Machu Picchu, một thế kỷ gây tranh cãi

10/07/2011 17:56 GMT+7

100 năm sau ngày được phát hiện, di tích Inca Machu Picchu của Peru vẫn là đề tài thảo luận nóng bỏng trong giới khảo cổ.

Ngày 24.7.1911, nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham leo lên đỉnh một ngọn núi thuộc dãy Andes ở Peru cùng 2 bạn đường người địa phương. “Chúng tôi đang mở lối xuyên rừng nguyên sinh. (…) Bất thình lình, trước mặt tôi là một bức tường rêu phong cổ kính, dựng nên từ những tảng đá gia công tỉ mỉ của người Inca. Sau khi  ước lượng mỗi khối đá khổng lồ ấy nặng khoảng 10-15 tấn, tôi không thể tin vào mắt mình”, ông Bingham kể lại trong cuốn sách xuất bản năm 1948. Những tấm ảnh do Bingham chụp và toàn bộ chuyến thám hiểm đã được tạp chí National Geographic dành trọn một số để đăng năm 1913. Huyền thoại về cung điện Machu Picchu (tức “Cổ Sơn”, theo tiếng quechua của người Inca) bắt đầu được lan truyền ra khắp thế giới và trở thành cảm hứng cho tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Indiana Jones sau này.

Một thế kỷ sau, Peru tưng bừng mở hội vinh danh khám phá thế kỷ của Hiram Bingham và gọi năm 2011 là “Năm thứ 100 của Machu Picchu với thế giới”, theo tờ Le Monde. Lễ kỷ niệm bắt đầu từ ngày 7.7, nhân 4 năm sau khi di tích Inca này được Tổ chức New7Wonders chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới.


Machu Picchu là một trong những di chỉ quan trọng của đế chế Inca - Ảnh: Cdpress.fr

Hàng loạt dấu hỏi

Nằm ở độ cao 2.400 mét, cách cố đô Cuzco của đế chế Inca khoảng 120 km, nhìn từ xa, Machu Picchu như đang tựa lưng vào ngọn Huayna Picchu hùng vĩ. Di tích này quan trọng với người Peru không kém gì Kim Tự Tháp với người Ai Cập nhưng Hiram Bingham có thật sự là người đầu tiên tìm thấy Machu Picchu hay không vẫn là chuyện gây tranh cãi cho đến tận ngày nay. Le Monde dẫn lời sử gia người Peru Donato Amado cho biết: “Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, núi Huayna Picchu và di chỉ Machu Picchu đã xuất hiện trong nhiều tài liệu công chứng”. Một số nhà thám hiểm châu u khác cũng từng nhắc về di chỉ này trong nhật ký của mình. Ngoài ra, tấm bản đồ do công ty khai thác gỗ của kỹ sư người Đức August Berns thực hiện vào gần cuối thế kỷ XIX cũng cho thấy họ từng đặt chân đến Machu Picchu trước ông Bingham khoảng 44 năm.

Khó có thể xác định chính xác ai là người đã phát hiện ra Machu Picchu sau nhiều thế kỷ bị lãng quên. Nhưng theo nhà nghiên cứu Yazmin Lopez Lenci, “khám phá” năm 1911 của ông Bingham là một phần trong kế hoạch đưa di tích này trở thành một biểu tượng mang tầm quốc tế. Thời điểm ấy, Mỹ đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với các nước Mỹ La tinh và tìm cách đề cao bản sắc địa phương của khu vực này. Machu Picchu hoàn toàn đủ “điều kiện” để được tôn vinh là hình ảnh tiêu biểu của châu Mỹ cổ xưa.

Mối quan tâm tiếp theo của các nhà khoa học là vị trí thật sự của Machu Picchu trong đế chế Inca. Cung điện này được xây dựng vào khoảng năm 1450 dưới thời của hoàng đế Pachacutec. Nhà thám hiểm Bingham nhiều lần cho rằng Machu Picchu là “cái nôi của văn hóa Inca”. Tuy nhiên, nhận định này đã bị Giám đốc khoa Khảo cổ của Đại học Yale Richard Burger bác bỏ: “Machu Picchu là nơi hoàng đế Inca và gia đình nghỉ ngơi, thư giãn để thoát khỏi những căng thẳng triều chính tại kinh đô Cuzco”. Ngoài ra, theo ông Burger, Machu Picchu không phải một đền thờ, nhưng trong văn hóa Inca, hoàng đế được xem là thần thánh vì vậy cung điện này vẫn mang nhiều yếu tố tôn giáo, thờ phụng.

Machu Picchu bị bỏ hoang sau khi đế chế Inca sụp đổ vì sự xâm lăng của người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI. Những bí mật của di chỉ cổ xưa này sẽ cần rất nhiều thời gian để tìm ra lời giải vì đến nay, các nhà khảo cổ chỉ mới khai quật được khoảng 20% diện tích của Machu Picchu.

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.