Tân Kiểng
Khác với nhiều vùng chuyên canh hoa như Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Cai Lậy (Tiền Giang), làng hoa Gò Vấp từ xưa đã có cái lợi thế của một vùng ven chốn phồn hoa. Sài Gòn - Gia Định là nơi tiêu thụ hoa và cây kiểng bậc nhất không chỉ miệt Nam kỳ, mà còn xứng danh là nơi hội tụ nhiều dòng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ từ các tỉnh đổ về mỗi dịp tết đến.
Nhưng, trong ký ức của nhiều vị cao niên xứ này, thì không chỉ dịp tết, mà người trồng hoa ở Gò Vấp còn cung ứng hằng ngày cho các vựa hoa lớn ở các chợ Bến Thành, Tân Định, Chợ Lớn, Bà Chiểu cũng như rải rác nhiều tiệm hoa giăng mắc khắp nơi ở các quận của thành phố.
Ngày trước, tầm 4 giờ sáng các ngả đường của Gò Vấp đã nghe lọc cọc tiếng gõ móng của những chuyến xe thổ mộ chở hoa vào phố. Hoa được chuyên chở trên những chuyến xe ngựa sớm ấy đã thành một ký ức đẹp mà tất bật của người dân nơi đây, hòa điệu cùng những chuyến hàng rau tươi của các làng chuyên canh rau miệt Hóc Môn vào chợ sớm mỗi ngày.
tin liên quan
Những trái bưởi Diễn vàng óng giá hàng chục triệu/chậu chưng tết ở Sài GònVừa ngắt lá, tạo dáng cho một chậu tùng lâu năm, anh Lê Quang Vinh, năm nay 46 tuổi, một nghệ nhân trung niên có vườn kiểng lớn ở P.11, Gò Vấp hồi tưởng: “Hồi đó xứ này vườn rộng nên mỗi dịp xuân về, hoa khoe sắc khắp mọi ngả. Sau nhiều biến động, xứ hoa đã dần thu hẹp và nhiều người đã rời bỏ nghề trồng hoa để dành tâm sức chăm sóc những chậu kiểng có giá trị”.
Qua lời anh nói, tôi hiểu có lẽ là bởi đất đai vườn tược đã dần nhường chỗ cho phố xá, hơn nữa nghề trồng hoa rất cực nhọc, phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
Có điều, dù là trồng hoa hay chăm kiểng, thì cũng chẳng khác nào…chăm con mọn. Nó còn phải được tận tình hơn, để chống đỡ với sự đỏng đảnh của thời tiết, của sâu bệnh, thổ nhưỡng, nước nôi... có tác động rất nhạy với hoa và kiểng, chẳng khác chi con người!
Cựu hoa
Lạc vào vườn những hộ vẫn còn giữ nghề trồng hoa truyền thống, không khí có vẻ rộn hơn. Kiểng tỉ mỉ hoa tất bật, là vậy. Nào mai, cúc, mồng gà, vạn thọ, thược dược, mãn đình hồng, hướng dương... đang được chăm bẵm chu đáo. Hoa tết kể như đã lạc vào chốn xưa, vì đã ít đi rất nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Toàn (54 tuổi), ở P.12, Q.Gò Vấp có thâm niên 20 năm trồng hoa, rửa vội đôi tay dính tro đất, tâm sự: “Nhiều năm rồi, để giữ nghề hoa truyền thống, tôi phải đi thuê đất. Bởi ngày xưa đất đai rất rộng, còn bây giờ biệt thự nhà phố đã mọc lên nhiều lắm, không còn đất cho hoa”.
Ông Toàn kể đang trồng 5 loại hoa gồm vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược, mồng gà, hướng dương để bán tết với khoảng xấp xỉ 10 thiên (10.000 chậu hoa). “Nhưng trồng hoa càng ngày càng khó, càng vất vả hơn nhiều, bởi thời tiết thay đổi, sâu bệnh phát triển, môi trường ô nhiễm... Năm nay nhuận nên chăm hoa càng khó hơn, có nhiều đêm sương muối xuống nên canh cho đúng tết cũng rất gian nan”, ông Toàn nói và cho biết thêm, mỗi sáng sớm ra thấy trên lá có màu hơi trắng và sờ tay thấy nhám rít một chút, đó là sương muối nên phải tưới nước rửa ngay.
Xác nhận những điều trên, ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Q.Gò Vấp, nói: “Ngày trước, làng hoa Gò Vấp rất lớn, có diện tích đến gần 500 ha, dịp gần tết hoa nở miên man nhìn ngút tầm mắt không hết, nhưng nay chỉ còn khoảng 20 ha xen lẫn giữa phố xá. Những hộ vẫn giữ nghề trồng hoa còn rất ít, phần lớn chuyển sang chuyên canh về kiểng các loại hoặc hoa cao cấp cung ứng cho dịp tết, như lan, cúc đại đóa, vạn thọ Pháp... Hộ nhiều nhất chỉ còn khoảng 1.000 m2 đất chuyên canh”. Nhiều hộ bỏ nghề cũng bởi theo lẽ tất yếu của tự nhiên, họ chuyển sang làm đủ loại dịch vụ, riêng với P.12, số hộ giữ nghề cũng còn chỉ tầm hơn 10 hộ, nhưng phải đi xa để thuê đất trồng, giống như ông Toàn.
tin liên quan
Làng quất cảnh Tứ Liên vào vụ Tết sớmÔng Hùng nói, Nam bộ thuở trước có 3 vùng chuyên canh hoa lớn nhất, đó là Gò Vấp, Sa Đéc và Đà Lạt. Chỉ riêng 3 xã Thông Tây Hội, An Nhơn và Hạnh Thông Tây thuộc Gò Vấp vào thời điểm trước 1975, đã cung ứng 70% hoa tết cho vùng Sài Gòn - Gia Định. Nhưng nay mỗi dịp xuân về, tại 2 chợ hoa lớn nhất ở Gò Vấp (là chợ hoa Công viên Làng Hoa và chợ hoa Phạm Huy Thông ngay ngã tư đường Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Oanh), hoa của miền Tây đưa lên đã chiếm đến 50%, còn lại chia đều cho miền Trung, vùng đông Nam bộ và hoa của các quận huyện thuộc thành phố, như Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức.
Bình luận (0)