Lịch sử 260 năm từ Châu Đốc đạo đến TP.Châu Đốc

09/10/2017 13:02 GMT+7

Từ khi hình thành đến nay, vùng đất Châu Đốc (An Giang) đã tròn 260 năm (1757 - 2017) và vẫn không ngừng phát triển về mọi mặt.

Hội thảo khoa học “Lịch sử 260 năm từ Châu Đốc đạo đến TP.Châu Đốc”, thu hút đông đảo nhà khoa học, học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tham gia.
Đánh giá đầy đủ hơn về Châu Đốc
Theo GS-TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội liên hiệp KHLS VN, Châu Đốc đạo ra đời năm 1757 trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Châu Đốc xưa là đất Tầm Phong Long và ngược về quá khứ, vào thời dựng nước cách nay khoảng 2.000 năm, nơi đây nối liền một dải với trung tâm văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, trung tâm của nền văn minh thành thị lâu đời, rực rỡ nhất ở VN và khu vực Đông Nam Á. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước và với tầm nhìn quốc gia, ông cho rằng: “Bờ cõi Châu Đốc không kém Bắc thành”.
Vì thế, ông đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Châu Đốc. Năm 1808, ông cho lập trấn Vĩnh Thanh và lấy Châu Đốc làm trấn lỵ. Năm 1816 tổ chức đắp đồn Châu Đốc, chiêu tập người Kinh, Hoa, Khmer đến tụ cư và tổ chức đào kinh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, TX.Châu Đốc không có điều kiện phát triển nhưng 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Châu Đốc đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một thị xã nhỏ vùng biên nay trở thành đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Nhiều trường học, bệnh viện, đường xá, cơ sở hạ tầng được tu sửa, mở rộng, xây mới xứng tầm một đô thị phát triển.
Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP.Châu Đốc nhận định hội thảo khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Châu Đốc đánh giá đúng, đầy đủ hơn về quá trình phát triển của Châu Đốc xưa và nay. Qua đó làm sáng tỏ công lao của các vị tiền nhân, làm phong phú thêm lịch sử hình thành và phát triển Châu Đốc, giúp thành phố bổ sung nguồn tư liệu quý giá để biên soạn lịch sử địa phương và có cơ sở xây dựng những công trình văn hóa, trường học, đặt đổi tên đường cũng như đề xuất hình thức tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Hướng tới thành phố du lịch
Theo ông Bá, TP.Châu Đốc nằm bên ngã ba sông Châu Đốc và sông Hậu, tạo nên thế sông núi hữu tình, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương kinh tế trong nước và biên giới. Châu Đốc có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích được công nhận cấp quốc gia và 2 di tích được công nhận cấp tỉnh.
Đặc biệt, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là lễ hội cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, Châu Đốc thu hút trên 4,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. “Thông qua hội thảo này giúp đánh giá lại chặng đường hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển quê hương Châu Đốc, góp phần quảng bá, kêu gọi đầu tư theo đúng mục tiêu xây dựng và phát triển Châu Đốc thành đô thị du lịch”, ông Bá cho biết.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định Châu Đốc hoàn toàn có cơ sở đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại 1, là thành phố du lịch nổi tiếng của VN. Ông lưu ý Châu Đốc chỉ có thể phát triển bền vững khi có chính sách nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả tất cả các nguồn lực; trong đó nguồn lực lịch sử, văn hóa là hết sức quan trọng. Còn theo ông Lương Chánh Tòng, Bảo tàng lịch sử TP.HCM, Châu Đốc vẫn còn một “kho báu” phục vụ du lịch. Đó là lăng mộ Thoại Ngọc Hầu tại triền núi Sam với nhiều cổ vật, di vật tùy táng hấp dẫn du khách.
Theo các đại biểu, Châu Đốc hội đủ điều kiện để phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa - tâm linh… nhưng để duy trì bền vững, Châu Đốc phải đẩy mạnh kinh tế mậu dịch biên giới với Campuchia và các nước ASEAN, mở rộng các tuyến, loại hình du lịch để thu hút khách tham quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.