​'Kênh thối' đầu độc môi trường sống của dân

14/06/2019 07:28 GMT+7

Người dân hai xã Đại Bản và An Hưng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng đang phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường và mùi hôi thối bốc lên hàng ngày từ hệ thống kênh tưới tiêu ô nhiễm ngập bùn, rác và xác động vật.

Con đường dẫn từ quốc lộ 5 vào trụ sở UBND xã Đại Bản (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) có một kênh nước lớn chạy song song. Đây là con kênh dẫn nước tới trạm bơm Đại Bản, rồi từ đó nước được phân bổ về hệ thống kênh tưới tiêu trong xã.
Tuy nhiên, con kênh này đang ngập bùn, rác và xác động vật. Nước kênh đen đặc bốc mùi hôi thối. Bà Nguyễn Thị Lan (nhà ở cạnh kênh nước) cho biết: “Nước kênh ô nhiễm 10 năm nay rồi, hôm nào nước đầy còn đỡ khó chịu chứ nước cạn mùi kinh lắm. Gặp lúc trời nắng nóng thì không dám đến gần”.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, dòng nước đen ô nhiễm này đi theo hệ thống mương thủy lợi len lỏi khắp ngõ xóm ở xã Đại Bản. Nhiều chỗ nước ứ đọng không thoát được vì ngập rác. Kênh nước bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân mà hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn. Đơn cử, ở cánh đồng sản xuất rau gia vị rộng 5 ha ở thôn Tiên Nông, xã Đại Bản, người dân phải rất vất vả mới tìm được chỗ nước ít đen nhất để tưới rau.
Bà Nguyễn Thị Phượng (ở thôn Tiên Nông, xã Đại Bản) cho biết: “Nước từ trạm bơm đưa về đã không sạch rồi mà còn bị nước thải từ nhà máy giấy (Công ty CP giấy Hapaco) tràn vào nên rau chết rũ hết”. Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND xã Đại Bản để có giải pháp xử lý.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Đại Bản, cho biết: “Việc nước thải từ Công ty CP giấy Hapaco tràn vào hệ thống kênh tưới tiêu đã xảy ra từ lâu. Mới đây, UBND huyện An Dương và Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng đã về làm việc và yêu cầu đơn vị phải nâng cấp hệ thống thu gom nước thải đúng quy định. Họ đang làm rồi. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giám sát, không để nước thải tràn vào nữa”.
Về việc toàn bộ kênh tưới tiêu trong xã bị ô nhiễm nặng, ông Mạnh thừa nhận tình trạng này tồn tại hơn 10 năm nay, và cho rằng có nhiều nguyên nhân. “Nước và rác thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư là nguyên nhân chủ yếu. Hiện nay, chúng tôi chỉ có cách là tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, không vứt rác bừa bãi xuống kênh và tổ chức các đợt dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh”, ông Mạnh nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã An Hưng, địa phương giáp ranh với xã Đại Bản, khi người dân thôn Thắng Lợi của xã này nhiều lần kêu cứu vì kênh nước tưới tiêu bị nước thải từ Cụm công nghiệp Thắng Lợi làm ô nhiễm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến 23,2 ha đất canh tác ở cánh đồng thôn Thắng Lợi bị bỏ hoang.

Chưa phát hiện doanh nghiệp xả thải bẩn?

Ông Trịnh Văn Quý, Phó chủ tịch UBND xã An Hưng, cho biết: “Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi có đi kiểm tra và thấy nước xả ra từ Cụm công nghiệp Thắng Lợi có chảy vào mương thủy lợi của xã. Nước thải này có màu đen và mùi khó chịu. Tuy nhiên, chưa rõ cụ thể doanh nghiệp nào xả ra”.
Cũng theo ông Quý, hàng tháng các Công ty trong Cụm công nghiệp Thắng Lợi (Công ty CP may Hồ Gươm, Công ty TNHH EIE, Công ty TNHH Creative Lights) này vẫn gửi cho xã một bản kết quả quan trắc khí thải và nước thải. “Theo kết quả quan trắc thì lại không có vấn đề gì. Chính vì vậy, UBND xã đã đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện An Dương tổ chức quan trắc độc lập và thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ đơn vị nào đã xả nước thải ô nhiễm ra kênh nước ở thôn Thắng Lợi", ông Quý nói.
Liên quan đến việc này, ông Phạm Văn Sinh, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện An Dương, cho biết: 
Đến 13.6, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Sinh, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện An Dương, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra. 7 công ty trong Cụm công nghiệp Thắng Lợi đều cung cấp đầy đủ giấy phép xả thải, quan trắc nước thải. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục rà soát theo dõi. Nếu phát hiện việc xả nước thải không đảm bảo ra môi trường sẽ xử lý nghiêm, thậm chí mời công an môi trường vào làm việc". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.