Dọc bờ kè sông Tiền thuộc P.6 (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) là nơi trú ngụ của nhiều ghe thuyền đánh cá cùng hàng chục nhân khẩu. Với họ, ghe thuyền là nhà, sông nước là đất ở, quanh năm quây quần trên sông nước lênh đênh.
Đất lành chim đậu
Hỏi làng chài thu nhỏ này có từ bao giờ, không ai trả lời chính xác. Ngay cả hai lão ngư Hà Văn Trắng (61 tuổi) và Hà Văn Nén (59 tuổi, cùng quê Đồng Tháp) cũng chỉ biết làng chài hình thành do ngư dân ở khắp nơi tụ về. Nơi đây, có kẻ đến người đi, “đất lành chim đậu” lâu dần tạo thành khu vực riêng của dân chài hồi nào không hay.
Cũng giống nhiều làng chài dọc sông Tiền, ngư dân đánh cá chia ra nhiều hình thức: chài, đánh lưới và cào. Những người khấm khá sắm ghe lớn để cào cá. Người ít tiền thì đầu tư lưới chài, kế đến là đánh lưới cá. Việc mưu sinh của ngư dân đa phần dựa vào con nước và thời tiết, bởi đó là quy luật của nghề đánh cá trên sông.
Hằng ngày, đúng 4 giờ sáng, dân chài thức giấc. Sau khi chuẩn bị ngư cụ, hai lão ngư Trắng và Nén cùng người cháu tên Trí cho ghe rời bến. Chiếc ghe nổ máy bành bạch, tiến thẳng về giữa sông Tiền, nơi giáp ranh giữa cồn Phụng và cồn Thới Sơn. Như một thói quen, không ai nói lời nào, ông Trắng đứng đầu ghe, ông Nén ngồi ở giữa giữ lưới chính, còn Trí phụ trách lái ghe.
Khi ghe đến điểm tập kết, ông Nén ra hiệu, hai người còn lại cầm chèo ở hai đầu để ghe nằm ngang với con sông rồi thả lưới. Khoảng 2 phút sau, ông Nén bắt đầu kéo lưới. “Mẻ cá đầu tiên nhiều hay ít cũng quyết định phần nào thành bại đến chuyến đi hôm đó”, ông Trắng chia sẻ rồi kể thêm: “Mình làm nhiều năm nên mình biết. Thường ở xung quanh khu vực này có bốn điểm có nhiều cá. Mỗi ngày tôi thay đổi điểm một lần và không cố định làm một điểm. Cứ hai ba ngày tôi quay lại điểm cũ”.
Để thả lưới được nhiều cá, ông Trắng cho rằng làm chài phải chùm gốc đến tận đáy, khi thả cho chài chìm sâu, cố định một nơi. Tiếp đến người chài ngậm ống khí lặn xuống đuổi cá cho vào lưới rồi từ từ kéo chài lên. Nhưng chẳng phải lúc nào cũng như ý, đó là chưa kể những rủi ro như chìm ghe khi gặp sóng lớn, thất bát khi đánh cá.
Ngư dân kéo lưới sau khi chài cá Ảnh: Phạm Hữu
|
Ông Dẫn có hơn 35 năm trong nghề đánh cá trên sông
|
Ký ức về săn cá hô
|
|
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND P.6, TP.Mỹ Tho, cho biết trước đây khi khu vực bờ kè chưa được xây dựng, nhiều hộ dân còn sinh sống cặp mé sông thường có nghề chài lưới trên sông để mưu sinh. Thế nhưng, sau khi bờ kè được xây dựng, những ngư dân đó đã chuyển đổi nghề khác sinh sống. Hiện tại, trên địa bàn phường chỉ còn một hộ vẫn sống với nghề chài lưới. Còn những ngư dân đang sống bằng nghề chài lưới thường cho ghe cặp tại khu bờ kè là những người của địa phương khác đến. “Theo chủ trương chung của thành phố, tới đây chúng tôi sẽ tổ chức thuyết phục, vận động những ngư dân này chuyển chỗ neo đậu sang phía cồn Tân Long để họ có thể tiếp tục ổn định cuộc sống, vì nơi đây sẽ cấm neo đậu ghe tàu trong tương lai”, bà Phượng nói thêm.
|
|
|
Khác với chài lưới trên sông, ngư dân Đặng Văn Dẫn (49 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) chọn cách đánh lưới nhẹ nhàng hơn.
Mỗi đêm, ông cùng chiếc xuồng máy nhỏ rời bờ bon bon vượt sông lớn để tiến về ngư trường truyền thống. Khi đến sát bờ cồn Thới Sơn, ông Dần tắt máy, thả neo chuẩn bị đánh lưới. Dụng cụ mưu sinh chỉ có tấm lưới lớn dài chục mét dùng để đánh bắt cá tra, sủ, ngát, chép.
