Trung thu lại về, trẻ con ở thành phố tha hồ lựa chọn những loại lồng đèn làm từ nhựa có hình dạng ô tô, máy bay, con vật… với ánh đèn lập lòe, nhạc từ năng lượng của pin. Có những loại lồng đèn hình dáng ngôi sao 5 cánh, với màu sắc rất bắt mắt. Nhìn chung những loại lồng đèn bằng nhựa đa phần không có xuất xứ rõ ràng, bày bán khắp các cửa hàng trên nhiều tuyến đường.
Con trai tôi 6 tuổi, như bao đứa trẻ khác rất háo hức khi mùa trung thu đến, được chơi lồng đèn, ăn bánh trung thu. Mỗi lần đi qua các cửa hàng đồ chơi trẻ em, cũng phải “tia” và mong muốn bố mẹ mua cho chiếc lồng đèn bằng nhựa, có đèn, nhạc như các bạn.
Tôi xuất thân từ vùng quê thuần nông, lúc nhỏ mùa trung thu, bố mẹ nghèo không có tiền mua đèn lồng thì những đứa nhỏ trong xóm sau buổi học tụ tập chuẩn bị nguyên, vật liệu tự làm lồng đèn. Đứa đi nhặt lon bia, sữa bò, đứa chặt cành tre, hồ dán, giấy màu… Mỗi đứa tự làm cho mình 1 lồng đèn theo ý thích và vui chơi không biết chán.
Điều quan trọng những lồng đèn mấy đứa trẻ như tôi thời đó chơi xong sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, vì nguyên liệu chủ yếu là đồ bỏ đi.
Môi trường xung quanh chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, một phần do con người sử dụng đồ nhựa, túi ni lông một cách vô tội vạ. Rồi môi trường sống của chúng sẽ ra sao trong những thập kỷ tới? Rồi con cháu mình sẽ sống ở đâu khi đồ nhựa, túi ni lông bủa quây…. từ những câu hỏi trong đầu, tôi luôn muốn dạy con mình phải biết bảo vệ môi trường, bảo vệ “mẹ thiên nhiên” chính là bảo vệ cuộc sống chính mình và đồng loại.
Vậy dạy trẻ bảo vệ môi trường bằng cách nào? Theo tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày các bé. Mỗi mùa trung thu tôi quyết định làm lồng đèn từ những vật dụng bỏ đi như tôi lúc nhỏ. Sau khi bàn kế hoạch, thống nhất với con trai, hai cha con bắt tay vào làm lồng đèn xe đẩy bằng lon sữa bò.
Tôi chở con đi hai vựa phế liệu lựa được những lon sữa bò đủ tiêu chuẩn làm lồng đèn. Mua thêm dây kẽm loại lớn, băng keo đen và thanh tre dài khoảng 1m. Lon sữa bò đem về nhà rửa sạch, để cho ráo nước. Lôi đồ nghề gồm: Búa, kềm và một cây đinh loại lớn để làm lồng đèn.
Sau khi chuẩn bị, chỉ mất chừng 10 phút là hai cha con hoàn thành xong một xe lồng đèn xe đẩy kêu leng keng, quay vòng vòng nhìn rất thú vị, ánh đèn trong lon tỏa ra các lỗ rất đẹp.
Khi làm xong, con tôi òa lên vui thích, phấn khích luôn nói “hãy tái sử dụng, đừng lãng phí”. Làm xong xe lồng đèn của mình, thấy còn nguyên liệu, con tôi đề xuất làm thêm 4 cái nữa để cho nhóm bạn thân của con cùng chơi cho vui. Tôi thống nhất ý kiến của con, cùng con làm thêm 4 cái nữa.
Buổi chiều làm xong lồng đèn xe đẩy, con tôi háo hức chờ đêm xuống để xuống sân đẩy xe lồng đèn tự làm chơi với các bạn. Đêm đó, trời mưa rất to, con tôi cứ đi ra, đi vào lo lắng vì sợ không đi chơi được. Trời bớt mưa, nhóm bạn của con tụ họp trong sảnh chung cư và bắt đầu thắp nến trong xe lồng đèn và đẩy đi chơi. Bé nào cũng háo hức vì lạ, vì ánh nến lấp lánh, tiếng kêu leng keng từ lon sữa bò. Nhiều phụ huynh cũng lấy làm lạ bởi vào thời này vẫn thấy hình dáng món đồ chơi gắn bó với tuổi thơ của biết bao nhiêu người.
Bình luận (0)