Tôi đi dự đám đầy tháng con gái của đứa em họ. Trong bữa tiệc rôm rả, thật bất ngờ khi biết có một hội mang tên “Hội những người sinh con gái”, do các ông chồng lập ra.
Chuyện là, em họ tôi có đứa con gái đầu lòng, bởi vậy chú em khát khao muốn có một thằng quý tử nối dõi tông đường. Xui xẻo thay, đứa thứ hai vẫn là con gái. Nó hùng hồn tuyên bố: “Phải đẻ nữa, dù đẻ chục lần nữa cũng phải đẻ cho bằng được một đứa con trai”. Ngày chú em tôi đưa vợ đi đẻ, nằm giường kế bên là cặp vợ chồng đang chuẩn bị đón đứa con gái thứ... tư. Hai người đàn ông là những ông bố đồng “cảnh ngộ”, dù mới quen biết nhau nhưng đã thành ra thân thiết.
Ông bố của bốn đứa con gái kia mới 27 tuổi, còn bà mẹ chỉ mới 26, bằng tuổi với chú em tôi. Mối thâm tình càng thêm khắng khít khi hai đứa trẻ chào đời cùng ngày, hai bà mẹ hậu sản nằm cùng phòng và chung giường nhau (do bệnh viện quá tải).
|
Hội “suốt đời làm ông ngoại”
Không hiểu quen biết, gom góp như thế nào, mà hội cũng được cả chục người, đủ tụ lai rai. Nhiều ông bố trong hội chưa đến 30 tuổi mà đã ba mặt con, còn chưa muốn dừng lại khi chưa kiếm được thằng cu. Hội trưởng (chức này không ai khoái) là anh có nhiều con gái nhất. Lạ là, có một anh chỉ mới có một cô con gái mà cũng hăng hái tham gia hội (với lý do, tìm hiểu vì sao đẻ ra con gái đặng biết đường... né). Cũng có hội viên “lạc loài” vì may mắn đã kiếm được thằng cu. Khỏi phải nói cũng biết không khí trong hội náo nức như thế nào: người thì chớm lên tia hy vọng, người thì hậm hực, tiếc nuối.
Hội lập ra chỉ để các ông chồng có dịp bù khú với nhau, để cho quên cái sự buồn vì nguy cơ “suốt đời làm ông ngoại”. Mấy ông chơi với nhau hợp rơ hơn, không bị mấy thằng cha có con trai chế giễu, nói kháy. Hội cũng là nơi an ủi, tìm tiếng nói chung cho những hội viên mới đồng cảnh ngộ. Tham gia vào hội mới thấy “à, thì ra không phải chỉ có mình” như một anh tâm sự.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi thấy hội cũng có cái hay. Đó là những anh lỡ đẻ đứa thứ ba, thứ tư đều khuyên những hội viên có hai con nên cân nhắc, suy tính chuyện kiếm đứa con trai. Mấy anh cũng thiệt tình chỉ ra hình ảnh trước mắt: vợ con nheo nhóc, túng thiếu trăm đường; chỉ riêng việc lo cơm áo gạo tiền cũng đủ khùng, còn rước thêm tiếng đời chê trách: vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, đẻ lắm cũng chỉ ra con gái.
Mai này lên giá!
Cứ vào dịp sinh nhật của hai nàng công chúa sinh cùng ngày, Hội những người sinh con gái của chú em tôi lại tổ chức “đại hội võ lâm đồng đạo” linh đình. Những người đàn ông “đẹp trai nhất nhà” dắt díu tất cả các thành viên trong gia đình đến dự. Các bà vợ loay hoay dưới bếp để nấu nấu, nướng nướng, trong khi các ông chồng ngồi bàn trên luận bàn kế hoạch đổi vận. Lâu lâu các bà mẹ trẻ lại nhìn nhau, cười ngao ngán. Có bà buột miệng: “Cầu trời cho tôi đẻ được thằng con trai để sớm được yên thân”. Chỉ có các nàng công chúa nhỏ hồn nhiên chơi đùa.
Nghe đâu, hội ngày càng kết thêm nhiều thành viên. Điều đáng mừng là, hội viên đông con ngày càng ít đi. Chủ yếu là những ông bố có hai cô công chúa, tham gia hội để tìm lấy niềm vui của những người đẻ con gái. Có ông chồng tỏ ra thức thời, tự đắc: mai mốt con trai nhiều hơn con gái, mình phải xây rào cao, cổng kín cho bọn con trai phải quỳ sụp mà bái làm nhạc phụ, mấy thằng cha có con trai phải xuống nước xin làm thông gia, mang tiền chất thành đống để leo vào nhà đón con gái rượu của tui về!
Gia Cát Tường
Bình luận (0)