Mẹ GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn: 'Mong con nên người, không cầu danh vọng'

06/03/2019 12:12 GMT+7

Cũng không hẳn là tình cờ khi mà hai bà mẹ của hai giáo sư người Việt nổi tiếng bậc nhất trong giới hàn lâm hiện nay (GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn) đều có quan niệm về nuôi dạy con khá tương đồng.

Khởi điểm hành trình làm mẹ của họ đều là mong ước rất đơn giản: làm sao cho con đủ ăn đủ mặc, làm sao mình có đủ thời gian để gần gũi chăm sóc con, chứ không hề mảy may nghĩ đến chuyện mai sau con có danh vọng!

Con luôn được sống vui vẻ trong tình yêu thương

Cho đến nay, bà Trần Lưu Vân Hiền, thân mẫu của GS Ngô Bảo Châu, vẫn thường được ông nhà, GS Ngô Huy Cẩn, gọi đùa là “cành vàng lá héo”. Sở dĩ có câu nói vui này là bởi bà Hiền xuất thân trong một gia đình tư sản, dòng dõi “trâm anh” gốc Huế nhưng sinh sống nhiều đời ở Hà Nội. Nhưng rồi như bao phụ nữ cùng thế hệ, bà Hiền đã phải trải qua những tháng ngày dài vật lộn bươn chải để mưu sinh, nuôi dạy con trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn.
Bà Hiền tâm sự: “Châu được sinh ra trong chiến tranh nên đời sống càng chật vật. Chú thì đi bộ đội, cô một mình nuôi con. Nên lúc đó trong tâm trí lúc nào cũng chỉ lo chuyện làm sao cho con đủ ăn, đủ mặc, khỏe khoắn, mẹ có đủ thời gian chăm lo, gần gũi con trong cuộc sống thường ngày, để con được sống luôn vui vẻ trong tình yêu thương của gia đình. May mà trời thương cô nên Châu cũng dễ nuôi, ăn được ngủ được”.
Khi được hỏi về kinh nghiệm dạy con thành tài, bà Hiền tỏ ra bối rối: “Cô cũng không có triết lý gì sâu sắc cả. Hồi đó cũng chẳng ai bày ai dạy cho là phải dạy con thế nào, sách vở cũng làm gì có mà đọc. Mỗi ngày cứ thế trôi qua bình thường, tự nhiên. Nên cô nghĩ, nếp sống của gia đình nói chung và người mẹ trong gia đình nói riêng là yếu tố quan trọng giúp hình thành nên tính cách, nói khái quát lên thì đó là cách sống, cách suy nghĩ, nhân cách của đứa con”.
Rồi bà Hiền nêu ví dụ: “Cô đi làm rất vất vả, nhưng bao giờ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người phụ trách chuyên môn của cô từng nhận xét, cô vừa được cái đầu, vừa được cái tay. Cô đã từng 15 năm mới lên được một bậc lương. Vì ngày xưa mỗi lần lên lương chỉ 10% số người được xét, nên mỗi đợt bình xét là người ta cứ phải tranh nhau. Còn cô vì bản tính ngại tranh giành nên cứ ngồi yên, bao giờ được thì được. Nói chung là cô cứ chỉn chu trong đời sống của mình, không bon chen, không tranh giành lợi lộc gì với ai, thì về sau những cái tốt đẹp tự nhiên nó cứ đến với mình. Cô nghĩ đó là trời cho”.
Bà Trần Lưu Vân Hiền (ngoài cùng bên trái) , GS Ngô Bảo Châu (ngoài cùng bên phải) cùng bà ngoại và con gái của GS Châu Ảnh: Hồng Hạnh.
Nhưng bà Hiền cũng cho rằng, bà may mắn vì sự hình thành, phát triển nhân sinh quan của con mình được chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông ngoại.
“Bố cô vốn là một cựu học sinh trường Bưởi, một trí thức sống tự trọng, sống đàng hoàng. Dù khi còn sống trong một gia đình danh giá, hay khi phải trải qua hàng chục năm khó khăn cho đến cuối đời, lúc nào ông cũng giữ được nếp nhà. Từ cách nghĩ của ông mà cả nhà tôi coi việc học là điều bình thường, hiển nhiên như việc phải ăn, phải ngủ. Tôi được bố mẹ cho học đủ thứ, không chỉ học chữ mà còn học nhạc, học vẽ, học cả nữ công gia chánh. Khi có Châu thì Châu cũng được hưởng cái nếp học đủ thứ giống như cô trước đây”.
Một giá trị khác mà bà Hiền được thừa hưởng từ “nếp nhà” của đại gia đình mình là tôn trọng, không lấy quyền làm cha làm mẹ mà áp đặt, hay gây áp lực gì cho con.
“Ngay cả khi Châu yêu thích và tỏ ra có năng khiếu đặc vượt trội về toán, cô cũng không bao giờ tỏ ra kỳ vọng, muốn Châu phải đạt được một cái gì quá lớn lao. Thực tâm cô luôn mong muốn Châu có cuộc sống bình thường, vì cô cứ nghĩ những người làm toán họ cứ có cái gì đó “khá đặc biệt. Nhưng cô vẫn để cho con làm những gì mình thích. Khi con thành công, tất nhiên là cô chú rất vui. Nhưng cô còn mừng hơn khi thấy con phần nào là bản sao của mình trong cách sống, dù bố mẹ không thành đạt được như con. Một may mắn khác nữa là đến giờ Châu vẫn là người con sống rất tình cảm trong gia đình nhỏ của cô chú, là người mà được rất nhiều bạn bè yêu quý”, bà Hiền chia sẻ.

