CSGT toàn quốc đang ra quân tổng kiểm soát từ 15.5 - 14.6.2020, nhiều trường hợp người được yêu cầu dừng xe không xuất trình được đủ các loại giấy tờ xe như: bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe...
Các trường hợp không xuất trình được bằng lái xe ở thời điểm kiểm tra (vì đã mất) thắc mắc việc mang hồ sơ gốc thi bằng lái lên xuất trình cho CSGT thì có được xem như là có bằng lái xe hay không?
Lãnh đạo một đội CSGT ở TP.HCM cho hay, theo Luật Giao thông đường bộ, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy, khi tham gia giao thông mà người lái xe không có hoặc có mà không đem theo thì đều là vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị lập biên bản xử phạt.
|
Theo vị CSGT, tại thời điểm kiểm tra nếu người lái xe không xuất trình được các loại giấy tờ trên thì CSGT sẽ lập biên bản lỗi: "Điều khiển xe mà không có bằng lái/ đăng ký xe/ bảo hiểm xe...". Tới khi lên trụ sở đóng phạt, nếu người lái xe xuất trình được các loại giấy tờ trên, CSGT sẽ ra Quyết định xử phạt lỗi: "Điều khiển xe mà không mang theo bằng lái/ đăng ký xe/ bảo hiểm xe...".
"Trường hợp có bằng lái nhưng bị mất, chỉ còn giữ hồ sơ gốc thi bằng lái thì hồ sơ này cũng không thay thế được bằng lái. Khi xuất trình hồ sơ, người lái xe vẫn bị xử phạt như không có bằng lái xe. Do vậy các trường hợp bị mất bằng lái, mà còn hồ sơ gốc thì cần làm thủ tục cấp lại bằng lái", lãnh đạo đội CSGT thông tin.
Theo Nghị định 100:
- Đối với ô tô: Người điều khiển không có bằng lái xe bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng; không mang theo bằng lái bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.
- Đối với xe máy: Người điều khiển không có bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng; không mang theo bằng lái bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
|
Bình luận (0)