Lần đầu tiên các nhà khoa học có thể tái tạo bộ gien đầy đủ của bất kỳ thể sinh bệnh nào thuộc một trong những đại dịch khủng khiếp nhất mà nhân loại từng chứng kiến. Kết quả thu được, một phác thảo hoàn chỉnh bản đồ gien của “cái chết Đen”, sẽ cho phép giới nghiên cứu lần ra những thay đổi trong sự tiến hóa và tính độc hại của bệnh.
Theo hãng tin Reuters, trên cơ sở nghiên cứu trước đây - vốn cho rằng một biến thể của vi khuẩn Yersinia pestis (Y.pestis) là thủ phạm gây ra đại dịch ở châu u từ năm 1347 đến năm 1351 - một nhóm khoa học gia Đức, Canada và Mỹ đã xúc tiến việc “bắt giữ” và xác lập trình tự bộ gien đầy đủ của bệnh này. “Dữ liệu bộ gien cho thấy dòng vi khuẩn này là tổ tiên của tất cả những trận dịch thời hiện đại trên khắp thế giới”, nhà di truyền học Hendrik Poinar thuộc Đại học McMaster và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
|
Theo ông, với hiểu biết tốt hơn về sự tiến hóa của thể sinh bệnh “hủy diệt hàng loạt” này, nhân loại “đang bước vào một kỷ nguyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới”. Những tiến bộ kỹ thuật đáng kể trong việc thu hồi và xác lập trình tự chuỗi ADN đã mở rộng đáng kể quy mô phân tích di truyền các mẫu xét nghiệm cổ, mở ra những cách thức mới để tìm hiểu các bệnh lây nhiễm đang tái xuất hiện. Các chuyên gia nói rằng những “hậu duệ” trực tiếp của đại dịch “cái chết Đen” hiện vẫn tồn tại, giết chết khoảng 2.000 người mỗi năm. Một dòng vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) nguy hiểm vốn đã gây ra đợt bùng phát chết người ở Đức và Pháp đầu năm nay cũng được phát hiện chứa các trình tự gien của vi khuẩn gây đại dịch “cái chết Đen”.
Trong cuộc nghiên cứu của mình, nhóm của ông Poinar đã phân tích hài cốt của những nạn nhân “cái chết Đen” được chôn cất ở các “hố dịch” East Smithfield ở London (Anh). Bằng cách tập trung vào những mẫu xét nghiệm lấy từ tủy răng của 5 thi thể, vốn đã được kiểm tra về sự hiện diện của Y.pestis, các chuyên gia có thể trích xuất và tinh chế ADN của thể sinh bệnh.
Chuyên gia Poinar cho biết nhóm của ông nhận thấy trong 660 năm tiến hóa, bản đồ gien của thể sinh bệnh cổ thay đổi rất ít. “Bước tiếp theo là xác định tại sao nó lại gây chết người nhiều như vậy”, ông nói. Chuyên gia Johannes Krause thuộc Đại học Tubingen (Đức), một cộng sự của ông Poinar, cho biết cách tiếp cận này từ nay có thể được sử dụng để nghiên cứu bộ gien của mọi loại thể sinh bệnh trong lịch sử. “Điều này sẽ cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết sâu sắc về quá trình tiến hóa các thể sinh bệnh ở người và những trận dịch lịch sử”, ông nhấn mạnh.
Khang Huy
Bình luận (0)