Dạy con biết yêu thương, trân quý gia đình

Bà Đào Thị Hường, mẹ của GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ), một chuyên gia hàng đầu thế giới về toán rời rạc, thì vất vả từ bé. Bà mồ côi mẹ từ năm 2 tuổi, nhà có 5 chị em toàn loại “trứng gà trứng vịt” nên cả mấy chị em bà đều phải lao động giúp bố ngay từ những ngày còn đi học. Vì thế bà chỉ có thể học được đến lớp 9 thì phải nghỉ để “nhường” quyền đi học cho em trai, dù bà rất tiếc vì ham học và học rất tốt.
Sau khi lập gia đình, bà đã quyết tâm đi học tiếp rồi thi đỗ vào trường đại học dược, trong bối cảnh vẫn phải đi làm. Việc này được chồng bà, nhà thơ Vũ Quần Phương và mẹ chồng ủng hộ, nên họ đã hỗ trợ bà hết sức để cùng chăm cậu nhóc Vũ Hà Văn lúc đó vừa mới chào đời và trong suốt quãng đời dài sau đó.
Chỉ mong con nên người chứ không cầu danh vọng
GS Vũ Hà Văn (ngoài cùng bên trái) cùng bố mẹ và em trai Ảnh Hương Phan.
Cũng như PGS Trần Lưu Vân Hiền, trong suốt quãng thời gian nuôi dạy con, bà Hường và nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ nghĩ rằng rồi con mình sẽ thành người danh giá, dù khi đó nhà thơ Vũ Quần Phương đã nổi tiếng bởi tài làm thơ và bình thơ. 
“Cô chỉ mong cho con học giỏi, được học trong một môi trường giáo dục tốt, được chơi với các bạn tốt, biết yêu thương bố mẹ, anh em biết đùm bọc, chăm sóc nhau”, bà Hường tâm sự.
Vì thế, khi các con đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, những ước mơ của bà Hường rất đơn giản. Chẳng hạn mong cho anh lớn Vũ Hà Văn học nghề kỹ sư điện tử, sau này có thể sửa được ti vi để tăng thêm thu nhập. Hoặc mong cho cậu con trai bé Vũ Thanh Điềm đỗ đại học điểm cao ở trong nước, được học bổng, đỡ phần nào chi phí nuôi con ăn học cho bố mẹ. Nhưng rồi Điềm thì thủ khoa mấy trường đại học, được học bổng du học ở Úc, giờ là chuyên gia của hãng Google. Còn anh Vũ Hà Văn thì được học bổng sang Hungary học đại học, sang Mỹ làm tiến sĩ, giờ thành giáo sư toán học nổi tiếng, được Tập đoàn Vingruop mời về điều hành Viện Big Data và quỹ phát triển nghiên cứ khoa học nghìn tỉ.
Bà Hường nhớ lại: “Hồi đó tự nhiên giữa cô và chú hình thành một sự phân công, cô thì lo việc hậu cần, cơm nước, chăm sóc các con buổi tối, còn chú thì đưa đón và sát sao với các hoạt động ở trường của các con. Nếu chỉ có một mình Văn thì đơn giản, nhưng khi có thêm Điềm thì cô phải vừa chăm Điềm, vừa dành thời gian để tối nào cũng ngồi cùng học với Văn. Bố thì tìm thầy cô tốt, tìm trường tốt cho con học. Nếu trường tổ chức cho các con đi tham quan, bố lại xin được tham gia đi cùng với tư cách ban phụ huynh để vừa có thêm thời gian gần con, vừa trông chừng con, đảm bảo con được an toàn tuyệt đối”.
Điều khiến bà Hường tự hào hơn cả về các con mình là tình cảm yêu thương mà các con dành cho nhau, dành cho bố mẹ. Mỗi ngày, cậu bé Văn được giao nhiệm vụ phải gấp 100 túi giấy đựng hộp dầu cao sao vàng. “Đó là một việc làm thêm mà cô nhận để có tiền trang trải cho cuộc sống mà người lớn làm là chính. Gấp 100 cái thì có được mấy xu tiền công đâu, nhưng cô muốn Văn làm để con cảm nhận và chia sẻ được cái vất vả lo việc mưu sinh của bố mẹ, có ý thức quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền. Chẳng thế mà hồi học ở Hungary, lần đầu tiên về thăm bố mẹ, chi tiêu tằn tiện lắm Văn mới tiết kiệm được 100 USD và đã phải tìm cách mang về biếu bố mẹ (giấu trong gấu quần), nghĩ lại mà thương quá!”, cô Hường kể.
Rồi một kỷ niệm khác mà cả nhà hay nhắc tới là hồi anh Văn (lúc ấy đang làm nghiên cứu sinh ở ĐH Yale) cất công “bay” từ Mỹ về chỉ để được chăm sóc em khi em đi thi đại học. Đến giờ Điềm vẫn trêu, nhờ anh Văn về mở cửa cho Điềm để Điềm bước chân ra ngoài đi thi đại học, rồi đến trường đón Điềm về sau khi thi xong, nên Điềm được “hưởng vía” của anh mà đỗ thủ khoa mấy trường.
Cô Hường cho biết thêm: “Hồi đi học ở Hungary, Văn đều đặn hàng tháng có thư gửi về cho bố mẹ và em, bố mẹ một thư, em Điềm một thư riêng, nội dung thư gửi cho em bao giờ cũng kèm theo một đề toán mới cùng với lời giải của bài toán kỳ trước nếu Điềm làm sai. Đây là một việc làm mà Văn giữ được rất đều đặn trong suốt 5 năm học ở Hungary”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.