân trồng hoa tết với diện tích hơn 10 ha. Tuy nhiên, đợt mưa lớn hồi tháng 12.2018 đã gây ngập toàn bộ diện tích hoa này.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm (50 tuổi, ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, H.Thăng Bình), toàn xã có gần 100 ha trồng các loại hoa như cúc, lay ơn, hoa ly, vạn thọ của gần 100 hộ dân bị ngập úng không thể khắc phục. Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều, cho hay toàn xã có 70 ha trồng rau và hoa tết nhưng đợt mưa lớn vừa qua đã gây hư hỏng toàn bộ.

Chợ Lách: mai - cúc gặp khó, hoa treo vẫn “tươi”

Từ lâu, H.Chợ Lách (Bến Tre) được xem là vương quốc hoa kiểng với hàng chục ngàn hộ dân sống chủ yếu bằng nghề làm cây giống và hoa kiểng. Nhưng năm nay, những cơn mưa trái mùa, đặc biệt là những trận mưa dầm do ảnh hưởng bão số 1 khiến nhiều nhà vườn hoa kiểng ở Chợ Lách đứng ngồi không yên. Ngày 4.1, ghi nhận thực tế tại đây, các vườn cúc mâm xôi, cúc hà lan, vạn thọ, bông giấy… nhà vườn đang tất bật phun xịt thuốc và nhổ bỏ những cây bị rục thân, cắt bỏ lá úa vàng, lá rục để hạn chế lây lan mầm bệnh thối lá, rễ, thân do mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Rớt chăm sóc cặp kiểng hình heo vàng ẢNH: DUY TÂN
Ông Nguyễn Văn Rớt chăm sóc cặp kiểng hình heo vàng ẢNH: DUY TÂN

Ông Ngô Thành Tạc (61 tuổi, ngụ xã Long Thới) trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi, thời tiết bất thường đã làm hư hỏng, chết cây, nên ông phải loại bỏ khỏi giàn khoảng 30% lượng chậu. Đại diện làng nghề truyền thống hoa kiểng - cây giống Phước Định (xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết nơi đây hiện có hơn 250 hộ trồng mai vàng với trên 6.800 gốc, trong đó có khoảng 1.500 gốc được chăm sóc, chỉnh sửa, tạo dáng khá công phu để phục vụ Tết Kỷ Hợi. Thế nhưng, do thời tiết mưa bão bất thường nên đã có hơn 10% mai nở hoa sớm. Nhiều khả năng tết năm nay mai vàng sẽ hiếm và có giá cao hơn mọi năm.
Nghệ nhân Nguyễn Anh Dũng (ngụ xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết ông đã chuẩn bị hơn 30 gốc mai vàng phục vụ thị trường tết. Thế nhưng, mưa liên tục hơn 10 ngày qua đã làm khoảng phân nửa ra hoa sớm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga (ngụ xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách) cho biết khoảng 70% trong tổng số trên 50.000 giỏ hoa treo sản xuất cho Tết Kỷ Hợi của bà đã được các thương lái từ nhiều tỉnh thành đặt hàng. Theo bà Nga, tết này cơ sở sản xuất hoa treo của bà tập trung vào cây đại phát tài và son môi, dạ yến thảo.
Tương tự H.Chợ Lách, nhiều nhà vườn trồng hoa treo ở TP.Đà Nẵng đang khấp khởi vì được mùa. Anh Nguyễn Ngọc Chương chủ vườn hoa treo rộng 1 ha tại xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang), cho biết tuy thời tiết năm nay thất thường với ngày nắng kéo dài, nhưng với việc đầu tư nhà giàn, mái che cùng hệ thống chăm sóc công nghệ cao, vườn hoa của anh đang sinh trưởng tốt. Để phục vụ thị trường dịp tết năm nay, anh đã xuống giống nhiều hơn ngày thường khoảng vài ngàn chậu với các loại hoa, như: dạ yến thảo, dừa cạn, cát tường, thu hải đường, xác pháo…
Trong khi đó, tại địa bàn Q.Ngũ Hành Sơn, nhiều chủ vườn hoa cúc, vạn thọ… phục vụ tết sốt ruột vì nguy cơ hoa nở trễ. Sau đợt mưa lịch sử vừa qua, toàn TP.Đà Nẵng thiệt hại hơn 30.000 chậu hoa cúc đất, tập trung ở Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…
Đà Lạt: khoảng 1.500 ha hoa phục vụ Tết Kỷ Hợi
Ngày 5.1, Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết tổng diện tích hoa các loại phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của Đà Lạt đạt khoảng 1.500 ha. Trong đó, diện tích hoa cúc 544 ha, lay ơn 154 ha, hoa ly 75 ha (khoảng 25 triệu cành), cát tường 120 ha (khoảng 40 triệu cành), địa lan các loại 35 ha (khoảng 400.000 cành), hoa hồng 312 ha, và một số loại hoa khác chiếm 260 ha. Trước đó, nhiều công ty, đơn vị trên địa bàn đã nhập khẩu hàng chục triệu cây, củ giống hoa cao cấp như tulip, lan hồ điệp, cát tường... về gieo trồng.
Lâm Viên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.