Không quá khó khăn để chúng tôi hỏi đường đến nhà bà Thuân ở thôn Đẩu Phượng 4, P.Văn Đẩu, bởi ai cũng biết hoàn cảnh bi đát của gia đình này với 3 người con trai tâm thần.
Vừa bước chân vào cổng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng hát yếu ớt vang lên từ căn buồng nhỏ xíu được khóa chặt. Một người đàn ông gầy gò, râu tóc bù xù, không mảnh vải che thân thò đầu ra nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn, nhoẻn miệng cười, rồi cất tiếng hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”. “Nằm đấy mà đẹp, nó hát luyên thuyên đấy, không biết gì đâu, chú đừng để ý”, bà Thuân vừa nói vừa đưa cho người đàn ông kia một hộp sữa.
Đó là Vũ Đức Cường, 33 tuổi, con trai cả của bà Thuân. “Cường sinh ra mạnh khỏe, cao to, đẹp trai. Nó được ăn học đàng hoàng đến hết năm lớp 12 thì phát bệnh. Cường gặp ai cũng chửi, cũng đánh. Lúc nó lên cơn thì khỏe vô cùng, mấy người đàn ông không giữ nổi”, bà Thuân rơm rớm nước mắt nhớ lại. Con trai đang khỏe mạnh trở bệnh tâm thần, bà Thuân chạy chữa khắp nơi không khỏi.
Anh Vũ Đức Cường đợi mẹ tiếp tế qua ô cửa bé tí của “chuồng” Ảnh: Lê Tân
|
“Hồi nó mới phát bệnh, tôi đưa lên Bệnh viện tâm thần Hải Phòng chữa 3 tháng nhưng không tiến triển gì. Tôi về thăm nhà, thấy ông nhà tôi và hai đứa con còn lại xơ xác chỉ còn da bọc xương mà khóc. Tôi đành đưa Cường về, xây chuồng nhốt nó. Tôi đau lắm nhưng không còn cách nào khác", giọng bà Thuân trầm xuống.
Lúc bình thường, Cường rất hiền, còn hay ra cửa chuồng “buôn chuyện” với mẹ. “Trong đầu nó còn có ít chữ nên thi thoảng nói nhiều câu hay đáo để. Rồi lúc nó nhớ thì hỏi chuyện làng xóm và còn hát nữa. Dù sao nó cũng là người duy nhất tôi nói chuyện được trong nhà này”, bà Thuân chia sẻ. Đây là những lúc anh Cường bình thường, còn khi lên cơn, Cường chửi bới, hò hét, ai thò tay vào là Cường túm lấy cắn xé. Có lần anh Cường còn bẻ gãy tay bà Thuân.
Chồng bà Thuân, ông Vũ Đức Ẩm đã mất cách đây 4 năm vì ung thư máu. Hồi thanh niên, ông Ẩm nhanh nhẹn, tháo vát. Tuy nhiên, sau khi đi bộ đội về có dấu hiệu tâm thần, sức khỏe ông Ẩm suy yếu. Bà Thuân thì không biết chữ, không đi làm được công nhân nên quanh quẩn với ruộng vườn. Có người mai mối cho bà lấy ông Ẩm bà đồng ý vì "tôi thất học, ông ấy cũng không được như người ta, thôi thì “khoai bồng quấn nhau”, nhưng cuối cùng khoai chẳng ra khoai, bồng chẳng ra bồng.
Tiếng là bị thương sau khi đi bộ đội, nhưng ông Ẩm không có chế độ gì vì bao nhiêu giấy tờ ông ấy đốt hết lúc lên cơn động kinh”, nói rồi, bà Thuân không kìm được nước mắt. “Nói không phải là trách móc ông ấy nhưng lúc còn sống ông Ấm cũng không đỡ đần gì được. Cả ngày chỉ ngồi hút thuốc lào rồi đi lang thang. May ra lúc tỉnh táo nhất ông ấy còn đi tìm mấy con cho tôi…”, bà Thuân nhìn lên di ảnh ông Ấm nói.
Trong khi anh Cường đến năm lớp 12 mới phát bệnh thì anh Vũ Đức Dũng bị bệnh từ khi mới lọt lòng. “Chân tay nó cứ teo đi không cầm nắm được gì, không nói được. Nó hay bỏ nhà đi không biết đâu mà tìm. Lần cuối cùng nó bỏ nhà đi là qua tận Thủy Nguyên nằm co ro ở ven đường. Mấy anh công nhân công ty nước ngọt cho vào xưởng đút cho ăn rồi đăng tin báo, có người đến mách tôi mới chạy đi đón con về. Sợ nhất là nó hay đi phá mộ của người ta. Vì thế sau khi nhốt Cường được một thời gian. Tôi lại cố vay mượn xây thêm cái chuồng nữa, cho Dũng vào đó”, bà Thuân vừa khóc vừa kể.
