‘Không có bảo hiểm y tế thì chịu chết thôi’

Đó là khẳng định của chị K.C (P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về chi phí điều trị khi căn bệnh ung thư máu quái ác ập đến con trai chị. Đó cũng là chia sẻ của nhiều bệnh nhân được BHXH thanh toán viện phí.

Có bảo hiểm y tế (BHYT), nhẹ gánh lo

Theo chị K.C, cuối năm 2019 con trai của chị tên N.G.B (SN 2008) bị phát hiện mắc bệnh ung thư máu xâm lấn, nhập viện BV Ung bướu TP.HCM điều trị. Theo tìm hiểu, gia đình chị K.C hiện đang ở trọ, bản thân chị ở nhà chăm con bệnh nặng. Chồng chị K.C là tài xế xe du lịch, năm nay dịch Covid-19 xảy ra, công việc của chồng chị cũng bị ảnh hưởng, bấp bênh. Gia cảnh chị K.C rất khó khăn trong khi chi phí KCB cho con rất lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020 BHXH TP.HCM đã thanh toán chi phí KCB cho con trai chị K.C hơn 420 triệu đồng. “Mỗi lượt điều trị với hóa đơn viện phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, đó là gánh nặng quá sức gia đình. May mà có BHYT thanh toán nên gia đình tôi cũng nhẹ gánh bớt”, chị K.C chia sẻ.
Thông tin thống kê 9 tháng đầu năm 2020 của BHXH TP.HCM cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân (BN) đã được cơ quan này thanh toán chi phí KCB mà mỗi trường hợp chi phí điều trị lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng.
Cũng có trường hợp BN gặp khó khi BHYT hết hạn. Đó là trường hợp BN Trần Minh Đức (56 tuổi, Củ Chi, TP.HCM) nhập viện BV Thống Nhất (TP.HCM) cuối tháng 10.2020, được các BS chẩn đoán bị phình động mạch chủ ngực. Sau 2 tuần phẫu thuật, điều trị, chi phí điều trị cho BN này đã lên đến 350 triệu đồng. Tuy nhiên, trường hợp này bảo hiểm chỉ thanh toán tối đa 60 triệu đồng. Chị Trần Nguyễn Ngọc Yến (con gái BN Trần Minh Đức) giải thích: “Bệnh xảy ra bất ngờ và chi phí phẫu thuật cho ba em rất lớn, lên đến 300 triệu đồng. BHYT của ba em lại hết hạn, chỉ có bảo hiểm thương mại nhưng gói bảo hiểm này giới hạn mức thanh toán tối đa 60 triệu đồng/năm”.

“Mọi người nên tham gia BHYT”

Đó là lời khuyên của PGS-TS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất. Theo PGS-TS Đỗ Kim Quế, những BN điều kiện kinh tế khó khăn, không có BHYT lại mắc bệnh nặng, chi phí điều trị bệnh cao sẽ là gánh nặng chính bản thân BN, gia đình và là bài toán khó cho ngành y tế. “Tham gia BHYT không có nghĩa là trông mong mình được BHXH thanh toán khi chữa bệnh. Không ai muốn nhưng bệnh tật là không tránh khỏi. BHYT sẽ hỗ trợ rất nhiều nếu không may mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị bệnh rất lớn. Vì thế, tôi khuyên mọi người nên tham gia BHYT để phòng hờ khi không may xảy ra bệnh tật có BHYT hỗ trợ chi phí điều trị. Đây là lợi ích cho bản thân BN, gia đình, cho cộng đồng”, PGS-TS Đỗ Kim Quế phân tích.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Kim Quế, Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều BN mắc bệnh nặng có chi phí điều trị cao và đã được BHXH thanh toán. “Có những trường hợp người dân vừa mua BHYT xong là bị bệnh, nhập viện điều trị với chi phí lên đến 200 - 300 triệu đồng và được BHXH thanh toán. Rất may là những BN này có BHYT, nếu không BN và gia đình sẽ rất khó khăn khi điều trị bệnh”, PGS-TS Đỗ Kim Quế tiết lộ.
Theo chị Ngọc Yến, trường hợp BN không có điều kiện kinh tế lại không có BHYT phải vay mượn tiền để điều trị, dù có khỏi bệnh gia đình cũng đối mặt rất nhiều khó khăn, nợ nần. “Có BHYT vẫn là tốt nhất bởi vì mức phí tham gia thấp nhưng khi điều trị những bệnh nặng vẫn không bị khống chế mức thanh chi phí điều trị”, chị Ngọc Yến nhận xét.
BS CK2 Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Tổng hợp Kế hoạch Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, người tham gia BHYT đóng phí theo mức lương cơ bản nhưng khi bị ốm đau bệnh tật sẽ được BHXH thanh toán theo nhu cầu điều trị bệnh. Có nhiều trường hợp BHXH đã thanh toán chi phí KCB cho BN lên đến hàng tỉ đồng chứ không phải thanh toán theo mức tiền người dân đóng khi tham gia BHYT. “Luật BHYT nước ta rất tuyệt vời. Dù nước ta còn nghèo nhưng chính sách BHYT của nhà nước ta rất nhân văn, có lợi cho người dân. Theo tôi, mọi người nên tham gia BHYT”, BS Phạm Thanh Việt, nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.