Học cách ngưỡng mộ người khác, ta thấy cuộc đời nhẹ nhõm vô cùng!

Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều người (đôi khi có cả ta) ganh tị và đố kỵ. Chị em thì ganh nhau từ bộ váy áo, túi xách, thỏi son... Anh em thì ganh nhau về địa vị, tiền bạc.

Từ ganh tị đến đố kỵ rất gần.
Mình cũng thấy nhiều người như thế, và thấy thêm, những người đó rất khổ sở và không mấy khi thành công. Thay vì ganh tị, ta hãy thử ngưỡng mộ họ xem sao?
Nếu một đồng nghiệp nào đó hoặc giả bạn bè của ta giàu có, ta hãy tự hỏi, vì sao sống trong một chế độ, một môi trường mà họ thì giàu còn ta thì không? (Ở đây ta hãy loại ra chuyện giàu có do tiêu cực). Tự hỏi vì sao cùng sống trong một cơ chế mà họ làm được còn ta luôn thấy khó? Ta kém. Kém thì hãy ngưỡng mộ họ và học theo họ.
Học không phải là họ làm gì ta làm nấy mà học cái cách họ suy nghĩ và hành động. Mình đồ rằng, rất nhiều người thông minh nhưng không giàu được vì họ có thể nghĩ ra, tức là có năng lực về lý thuyết nhưng không có năng lực hành động. Hãy khen vì bạn mình sắm được một thứ gì đó đẹp. Hãy chúc mừng khi họ thành công. Nếu làm được điều đó, ta sẽ có rất nhiều bạn. Còn ta nên là ta. Ta chưa sắm được bộ áo quần hàng hiệu thì ta thời trang theo phong cách của ta, hàng hiệu có thể đụng hàng, thời trang ta không đụng hàng.
Không biết người khác thế nào chứ trong cuộc đời mình, mỗi khi có bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là nhân viên được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn mình đều rất vui. Vui thật chứ không phải xã giao. Vì nghĩ, mình có thể giỏi về chuyên môn (hoặc đại để thế) nhưng họ có nhiều tố chất khác hơn mình. Ủng hộ họ, họ sẽ tôn trọng mình còn cay cú rồi phá đám thì nhất định thất bại.
Sống đến chừng này tuổi, mình chưa thấy ai ghen tị rồi phá đám, kiện cáo này nọ mà thành công.
Làm chuyên môn cũng thế. Như nghề mình đây chẳng hạn. Người ta nói “văn mình, vợ người”. Viết văn, làm báo chả mấy ai phục nhau nhưng mình thì phục. Ai viết được bài hay mình phục liền. Nhớ mấy lần nhận được phóng sự của anh em phóng viên hay cộng tác viên, mình đã trả lời lại: “Rất lâu mới đọc được một phóng sự ra phóng sự như thế này!”.
Phục đồng nghiệp như thế thì đồng nghiệp chắc chắn sẽ tôn trọng mình. Chắc chắn. Nhiều đồng nghiệp trẻ đi làm chưa lâu nhưng có nhà ở, thậm chí có cả ô tô, mình ngưỡng mộ lắm. Bằng tuổi đó, mình còn đói rách vĩ đại. Nhưng ngưỡng mộ ở chỗ biết họ không lếu láo, dựa vào nghề để làm tiền. Còn tiền đâu? Có thể họ làm thêm việc này, việc khác. Tìm hiểu chứ không đố kỵ. Biết họ làm đàng hoàng để có tiền rồi thì ngưỡng mộ họ.
Trường hợp khác mình không bàn đến.
*
Lấy một ví dụ cho nó sinh động: Bạn mình có ngôi nhà bên hồ sen ở quê, cách trung tâm Đà Nẵng 20 phút xe máy vận tốc 50 km/giờ. Có nhiều người xì xầm. Nhưng thay vì xì xầm, họ nên hỏi vì sao ông ấy có mà mình không có?
