Kẹo bông gòn 'ông ngoại' 92 tuổi khiến bao thế hệ học trò Sài Gòn thích mê

08/11/2017 14:02 GMT+7

Ngót nghét 70 năm, xe kẹo của ông Huỳnh Văn Bảy (92 tuổi, ngụ Q.4 TP.HCM) không chỉ chở đến cho biết bao thế hệ học sinh những cây kẹo bông gòn ngọt tan, mà còn chở cả những bài học làm người.

Ở Sài Gòn có một “thương hiệu” kẹo bông gòn khá nổi tiếng, đó là “kẹo bông gòn "ông ngoại". Cây kẹo của "ông ngoại" đặc biệt vì không chỉ là niềm vui của lũ trẻ bây giờ, mà còn từng gắn liền với tuổi thơ thời "ông bà anh".
 

“Kẹo bông gòn "ông ngoại" không có gì lạ…”
Kể từ khi ông Bảy làm tấm bảng hiệu với câu slogan độc đáo: “Kẹo bông gòn "ông ngoại" không có gì lạ, chỉ có milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng, me, cam là số dách”, thì học sinh ở đâu cũng gọi ông là “ông ngoại".
Tiếng gọi ấy thân thương đến nỗi, ngày nào không thấy "ông ngoại" đến quay kẹo là lũ trẻ buồn thiu. Mà "ông ngoại" đi bán khắp nơi. Nào là trường tiểu học Trương Định (Q.12), THCS Quang Trung (Q.4), THCS Sương Nguyệt Anh (Q.8),… mỗi trường, "ông ngoại" chỉ ở bán độ một tuần.
Xe kẹo "ông ngoại" vừa đậu trước cổng trường, lũ trẻ lập tức xúm xít vây quanh. Chúng hỏi bao nhiêu 1 cây kẹo, ông bảo: “5 chục. Ý lộn! 5 ngàn”. Thấy muỗng đường được đổ vào chiếc thùng to tướng, rồi chỉ cần quay quay cái que là thành một cây kẹo thơm ngon, chúng thắc mắc, ông liền giải thích: “Có gì đâu! Cái máy này nó ham tiền lắm, giống "ông ngoại" vậy á. Tụi con đút tiền vô là nó ra kẹo hà!”. Tụi nhỏ được một phen cười no nê.
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 1
Ngoài 90, ông Bảy vẫn ngày ngày tự lái xe đến các trường học bán kẹo
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 2
Từ khi có bảng hiệu này, tất cả học trò đều gọi ông là "ông ngoại".
Chưa hết, "ông ngoại" còn lấy ra một cây bút và đâm xuyên qua tờ tiền học sinh vừa đưa. Lũ trẻ mắt tròn mắt dẹt chưa kịp hiểu chuyện gì thì "ông ngoại" đã rút cây bút ra, lạ thay tờ tiền vẫn còn nguyên vẹn! Tiếng vỗ tay, hò reo thích thú vang vọng cả góc đường.
Kẹo bông gòn của "ông ngoại" nổi danh khắp Sài Gòn, một phần vì cái tuổi “thất thập” đã hiếm, đằng này "ông ngoại" ngoài 90 vẫn ngày ngày chạy xe máy mưu sinh. Phần vì "ông ngoại" tuyên bố sẽ trả lại tiền, cho mọi người ăn kẹo miễn phí, nếu ai ăn rồi mà bảo kẹo của "ông ngoại" không ngon.
Mà cây kẹo của "ông ngoại" thì đúng là “số dách”, vì "ông ngoại" làm kẹo, bán kẹo bằng cả cái tâm của một người ông dành cho đàn cháu mình. “Mùi gấc là "ông ngoại" mua gấc, mùi sầu riêng, mùi cam là mua cam, mua sầu riêng, mang về nấu ra rồi sên đường vô cho thiệt ngon. Đường là "ông ngoại" mua loại hột lớn 31 ngàn 1 kí, chứ 20 ngàn cũng không mua nữa. Nhất định không để tụi nhỏ ăn tầm bậy mà”, ông Bảy khẳng định.

tin liên quan

Những xe ôm dùng tay, 'xổ tiếng Anh' bắt khách ngay trung tâm thành phố
Giữa thời buổi công nghệ, Grab, Uber họ vẫn miệt mài dùng tay ngoắc, lâu lâu xổ một tràng tiếng Anh 'bồi' để mời đi xe ôm. Một nửa đời trên những chuyến xe chạy suốt đêm ngày, những người lái xe ôm ở phố Tây đã đi cùng biết bao thăng trầm nơi bến đậu nhộn nhịp ấy.

