Châu Đốc có món rượu cà na, uống rất dễ thương. Có lẽ đó là rượu ngâm trái cà na - một loại trái cây có nguồn gốc từ Campuchia.
Thành phố Châu Đốc cách biên giới Việt Nam - Campuchia gần 30 cây số, là một thành phố chưa lớn và rất yên bình. Dân cư thành phố chỉ 120.000 người, bằng ¼ thành phố Quảng Ngãi của tôi. Nhưng Châu Đốc mỗi năm đón tới 4 triệu lượt khách du lịch - một con số khiến nhiều thành phố lớn hơn trong nước phải…choáng. Quả thật, Châu Đốc có nhiều cái đáng xem, nhiều món ngon đáng để thưởng thức. Nhưng nếu chỉ như thế, Châu Đốc không thể có lượng khách du lịch “khủng” vậy được.
Cơ sự thế này. Ngay sát bên thành phố, tự dưng mọc lên… một ngọn núi. Tên gọi là núi Sam. Nói chính xác hơn, thành phố Châu Đốc hiện tại “mọc lên” bên cạnh ngọn núi này. Giữa một vùng đồng bằng mênh mông bát ngát với hằng hà sông rạch mà tự nhiên mọc lên một ngọn núi đá, thì đó quả là một kỳ quan. Hơn một kỳ quan, đó là nơi tụ linh khí. Núi Sam linh thiêng từ xa xưa, còn đền thờ Bà Chúa Xứ thì không biết chính thức được xây dựng từ bao giờ, và được xây dựng bên dưới chân núi, chứ không phải trên đỉnh núi, nhưng về độ linh thiêng thì phải nói là…vô đối.
Đi cùng đoàn chúng tôi, TS Trần Tấn Ngô - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách Trung ương - một người bạn quê Nam Bộ rất thật thà, đã kể với tôi về chuyện anh được Bà Chúa Xứ ban lộc như thế nào.
|
Số là hồi đó mới qua thời bao cấp, đời sống còn khó khăn lắm, có lần về Châu Đốc anh Ngô đã đến khấn nguyện ở đền thờ Bà Chúa Xứ. Anh khấn rằng: cầu xin Bà cho con có tiền mua được nhà ở…Sài Gòn, vì con đang ở nhờ nhà bố mẹ vợ, bố mẹ rất tốt nhưng chúng con lại muốn có nhà riêng. Nếu Bà ban lộc, con sẽ xin cúng tạ một con heo quay. Chỉ gần một năm sau, lời khấn nguyện của anh Ngô đã được Bà… duyệt. Thời đó sách bán rất chạy, anh Trần Tấn Ngô đã nhờ vào các dịch vụ bán sách mà tích lũy được đủ số tiền mua nhà, dù là nhà không lớn, nhưng là nhà riêng.
Anh mừng quá, đặt sẵn một con heo quay từ Chợ Lớn - Sài Gòn, lễ mễ mang về Châu Đốc, tới đền thờ tạ ơn Bà Chúa Xứ.
Tôi cũng được nghe nhiều người kể về sự hào phóng của Bà, và tôi trộm nghĩ, Bà đúng là Bà Chúa của lưu dân Nam Bộ từ những ngày còn mở cõi. Ngày ấy khốn khổ nhiều bề lắm, và lưu dân miền Trung vào đất Chín Rồng này phải tìm một điểm tựa tinh thần cho cuộc sống vừa gian lao vừa nguy hiểm của mình. Núi Sam và Bà Chúa Xứ (có lẽ là “Bà Chúa xứ sở”) đã thành điểm tựa tâm linh của họ - một điểm tựa vừa giản dị vừa thiêng liêng. Nghe nói, cho tới bây giờ, trên núi Sam vẫn còn những thầy thuốc dân gian cực giỏi, và nhiều bài thuốc của họ đã cứu được biết bao người dân nghèo suốt đồng bằng sông Cửu Long.
Buổi chiều, tôi và anh em trong đoàn thành kính tới viếng đền thờ Bà Chúa Xứ. Khi bước vào đền, một không khí linh thiêng chợt vây phủ chúng tôi. Hình tượng Bà Chúa thật uy nghi, mà cũng thật gần gũi với những người tới viếng. Sau khi viếng, hỏi chuyện, tôi được biết mỗi năm từ thùng công đức đặt tại đền ban quản lý thu được hơn trăm tỉ đồng từ sự cúng dường của khách thập phương. Toàn bộ số tiền đó được công khai minh bạch, ghi vào sổ sách, và đều được ban quản lý chi cho các công trình từ thiện - xã hội, chi cho người nghèo, cho học trò nghèo vượt khó học giỏi.
Tôi lại nghĩ, bằng cách xử sự công khai minh bạch với số tiền cúng dường, và cái cách mà ban quản lý sử dụng đồng tiền ấy đã khiến Bà Chúa hài lòng nhất. Bà Chúa rất rộng lòng, nhưng Bà muốn những đồng tiền của nhân dân cúng dường Bà lại trở về với một bộ phận nhân dân còn nghèo khổ, khó khăn và cần được giúp đỡ. Phải chăng, đó cũng là bài học thiện nguyện và nhân ái cho nhiều đền chùa khác trong cả nước?
|
Khi lên đỉnh núi Sam, chúng tôi lại bắt gặp một… nhà hàng resort thiết kế khá bắt mắt. Hơi bất ngờ, vì nghĩ ở nơi nầy chỉ có những cơ sở làm và cho thuốc dân gian. Chúng tôi ngồi ngắm toàn cảnh thành phố Châu Đốc, uống mỗi người vài chai bia mát lạnh, và đón gió lành lồng lộng từ đồng bằng thổi tới. Xa xa kia là kinh Vĩnh Tế-con kênh nổi tiếng mà Thoại Ngọc Hầu đã tổ chức đào, con kênh mang tên người vợ chung thủy của ông.
Khi “hạ sơn”, chúng tôi đã tới viếng Lăng Thoại Ngọc Hầu, thắp hương trên mộ vợ chồng nhà khai sơn phá thạch Nguyễn Văn Thoại. Những con người nổi tiếng ở đât Châu Đốc này đều là những con người vì dân, họ đã đưa cả đời mình phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước. Từ Thoại Ngọc Hầu tới Lê Đại Cang, Trương Minh Giảng… họ là những con người thật bình dị, thậm chí chịu đựng rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời, để bây giờ chúng ta kính ngưỡng họ như những vị thần của một vùng đất phên giậu miền Tây Nam Tổ quốc.
Đất này, không linh thiêng làm sao được!
Bình luận (0)