Hãy nghĩ, cách đây 15 năm, mình tích lũy để mua nhà ở thành phố, ông ấy chấp nhận ở nhà trong kiệt để mua đất quê tổng giá trị chưa bằng nửa miếng đất khu đô thị mới đường 5,5 m của mình. Nghĩ thế sẽ hết lăn tăn. Khen ông ấy nhìn xa trông rộng thì ông ấy mời về nhà vườn câu cá uống rượu, không thì thôi. Ai chả thích khen. Mà khen cũng dễ mà.
Theo mình, nên tập thói quen suy nghĩ, vì sao họ thế kia mà ta thế này. Vì sao làm báo, họ viết hay mà ta viết chưa hay. Vì sao cùng làm kinh tế mà ta trầy trật còn họ thì thành công. Vì sao ta phải suốt ngày ghen tị và đố kỵ với họ?
Ghen tị hay đố kỵ là ta đã thua họ rồi!
Chuyện này kể rồi nhưng phải kể lại, nó cũng có nhiều dị bản để nói về chuyện mình đang bàn: Quanh chuyện con người ta hay đố kỵ nhau, dân gian truyền miệng chuyện ngụ ngôn Sự tích con cá mắt lồi. Chuyện thế này: Hai người hay đi câu với nhau, một ông cần trúc chặt ở bụi, lưỡi câu tự uốn, mồi tự kiếm. Ông hàng xóm cần Ý, lưỡi câu Nhật, mồi Mỹ… Tất nhiên, ông hàng xóm thường câu được nhiều và cá to hơn. Một hôm, ông lưỡi câu tự uốn câu được con cá bé xíu, định bỏ vô giỏ. Ông hàng xóm mới bảo, ông đưa tôi đổi cho con cá lớn. Đổi xong thì ông thả con cá lớn xuống sông. Lát sau, ông câu lưỡi câu tự uốn lại giật được con cá to đó, đang gỡ thì nghe tiếng thì thầm: Ta là cá thần đây, ngươi thả ta xuống thì ta cho ngươi ba điều ước. Nhưng nhờ thằng cha hàng xóm đổi cho ngươi mà ta mới được thả nên ngươi ước được một thì cha hàng xóm đó được hai.
Cha câu lưỡi câu tự uốn đồng ý thả, và ước:
- Cho ta mất một tay.
Vậy là cha hàng xóm mất hai tay.
Ước tiếp:
- Cho ta mất một chân.
Cha hàng xóm mất hai chân.
Cá thần nhắc, còn một điều ước nữa. Ông này lẩm nhẩm:
- Cho ta mất một mắt…
Cá thần nghe xong câu này thì lồi con ngươi ra.
Vì thế mới có chuyện Sự tích con cá mắt lồi.
Lần đầu nghe xong chuyện, quả thật mình rất kinh hãi. Khi thói đố kỵ thành chuyện ngụ ngôn lưu truyền trong dân gian thì vấn đề đã trở nên trầm trọng. Họ thuyền to thì ra sóng lớn, mình thuyền nhỏ thì tìm luồng lạch sông hồ. Ông câu cần trúc thì đừng so đo rồi bươn chải đứng cùng ông câu cần ngoại. Câu được cá diếc không thua gì câu được con cá chim trắng to đùng. Khi tích lũy được rồi thì không chỉ đứng câu cạnh họ mà có thể ra khơi câu cả cá ngừ đại dương.
*
Không cần hy sinh một tay, một chân, một mắt để người hàng xóm mất hai chân, hai tay, hai mắt. Như thế không chỉ dã man với người khác mà dã man cả với bản thân mình.
Giáo dục cho con trẻ: người ta cũng có “đôi bạn cùng tiến”, không ai muốn “đôi bạn cùng lùi”. Theo quy luật vạn vật hấp dẫn, khi ta thấy cái tốt để khen người khác thì năng lượng tích cực của vũ trụ hấp dẫn ngược trở lại cho ta còn mỗi khi cứ tìm cái xấu người khác mà chê thì năng lượng xấu sẽ đến với mình.
Hãy học cách ngưỡng mộ người khác, ta sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhõm vô cùng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.