Hầm bộ hành Ngã Tư Sở dài gần 500m đi theo vòng tròn với 12 cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống dành cho người đi bộ, xe đạp xuống và xe đạp lên.
Theo khảo sát, từ 8 đến 10 giờ sáng và 14 đến 16 giờ chiều, trong hầm chỉ lác đác người đi lại. Vào giờ cao điểm, đặc biệt tầm 16 giờ chiều, hầm mới nhộn nhịp người qua lại nhưng đa số là người lớn tuổi đi bộ tập thể dục, trẻ nhỏ tập xe và chơi đùa, các cụ hưu trí xuống đọc báo hay các tốp học sinh tập hip hop.
|
Bạn Trần Lan Hương, sinh viên Cao đẳng Truyền hình, đã vài lần đi xuống hầm nhưng vẫn toát mồ hôi khi tìm lối lên. “Sau khi xuống bến xe bus Trường Chinh, mình xuống hầm để đi lên phía đường Nguyễn Trãi - Láng, hướng chợ Ngã Tư Sở, nhưng lẽ ra hướng lên là rẽ trái thì biển lại chỉ thẳng, nên rất khó xác định, đi lên đi xuống vài lần vẫn nhầm”, Hương kể.
Cũng lạc nhiều lần trong hầm, bác Lan, quê Hưng Yên, sống cùng con ở đường Trường Chinh nói: “Hồi mới ở quê ra, đi xuống hầm sang chợ Ngã Tư Sở lạc mãi không lên được, thấy biển báo nhưng toàn chỉ chiều ngược lại, đi mãi không biết lên cửa nào để về nhà”.
Đứng ở đường Tây Sơn, Minh Phương, sinh viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội phân vân không biết nên xuống hầm hay đi qua đường để sang đường Trường Chinh, Phương cho rằng khi xuống hầm vào những giờ thưa người qua lại sẽ rất dễ bị mất cắp và đây cũng là nơi lẩn trốn của nhiều đối tượng cướp giật ở chợ Ngã Tư Sở, trong khi rất hiếm thấy nhân viên bảo vệ hầm.
Đường hầm rất sạch sẽ và thoáng đãng, một làn đường lát đá hoa dành cho người đi bộ, phần đường bê-tông dành cho xe đạp, nhưng hầm hoàn toàn “đói” người đi xe đạp xuống hầm. Chị Phượng, quê Thanh Hóa đang loay hoay tìm cửa lên cho hay: “Trong hầm chỉ cho xe đạp đi một chiều, trót chui xuống hầm lại đi ngược chiều chỉ dẫn thì lạc không biết đường thoát, phần nữa là cửa hầm khá sâu, thời gian dắt xe lên xuống thà đi xe trên mặt đường vẫn yên tâm hơn”.
Theo quan sát, dưới hầm có rất nhiều bảng chỉ dẫn được đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, hệ thống chỉ dẫn quá dày đặc bị trùng lặp nên khó xác định phương hướng, chưa kể đến có những đoạn đường xuất hiện biển cấm đi ngược chiều. Trong khi đó, biển chỉ dẫn chỉ có một chiều duy nhất, nên khi xuống đi theo chiều ngược lại rất khó lên.
Bác Tuấn, nhà ở ngõ 72, đường Nguyễn Trãi, do thường xuyên đi tập thể dục trong hầm tỏ ra khá thông thạo, cho biết: “Trước đây tôi cũng lạc lòng vòng nhiều lần, nhưng ngày nào cũng lạc thành quen đường”, bác hướng dẫn: “Nếu lạc, cần đi tiếp đến bao giờ gặp 1 trong 4 góc hầm sẽ có sơ đồ các cửa A, B, C, D”.
Đứng ở cửa hầm chừng 30 phút giờ tan tầm, chúng tôi chứng kiến từng tốp người đi bộ, đi xe đạp vẫn băng qua đường bất chấp sự nguy hiểm, nhiều người còn vác xe đạp vượt rào chắn, qua mũi xe máy, ôtô.
Một số người nói rằng họ không đi theo hầm đường bộ vì không quen, mất an toàn và cả vì không thích bị mất thời gian bởi dễ bị lạc trong hầm.
Thu Hường
Bình luận (0)