Trong thời gian chờ đến nửa đêm để kéo lưới, ông Dẫn tiết lộ: “Bắt được cá tùy thuộc theo luồng cá di chuyển và theo từng mùa. Người đánh cá cũng phải canh theo con nước. Thường ngày 6 - 11 âm lịch hằng tháng, nước kém mới có cá nhiều. Nếu nước dịu lại thì tôi bủa lưới, còn nước chảy mạnh thì nghỉ đợi nước êm mới làm tiếp”.
Kinh nghiệm là vậy nhưng ông Dẫn cũng thừa nhận nghề đánh cá trên sông còn phụ thuộc rất nhiều ở độ may rủi. “Lắm khi đánh lưới lớn về không có con nào, khi được vài con vì cá lớn rất hiếm, tùy theo luồng cá có đi hay không”, ông Dẫn chia sẻ.
Từ năm 12 tuổi, ông Dẫn đã theo cha đánh lưới cá cơm tận vùng quê Cao Lãnh rồi đến Sa Đéc (Đồng Tháp). Đến năm 16 tuổi, ông tập đánh lưới quàng bắt cá hô. Những năm sau này, cá hô ngày càng ít đi, ông phải rời bỏ quê hương đến vùng hạ lưu thuộc TP.Mỹ Tho tiếp tục làm ghe cào, đánh lưới.
Nhắc về ký ức săn cá hô khi xưa, ông Dẫn thổ lộ nghề bắt cá hô được truyền từ ông ngoại sang đời cha rồi mới đến ông.
Để bắt được cá “khủng” phải là những ngư dân lành nghề, bơi giỏi, có sức khỏe tốt. Khoảng hơn 20 năm trước, cá hô ở vùng Cao Lãnh nhiều vô số. Chỉ cần chịu khó chèo xuồng thả lưới, khoảng trong tuần trăng là bắt được cá. Tổng lượng cá hô ông Dẫn bắt lên đến hàng trăm con. Con cá hô đầu tiên ông bắt nặng đến 46 kg. Tuy vậy, đó chưa thấm tháp gì so với con cá hô lớn nhất ông từng bắt cân nặng đến 138 kg.
“Đi trên sông mà gặp cá lớn là tôi khoái lắm. Có khi nước êm thấy cá quẫy đùng đùng như cây ngã thấy mà ham”, ông Dẫn kể.
Còn ông Nén nhớ lại thời điểm chục năm trước khi còn chài lưới ở vùng Mỹ Thuận, một con cá hô lớn trên 100 kg lọt vào lưới. Đó là lần làm ông mất sức nhiều nhất khi chài lưới. Ông kể: “Khi kéo lưới tôi thấy có gì đó nặng nặng khác với thường ngày. Linh tính nói tôi biết đã dính cá hô rồi. Tôi kéo lưới từ từ, nhưng càng kéo con cá càng quẫy mạnh, tôi bị rớt xuống nước mấy lần. May có anh em phụ giúp, tôi nhảy xuống sông luồn tay vào mang lật ngửa bụng cá lên mới khống chế được”.
Ông Trắng và ông Nén thả lưới kéo chài đánh cá Ảnh: Phạm Hữu
|
Không muốn bỏ nghề
Ở làng chài trên dòng sông Tiền, ngoài các ông Dẫn, Nén, Trắng còn có nhiều gia đình chài lưới khác cũng gắn với “cuộc sống gạo chợ nước sông” như lời ông Trắng nói. Các ngư dân thường lang bạt khắp miền Tây Nam bộ. Hễ nơi đâu nhiều cá họ lại đến, tá túc lâu hơn. Người làm nghề chài đa phần là dân tản cư, không đất đai canh tác. Còn nghề được truyền từ đời này qua đời khác.
Ông Trắng tâm sự: “Nghề này được cái ăn toàn đồ tươi ngon. Làm việc không lệ thuộc vào ai, có làm mới có tiền, không làm thì không có tiền. Làm nghề không dư dả gì nhiều, tiền kiếm được cũng bù đắp chi phí sửa máy, đóng lại ghe mới”.
Ngoài công việc thường ngày, chiều đến ngư dân tụ tập bên chén rượu, chia sẻ về những lần bắt cá. Tuy nhiên, điều làm những lão ngư trăn trở nhất về nghề là không có người nối dõi. Các thanh niên thường bỏ ngang do việc quá cực, ít tiền, cuộc sống không ổn định.
Chỉ đối với các lão ngư, nghề đánh cá trên sông đã ăn vào máu, không thể bỏ được và sẽ cố bám trụ đến khi không còn sức lực mới thôi.
Bình luận (0)