Cứ như thế, hai người con trai vốn là niềm hy vọng lớn lao đổi đời của bà Thuân bây giờ sống vô hồn, khốn khổ. Đông cũng như hè, hai anh đều không chịu mặc quần áo. Anh Cường còn biết đắp chăn trùm kín đầu để hát còn anh Dũng thì tuyệt nhiên không chịu mặc, đắp cái gì. Tuy nhiên anh Dũng không đánh người và rất yếu nên ngày nào bà Thuân cũng mở cửa vào với anh Dũng một chút để hỏi han, kiểm tra xem anh Dũng có ốm đau hay sứt mẻ gì không.
|
|
|
Thôi chú đừng hỏi nhiều, nó cắn đấy. Từ bé đến giờ nó bị chó dại cắn 3 lần, may mà còn sống, nhưng uống nhiều thuốc thành ra ngây dại, lầm lì và cáu bất thường. Tôi chuẩn bị tinh thần rồi, nếu nó có phát bệnh thì cũng phải xây chuồng mà nhốt thôi
|
|
|
Bà Thuân
|
|
|
Mọi sinh hoạt của anh Dũng và anh Cường đều gói gọn trong căn phòng lạnh lẽo. Cứ đến bữa ăn, bà Thuân đưa vào chuồng một bát cơm với rau. “Mỗi ngày một lần, tôi lấy vòi phun nước vừa rửa phòng vừa tắm cho hai đứa luôn. Nước lạnh lắm nhưng không biết làm cách nào khác", bà Thuân nói.
Trong khi chúng tôi nói chuyện thì người con thứ 3 của bà Thuân là anh Vũ Đức Hải (26 tuổi) cứ đi ra đi vào. Thoạt nhìn, anh Hải rất bình thường, ăn mặc rất gọn gàng, chỉ có điều, hỏi gì cũng không nói. “Thôi chú đừng hỏi nhiều, nó cắn đấy. Từ bé đến giờ nó bị chó dại cắn 3 lần, may mà còn sống, nhưng uống nhiều thuốc thành ra ngây dại, lầm lì và cáu bất thường. Tôi chuẩn bị tinh thần rồi, nếu nó có phát bệnh thì cũng phải xây chuồng mà nhốt thôi”, bà Thuân rầu rĩ. Theo người mẹ khốn khổ này, đứa con út của bà thi thoảng lại đi biệt tích cả tháng trời rồi mới về. Có lần còn mang thêm vết thương trên người. Cũng có vài lần anh Hải xin được việc làm, thế nhưng chỉ vài ngày là anh Hải đánh chủ. “Tôi nghe họ nói thằng Hải tuy ít nói nhưng nếu ai trêu hay mắng nó là nó nổi khùng đập phá đồ đạc, đánh mọi người”, bà Thuân cho biết.
Bà Thuân bảo bây giờ bà không còn sức mà đi tìm con hay làm việc nặng nữa rồi. Bà mới mổ cắt túi mật nên sức khỏe yếu. “Cũng may, ban đêm tôi không ngủ được nên đi lượm ve chai. Ban đêm người ta đi ngủ hết nên tôi nhặt được nhiều hơn ban ngày. Giờ đó là việc duy nhất tôi làm được để kiếm sống”, bà tâm sự. Theo một cán bộ chính sách P.Văn Đẩu thì 3 người con nhà bà Thuân được hỗ trợ 405.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, thi thoảng cũng có nhà hảo tâm đến cho ít tiền, gạo. “Tôi cũng không nhớ ai cho gì, cho bao nhiêu. Tôi không biết chữ thì làm sao mà ghi lại. Thôi được cái gì tốt cái ấy. Cố sống khỏe còn trông các con. Tôi mà làm sao thì...”, giọng bà Thuân nghẹn lại.
Kể gần xong câu chuyện đời mình cũng là lúc bà Thuân chuẩn bị cơm cho các con. Bà lôi rổ rau muống lại gần chỗ anh Cường, vừa nhặt rau vừa nói chuyện với con, khi anh này đã tỉnh và biết nói chuyện với mẹ.
Trao đổi với chúng tôi ông Vũ Đức Thu, tổ trưởng tổ dân phố khu Đẩu Phượng 4, phường Văn Đẩu cho biết: “Hoàn cảnh của mẹ con bác Thuân là cực kỳ khó khăn. Có thể nói đây là hộ nghèo bền vững và rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Chúng tôi luôn dành cho bác Thuân và các con những chế độ tốt nhất. Ngoài ra bất cứ khi nào bác Thuân cần tôi và bà con hàng xóm đều sẵn sàng qua giúp đỡ”.
Bình luận (0)