Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Turing từng làm việc tại Bletchley Park, trung tâm giải mật mã của Anh. Một thời ông là chỉ huy của Hut 8, một bộ phận có nhiệm vụ giải mật mã của hải quân Đức. Ông đã sáng chế ra nhiều kỹ xảo để phá mật mã của Đức, trong đó có phương pháp nối các máy giải mã lại với nhau thành một bộ Bombe, một máy điện-cơ để tìm ra công thức cài đặt cho máy Enigma.
Sau chiến tranh, Turing làm việc tại phòng thí nghiệm vật lý quốc gia và đã tạo ra một trong những đồ án đầu tiên cho máy tính có khả năng lưu trữ chương trình (stored-program computer). Năm 1947 ông chuyển đến Đại học Victoria tại Manchester để làm việc, viết nhiều phần mềm cho Manchester Mark I - một trong những máy tính hiện đại đầu tiên.
Năm 1952, Turing bị kết án với tội “đã có những hành vi khiếm nhã nghiêm trọng”, sau khi ông tự thú đã có quan hệ đồng tính với một người đàn ông ở Manchester. Ông bị tuyên phạt tù (án treo) và buộc phải dùng liệu pháp hormon. Turing qua đời năm 1954. Cuộc điều tra cái chết của Turing cho thấy ông đã tự tử bằng cách ăn một quả táo có tẩm chất độc cyanua.
Cuộc đời của một nhà khoa học có nhiều đóng góp lớn cho đất nước đã kết thúc một cách bi thảm vì bị đối xử tệ. Do đó, theo BBC, những ngày gần đây nhà khoa học máy tính John Graham Cumming đã vận động được hơn 5.500 chữ ký yêu cầu Chính phủ Anh phải chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với Turing.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)