Lắp camera an ninh 'canh' đào tết

29/01/2021 06:35 GMT+7

Để ngăn chặn các hành vi phá hoại, trộm cắp đào cảnh, hàng loạt chủ vườn ở xã Đặng Cương (H.An Dương, TP.Hải Phòng) đã lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát.

Những ngày này, nhiều vườn đào ở xã Đặng Cương (H.An Dương), “thủ phủ” đào cảnh ở Hải Phòng, tấp nập người ra vào. Trong cái nắng hanh khô cuối tháng Chạp, hàng nghìn cây đào đã được tuốt lá chờ bung nụ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Huệ (một chủ vườn đào ở thôn Đồng Dụ) hồ hởi cho biết: “Sau đợt rét tê tái, trời đã ấm và hanh khô. Tiết trời này sẽ giúp cây đào ra hoa đẹp, căng hết cỡ. Năm nay, dân trồng đào sẽ được mùa, được giá”.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, đến thời điểm này, khoảng 60% gốc đào đã được người chơi đến đặt cọc thuê, mua. Các chủ vườn đào chia sẻ, giá bán đào thường từ 500.000 - 1,5 triệu đồng/cây. Với đào cổ thụ, giá cho thuê từ 3 - 20 triệu/cây.
“Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay thông tin cấm mua bán đào rừng, giá đào cũng không chênh lệch gì so với những năm trước”, ông Cẩn, chủ vườn, cho biết. Chính vì vậy, nghề trồng đào ở Đặng Cương mang lại thu nhập hàng trăm triệu/năm và ổn định trong thời gian dài cho người dân Đặng Cương. Bên cạnh đó, các chủ vườn đào còn tạo ra việc làm thời vụ dịp tết cho hàng trăm lao động tự do.

Giá cho thuê đào cổ thụ dịp tết từ 3 - 20 triệu/cây

Ảnh Lê Tân

Theo Phòng NN-PTNN H.An Dương, nghề trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương đã có từ 30 năm nay. Thống kê cho thấy, toàn xã Đặng Cương có 1.300 hộ dân trồng đào, trên diện tích 75 ha. Đặc biệt, đào cảnh ở Đặng Cương là những gốc đào cổ thụ tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm. Ông Phạm Văn Phất, chủ vườn đào, thông tin: “Từ hơn 10 năm nay, chúng tôi đã lên vùng cao mua gốc đào người dân trên đó trồng để về ghép cành, tạo ra sản phẩm độc đáo, thu hút người chơi. Gốc đào cổ thụ không phải khai thác trên rừng mà do bà con vùng cao trồng trên đồi”.

Lập 8 tổ tự quản bảo vệ vùng hoa, cây cảnh

Khẳng định điều này, ông Nguyễn Thế Thuận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, cho biết: “Dịp này, ngoài việc đưa đào ra thị trường tiêu thụ, bà con cũng nhập thêm gốc mới về. Gốc mới được mua ở Sơn La, Điện Biên và đều là đào do bà con vùng cao trồng trên đồi. Thậm chí, nhiều chủ vườn ở Đặng Cương còn lên vùng cao thuê người trồng, chăm để dùng dần. Hoàn toàn không có đào rừng”. Theo thống kê, mỗi năm, người trồng đào ở Đặng Cương thu mua khoảng 5.000 gốc đào và cũng chỉ 50% gốc đào được cấy ghép thành công.
Càng gần tết, công tác an ninh trật tự càng được các chủ vườn đào chú ý. Anh Lê Văn Thương, một chủ vườn cho biết: “Thực tế, trên địa bàn xã có xảy ra việc bị trộm gốc đào, phá hoại cây. Chính vì vậy, người dân bảo nhau lắp hệ thống camera và điện chiếu sáng để theo dõi, bảo vệ vườn đào”.
Đại diện Công an xã Đặng Cương cho biết, ngoài hệ thống camera do người dân lắp đặt, công an xã cũng triển khai hệ thống camera an ninh tại các tuyến đường trục xã để kiểm soát, đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Thuận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, cho hay: “Chính quyền địa phương còn thành lập 8 tổ tự quản bảo vệ vùng hoa, cây cảnh. Những tổ tự quản này có sự tham gia của cán bộ thôn, người trồng hoa và công an xã. Thời điểm giáp tết này, tổ tự quản sẽ tăng cường tuần tra, bảo vệ tài sản cho người dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.