Cũng theo "ông ngoại", kẹo bông gòn người khác làm hay để chất tạo màu, đường hóa học này kia, nên có màu rất bắt mắt. Còn cây kẹo của "ông ngoại" hương nào cũng ra màu trắng, vì nấu từ nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo sức khỏe. Mỗi cây kẹo "ông ngoại" chỉ bán có 5 nghìn, rẻ gấp đôi các xe kẹo khác. Bởi vậy mà đứa trẻ nào cũng thích mê!
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 3
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 4
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 6
Lũ trẻ háo hức vây kín, chờ "ông ngoại" quay những cây kẹo đủ mùi vị
Xe kẹo 70 năm chở tuổi thơ biết bao thế hệ
Ngày trẻ, "ông ngoại" là một thợ máy lành nghề. Có lần người ta thuê "ông ngoại" sửa cái máy xay đường từ mía, vậy là ý nghĩ về một chiếc máy làm kẹo bông gòn lóe lên. Ông mày mò thử nghiệm mấy tháng trời, đường mới chịu hóa… bông trong thùng.
Trên chiếc xe máy tự chế, những cây kẹo bông gòn của "ông ngoại" bắt đầu đến với học trò khắp nơi. Một mình ông rong ruổi các tỉnh thành Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ cho đến Tây Ninh, Bình Dương,… trước khi trở lại Sài Gòn vào năm 1975. Lũ trẻ ở đâu cũng vậy, thấy bóng xe là kéo nhau hò reo inh ỏi: "ông ngoại tới, ông ngoại tới tụi bây ơi!” rồi vây kín đòi kẹo, ôm cổ "ông ngoại" đùa vui.
"Ông ngoại" kể: “Hồi xưa máy quay kẹo này phải đạp bằng chân nên chậm rì. Chừng vài chục cây là "ông ngoại" đổ mồ hôi ướt hết áo. Sau này có bình ắc-quy rồi nên kẹo quay nhanh lắm, nhờ vậy "ông ngoại" có thời gian răn dạy chúng nhiều hơn!”
Những cây kẹo của "ông ngoại" luôn đi cùng những bài học làm người. Học sinh đến mua kẹo của "ông ngoại" tuyệt đối không được trốn học, không nói tục, chửi thề, không đánh nhau, không trộm cắp. Đối với những đứa trẻ nghèo, đứng thèm thuồng vì không có tiền, "ông ngoại" sẵn sàng cho không kẹo, chỉ cần biết vâng lời và cố gắng học hành.

tin liên quan

Những xe ôm dùng tay, 'xổ tiếng Anh' bắt khách ngay trung tâm thành phố
Giữa thời buổi công nghệ, Grab, Uber họ vẫn miệt mài dùng tay ngoắc, lâu lâu xổ một tràng tiếng Anh 'bồi' để mời đi xe ôm. Một nửa đời trên những chuyến xe chạy suốt đêm ngày, những người lái xe ôm ở phố Tây đã đi cùng biết bao thăng trầm nơi bến đậu nhộn nhịp ấy.

Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 8
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 9
"Ông ngoại" nói chuyện rất vui, lại hay làm ảo thuật khiến lũ trẻ thích mê
Rồi bao đứa trẻ dần lớn lên, mang theo bài học của "ông ngoại" mà trở thành những con người có ích. Đến lúc đã làm cha, làm mẹ, vẫn chẳng ai quên được vị kẹo bông gòn “"ông ngoại"”.
“Phụ huynh đưa con đi học trước cổng trường, gặp "ông ngoại" la lên hoài chứ gì: “Hồi xưa con học lớp 1 đã ăn kẹo của "ông ngoại" rồi! Giờ con có hẳn mấy đứa con mà "ông ngoại" vẫn còn mạnh khỏe đi bán như vầy, thương quá”, "ông ngoại" vừa móm mém cười hiền vừa bảo.
Ông cũng kể về nhiều lần đang chạy trên đường thì nhiều đứa học trò xưa bắt gặp và lật đật chạy theo. Sau vài chục năm, chúng mặc sức khơi chuyện cũ rồi bắt ông quay một đống kẹo mang về. Điều đặc biệt là ai cũng phải thốt lên một câu: “Gặp lại "ông ngoại" con mừng quá!”.
Dù giờ đây con cháu đã dư sức lo lắng, nhưng ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông tâm sự: “Nghỉ vài ngày thôi là đã ngứa ngáy tay chân, nhớ tụi nhỏ dữ lắm! Gặp lại, chúng la um lên, bảo trời ơi "ông ngoại" đi đâu mà tụi con không thấy, thèm kẹo "ông ngoại" quá chừng! Rồi đứa nào cũng năn nỉ "ông ngoại" đừng có chết, chết là tụi con hết kẹo ngon ăn. Có đứa còn tìm đến tận nhà. Hỏi coi bao nhiêu tình cảm, "ông ngoại" bỏ nghề sao được…”
Để rồi 70 năm qua, cây kẹo bông gòn "ông ngoại" đã trở thành một phần kí ức tuổi thơ của biết bao “đứa cháu” ở Sài Gòn. Xe kẹo "ông ngoại" vẫn còn chạy mỗi ngày để chở niềm vui cho học trò, đến “bao giờ hết sức quay kẹo nữa thì thôi” như lời "ông ngoại" nói.
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 10
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 11
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 12
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 13
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 14
Mỗi cây kẹo to đùng chỉ có giá 5.000 đồng
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 15
Ngày nào "ông ngoại" cũng vệ sinh máy để đảm bảo sức khỏe cho học trò
Xe kẹo bông gòn “ông ngoại” chở tuổi thơ giữa Sài Gòn 16
Kẹo bông gòn “"ông ngoại"” đã trở thành một phần kí ức tuổi thơ của biết bao người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.