Kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng nhờ làm thêm nghề... trồng hoa hồng

08/03/2017 11:27 GMT+7

Bùi Thị Thanh Hằng, 37 tuổi, sống tại Hà Nội, đang sở hữu 2 vạn gốc hồng tại 4 mảnh vườn khắp Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên và một cơ sở chuyên sản xuất nước hoa hồng , cánh hoa hồng sấy.

Yêu thiên nhiên, thích trồng cây từ nhỏ, trong mảnh vườn của gia đình ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trước đây, chị Hằng trồng đủ các loại cây và hoa. Hiện đang là Trưởng phòng pháp chế cho một Tập đoàn viễn thông của Thụy Điển tại Hà Nội, chị Hằng đến với nghề tay trái trồng hoa hồng cách đây 2 năm, khi đã tích cóp được đủ vốn liếng và thời cơ thích hợp.
Không giống nhiều người trồng hoa hồng để bán bông, chị Hằng trồng hoa hồng sạch, loại hồng nhung bản địa của Việt Nam để lấy cánh hoa làm hoa hồng sấy khô và nước hoa hồng.
Chị Hằng tại vườn trồng hoa của mình
Chị Hằng chia sẻ: “Rất nhiều người trồng hoa để bán bông nên tôi muốn làm khác biệt đi một chút. Tôi muốn nâng giá trị nông sản của hoa hồng, đặc biệt tôn vinh giá trị loài hoa bản địa của Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ trồng rau bán rau, trồng hoa bán hoa, trồng chuối bán chuối… mà không tính đến việc chế biến để tạo sản phẩm giá trị cao hơn, khi thị trường bão hòa, sản phẩm rớt giá, chúng ta sẽ gặp khó khăn rất nhiều”.
Từ vườn hoa hồng đầu tiên ở thị trấn Xuân Mai, Hà Nội rộng hơn 10.000 m2, chị Hằng mở rộng thêm 2 vườn ở Hưng Yên với tổng diện tích 1,4 ha; 1 vườn ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình rộng 1,7 ha, tất cả đều để trồng hoa hồng nguyên liệu. Chị Hằng ước tính đang có khoảng 20.000 gốc hoa hồng tại các vườn này.

