Nhưng gần 20 năm qua, đồng cỏ mênh mông 15.000 ha này bị cây rừng xâm chiếm, nhỏ hẹp dần qua mỗi năm, các loài thú hoang cũng dần bỏ đi.
Bãi bò tót
Nghe hỏi về bãi thú, anh Hoàng Văn Hương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Ya Book, Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray, liền chọn 2 chiếc xe máy thuộc hàng “chiến mã” chuyên đi rừng, rồi gọi thêm một cán bộ đưa tôi và anh Đào Xuân Thủy (Phó giám đốc VQG Chư Mom Ray) vào bãi thú. Chiếc xe máy luồn lách vào rừng cây dày đặc bằng lăng chừng hơn 15 năm tuổi thẳng tiến. Đi vài cây số, chúng tôi chuyển sang đi bộ.
|
Hỏi vì sao gọi là "bãi thú", anh Thủy giải thích: Ngày trước, thung lũng Ya Book có bãi mà thú rừng hay về ở hàng đàn, nhiều nhất là thú móng guốc, gồm: bò tót, nai các loại, sơn dương, heo rừng… "Trong đó bò tót nhiều đàn nhất, thống lĩnh bãi này nên cũng hay gọi là bãi thú bò tót", anh Thủy nói.
tin liên quan
Đi tìm dấu chân thú hoang trên đồng cỏ Ya BookSở dĩ thú kéo về nhiều, ngoài cỏ ngon thì nhờ đầm lầy giữa đồng cỏ không bao giờ cạn nước. Bởi cách đầm lầy chừng vài trăm mét, có con sông Sa Thầy, mà người bản địa gọi là suối Ia Hrai. Tháng 4, những cơn mưa nặng hạt kéo đến làm dòng sông đầy nước, cung cấp thường xuyên nguồn nước cho đầm lầy, giải quyết cơn khát cho tất cả thú, chim về đây trú ngụ.
Vượt sông Sa Thầy chừng 30 phút rồi đi bộ xuyên rừng thêm một đoạn nữa là chúng tôi bước chân lên bãi thú, nằm ở tiểu khu 592. Dọc đường đi, nhiều loại cỏ dại lá mềm mọc um tùm nhưng không thành cánh đồng, mà vương theo lối mòn. Cả 4 người chúng tôi khi bước lên đám cỏ chỉ mềm ngập ngang đầu gối, mới biết chắc đây là bãi thú huyền thoại một thời ở VQG Chư Mom Ray. Đám cỏ xanh rì rộng khoảng 5 ha, đạp chân lên êm như nệm mút. Dưới lớp cỏ là nước âm ỉ chảy, đủ cho cỏ xanh quanh năm. Quan sát bãi cỏ, chúng tôi phát hiện dọc ngang là dấu chân thú rừng, to là của bò tót, nhỏ là của nai, sơn dương và heo rừng.
Anh Phan Thanh Đông, kiểm lâm Trạm bảo vệ rừng Ya Book, thốt lên: "Dấu chân còn mới lắm". Lội ngang bãi cỏ, leo lên bãi bồi sát mé rừng, thấy cỏ non bị gặm nham nhở khắp nơi; dấu chân thú rừng để lại rõ mồn một, phân biệt rất rõ dấu chân từng loài, nhiều nhất là dấu chân bò tót to lớn, in sâu vào lòng đất.
"Tiếc quá, không thấy trực tiếp chúng nó về", anh Đông nói xong chỉ cho tôi xem trạm quan sát cao hàng chục mét, có gắn máy quay ẩn dưới tán cây rừng. "Đó là camera quan sát, điều khiển máy từ trong trạm bảo vệ rừng. Cách đây mấy năm, thú về là phát hiện ngay. Sau này, máy bị sét đánh cháy mất. Giờ không có tiền sắm lại", anh Đông cho biết.
Đồng cỏ bị rừng xâm chiếm
Trong ký ức của anh Thủy, thung lũng Ya Book cách đây gần 20 năm là đồng cỏ trải dài tít tắp, rộng 15.000 ha. Năm 2001, khi mới thành lập, Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Book bị bao phủ bởi cỏ tranh và cỏ dại. Bây giờ, rừng cây rậm đã xâm chiếm toàn bộ và dấu tích đồng cỏ chỉ còn ở 2 bãi thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Book và Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Tao. Khi đồng cỏ suy giảm, các loài thú móng guốc không về hàng đàn như trước nữa.