tin liên quan

Kiếm tiền tỉ mỗi tháng từ hoa hồng
Quyết định đi trồng hoa hồng trong sự tức giận của cha mẹ, nhưng Phạm Thiên Trang đã chứng minh con đường mình đi là đúng đắn khi sau 4 năm kinh doanh, đến nay trang trại của cô thu về mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng.
Xưởng sản xuất nước hoa hồng và cánh hoa hồng sấy đặt ngay tại Xuân Mai. Hiện đang có 10 nhân viên làm việc thường xuyên tại các vườn hoa, nhà xưởng, ngoài ra còn nhiều nhân viên thời vụ chỉ làm theo giờ. “Mỗi ngày chúng tôi thu hoạch 10 - 20 kg cánh hoa hồng tươi tại các vườn, không tính phần nhụy, đế hoa”, chị Hằng nói.
“Để làm nước hoa hồng và cánh hoa hồng sấy tốt nhất, tôi chỉ chuyên về hoa hồng nhung truyền thống của Việt Nam, loại hoa đẹp cả hương và sắc, không phải hồng nhập khẩu. Hồng nhập khẩu dễ bị bệnh hơn, hồng Việt Nam cho bông rất thơm, cây khỏe, ít sâu bệnh”, chị Hằng cho biết thêm.
Trang trại trồng hoa hồng của chị Hằng chú trọng hoa hồng nhung truyền thống Việt Nam cho mùi thơm ngào ngạt
Hoa hồng phải hái từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc để được hoa có mùi thơm nhất
Các nhụy hoa, đế hoa sau khi thu hoạch được các nhân viên ủ lại làm phân bón. Bã hoa hồng sau khi chưng cất xong được trộn với thóc để cho gà ăn, phân gà thải ra lại dùng để bón hoa hồng.
Hiện bà chủ trồng hoa hồng đang nuôi 3.000 con gà ri trên 1 ha vườn riêng biệt bằng nguồn thức ăn bã hoa hồng. Chị cho hay: “Gà ri thuần chủng 100% lông vàng rơm khi được ăn thức ăn này cho thịt rất ngon, tôi chưa cung cấp thịt gà ra thị trường nhưng dự đoán người tiêu dùng rất thích”.
Tâm huyết với nông nghiệp sạch, giữ quan điểm cây hoa hồng hoàn toàn tự nhiên không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu, vườn hoa hồng của chị Hằng hoàn toàn chỉ được tưới bằng nước giếng tự nhiên và bón bằng các loại phân xanh, phân chuồng tự trang trại sản xuất.
Hành trình gian nan
Không học về nông nghiệp, chưa từng sản xuất một ngành hàng nào tương tự, việc trồng cây và làm nước hoa hồng của chị Hằng từng gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi phải đầu tư mua đất, mua giống cây, có cây giống giá đến 15 triệu đồng. Sau đó phải xin giấy phép mở xưởng sản xuất mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn, xây dựng nhà xưởng, xin công bố lưu hành cho sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng...”, chị Hằng kể. Chị ước tính số vốn đầu tư của mình mất nhiều tỉ đồng.
Các loại hồng được trồng ở vườn của chị Hằng là hồng truyền thống Việt Nam
Làm nghề tay trái nhưng hiện tại việc kinh doanh của chị Hằng khá thuận lợi
Hiện đang có một chuyên gia về mùi hương, người từng nhiều năm làm việc tại thung lũng hoa hồng Bulgaria, hỗ trợ chị Hằng trong khâu chưng cất nước hoa hồng, còn lại, toàn bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, chị Hằng tự làm theo phương pháp tự nhiên nhất.
Chị chia sẻ: “Nhiều người khi đến xem vườn hoa đẹp, thấy thu nhập nhiều chục triệu một tháng tưởng rằng trồng hoa hồng và kinh doanh từ nó là công việc đơn giản và dễ dàng. Tôi mất nhiều tỉ đồng để đầu tư cho các nhà vườn, công xưởng này, nhưng mới một năm nay mới có sản phẩm bán ra trên thị trường”.
Mỗi tháng, công ty của chị Hằng bán ra thị trường 2.000 - 2.500 lọ nước hoa hồng, loại 100 ml/lọ, 1.000 lọ cánh hoa hồng sấy, mỗi lọ 15 gram. Doanh thu mỗi tháng từ 2 sản phẩm này đạt 25 - 30 triệu đồng. Chị cũng đã xây dựng được hệ thống bán lẻ sản phẩm của mình khắp toàn quốc.
Hiện tại, bà chủ trẻ cũng đang mở rộng đầu tư bằng việc bán các cây giống hoa hồng do mình tự sản xuất, tập trung giống hồng truyền thống Việt Nam như hồng nhung cổ, hồng cổ Sa Pa, hồng bạch cổ… cho những khách muốn trang trí thêm cho căn nhà, khu vườn của mình. Số cây giống bán buôn, bán lẻ cho khách mới chỉ đạt vài ngàn cây.
Bên cạnh đó, phát triển đàn gà ri thuần chủng lông vàng rơm bằng nguồn thức ăn bã hoa hồng tự nhiên, tạo thương hiệu gà sạch trên thị trường cũng là đích mà người phụ nữ 8x này hướng tới.

tin liên quan

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch
Tốt nghiệp Đại học Luật, sau 2 năm làm cho Tổ chức 'Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản' (BAJ), Phạm Võ Văn Pháp cùng bạn là Võ Thái Long (H.Hoài Ân, Bình Định) chọn nông nghiệp sạch để khởi nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.