Qua tính toán của các chuyên gia về thú móng guốc vào năm 2001, số lượng bò tót ở VQG Chư Mom Ray có từ 25 - 30 đàn (khoảng từ 4 - 6 con/đàn). Có điều càng về sau thì lực lượng bảo vệ rừng Chư Mom Ray càng ít gặp bò tót. Gần nhất là năm 2009, máy quay quan sát ở bãi thú phát hiện 2 đàn bò tót, một đàn 5 con, một đàn 7 con. Cách đây 5 năm, khi đi kiểm tra hiện trạng rừng, anh Thủy phát hiện một con bò tót nằm chắn ngang lối mòn. Vào tháng 2.2017, một con bò tót nặng 1,1 tấn “đi lạc” đâm sầm vào ô tô trên tỉnh lộ 674 chết tại chỗ, nay đã làm tiêu bản trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray. Đó là những lần hiếm hoi thấy bò tót (động vật rừng nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm 1B) sống ở đây. Còn các loài thú đi theo bầy như nai cũng không thấy nhiều nữa.
Thú móng guốc ăn cỏ giảm dần khi về thung lũng Ya Book, lũ thú ăn thịt cũng không thấy xuất hiện nữa. Những năm gần đây, không ai thấy hổ, gấu, sói, báo... xuất hiện. Gần nhất là năm 2009, một phụ nữ ở xã Sa Loong, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) bị thú dữ tấn công khi đi làm rẫy. Qua khám nghiệm, ngành chức năng nhận định là do hổ vồ. Từ đó không thấy dấu vết loài này. Ngay như sói, còn khoảng 3 - 4 bầy (từ 14 - 15 con/bầy) ở Chư Mom Ray cũng không thấy nữa. Duy nhất vào giữa tháng 3.2017, có hai con bò ở xã Ngok Bay, TP.Kon Tum bị thú dữ ăn thịt. Ngành chức năng tỉnh Kon Tum nghi là sói, từ 3 - 4 con, còn thực tế không ai thấy hình dạng.
Theo giải thích của anh Thủy, sở dĩ đồng cỏ thung lũng Ya Book mất đi là vì, ngày trước vào mùa khô, đồng cỏ bị cháy tự nhiên, nên cây rừng không mọc được, chỉ có cỏ cháy đi và mọc lại lứa cỏ mới. Còn 20 năm nay, do quản lý bảo vệ tốt nên không để xảy ra cháy. Cây rừng có điều kiện mọc lên thành rừng rậm, xâm chiếm hết đồng cỏ này. Khi không còn môi trường sống (ở đây là cỏ), lũ thú lớn ăn cỏ đã tìm nơi khác sinh sống. Thú ăn cỏ đi đâu, thú ăn thịt cũng theo đó mà kiếm mồi.
Cũng theo anh Thủy, trước đây GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh (chuyên gia về thú móng guốc, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN) từng đề xuất, để bảo tồn và phát triển thú móng guốc ở thung lũng Ya Book thì nên "đốt trước có điều khiển", nghĩa là đốt có tác động của con người, nhằm bảo vệ đồng cỏ cho thú có môi trường sinh sống. Tuy nhiên, luật và các quy định hiện hành của VN chưa cho phép sử dụng cách này. Vì vậy, nguy cơ mất hết đồng cỏ thung lũng Ya Book và giảm thêm đàn thú móng guốc ở Chư Mom Ray là điều khó tránh khỏi.
Bí ẩn dấu chân nai trên trảng đá
Cách QL4C chừng 45 phút đi bộ vào tiểu khu 506 (VQG Chư Mom Ray) có một bãi đá nổi lên giữa rừng rất lạ, chừng 100 m2, cao hơn xung quanh, nhưng lại có nước chảy ra từ khe đá, trong khi có nhiều khe suối mùa khô khu rừng này bị khô kiệt. Nước từ khe đá chảy ra thành vũng, có hàng ngàn con ong mật vo ve. Đặc biệt ở một vũng nước nhỏ trên trảng đá, có nhiều dấu chân nghi là của loài nai in hằn trên ấy. Theo đó, có 2 dấu chân nai in đậm, còn 4 dấu chân khác giống như bị trượt. Theo anh Thủy, dấu chân này hiện chưa ai giải thích được là do tự nhiên hay vết chân nai thật.
|
Bình luận (0)