Món ăn Việt chinh phục xứ người

01/07/2005 17:46 GMT+7

Món ăn Việt ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Từ năm 2002 đến nay đã có những đoàn chuyên gia về ẩm thực Việt đi giới thiệu món ăn Việt ở châu u, châu Mỹ, một số nước châu Á và đã tạo được thiện cảm với giới chuyên môn cũng như những thực khách của nước bạn. Để có thể mang văn hóa ẩm thực Việt ra nước ngoài, một số kinh nghiệm đáng quý đã được các chuyên gia ẩm thực Việt ghi nhận.

* Chọn nguyên liệu

Một chuyên gia ẩm thực người Pháp đã nói: ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có heo, bò, gà, vịt, hải sản… nhưng món ăn của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng riêng, khác nhau do cách sử dụng gia vị, khẩu vị cũng như cách nấu đã quyết định nên phong cách ẩm thực của nơi đó.

Để có thể nấu món ăn Việt Nam ở nước bạn, cần chú ý đến loại nguyên liệu, gia vị nào cần mang theo, loại nào có sẵn tại chỗ. Những loại gia vị, nguyên liệu đặc biệt như tía tô, rau răm, mắm ruốc Huế, tương… là những gia vị không có ở nước ngoài. Một số món như bánh tráng bán ở nước ngoài, thường là của Thái Lan, rất dày, không thể cuốn chả giò ngon như bánh tráng Việt Nam.

* Chọn lựa thực đơn để giới thiệu

Để giới thiệu sự đa dạng, phong phú của món ăn, chúng ta nên chọn loại hình buffet. Với một buffet giá từ 30 - 40USD trở lên sẽ dễ cho người lên chương trình giới thiệu món ăn Việt với những nguyên liệu cao cấp. Đồng thời với buffet kiểu này, cùng lúc chúng ta có thể nấu từ 30-40 món ăn ba miền. Khách nước ngoài sẽ có dịp thưởng thức cũng như có thể hình dung phần nào về văn hóa ẩm thực Việt.

Món ăn Việt về khẩu vị nói chung không thiên lệch quá về một cực nào nên dễ hợp khẩu vị nhiều dân tộc, lại có nhiều rau phù hợp với xu hướng ẩm thực hiện đại, cũng không quá cay như món ăn Hàn Quốc, Thái Lan. Món Việt cũng không nhiều dầu mỡ quá như món ăn Hoa, không dùng gia vị "mạnh" quá như món ăn Ấn Độ, không thiên về bơ, sữa như món ăn u…

Món ăn miền Bắc thường là những món nấu như: phở, miến, bún thang, bún mọc… do nước dùng của các món nấu miền Bắc thường tinh tế, thuần nhất về mùi vị; nếu bò thì chỉ toàn là xương, thịt bò; nếu là gà thì cũng vậy. Cách nấu này thường gần với khẩu vị của người u, Mỹ nên dễ được chấp nhận, ví dụ: phở là một món ăn hầu như quốc gia nào cũng thích.

Món ăn miền Trung, đặc biệt là món ăn Huế, có một vị trí quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực của chúng ta, thiên về tính đa vị, phối hợp rất nhiều nguyên liệu lẫn gia vị. Tuy nhiên phải chọn lựa sao cho hợp với thực tế, như món cơm hến phải có mười mấy thành phần nên không thể đủ điều kiện để giới thiệu khi ra nước ngoài. Do đó món ăn Huế thường được mang đi giới thiệu là bún bò, các loại bánh như bánh bèo, bột lọc… Hoặc những món cao cấp mang tính độc đáo của món ăn cung đình.

Món ăn miền Nam thường có ưu điểm nhiều rau như các món gỏi, gỏi cuốn; món nướng thường được phối nhiều gia vị khác nhau cho các nguyên liệu như thịt, hải sản, gia cầm… nên rất hấp dẫn người ăn do mùi thơm mỗi món rất khác nhau.

* Cải tiến cách nêm gia vị, sử dụng nguyên liệu

Trong món ăn của chúng ta, cách nêm nếm gia vị khi đem ra nước ngoài cũng cần có một số cải tiến. Như nước mắm pha, đa số thực khách đều ăn được, nhưng nước mắm thì mùi quá nặng đối với họ. Hoặc các loại mắm khó dùng nguyên, vì là xứ lạnh nên mùi của các thức này sẽ bám rất lâu trong thảm, màn,…

Để nấu bún bò, các đầu bếp thường dùng mắm ruốc Huế gói trong lá chuối rồi nướng lên, sau đó lóng vào nước. Khi nêm vào nồi nước dùng, họ chỉ lấy phần nước trong vừa có đủ hương vị, lại thơm hơn và ít nặng mùi.

Những nguyên liệu như cá chỉ chọn phần phi lê, vì người nước ngoài sợ xương. Hay như lươn phải bỏ đầu và lộn ngược phần thịt ra ngoài, da ở bên trong họ mới thích ăn. Tôm phải lột bỏ hết vỏ và đuôi. Tránh dùng những nguyên liệu như chè bột khoai, phải cắt ngắn cọng bột khoai, vì để dài họ hình dung là côn trùng, ngại ăn.

* Trình bày và thuyết minh món ăn

Đa số thực khách khi thưởng thức một món ăn của một đất nước, họ thường chú ý đến tính văn hóa của món ăn. Đó là những truyền thuyết về món ăn như bánh dày - bánh chưng của Việt Nam; hay cách thực hiện mang tính độc đáo, công phu ngày xưa chỉ dùng cho vua chúa như món yến... Đồng thời cách trình bày món ăn phải bắt mắt, vì trước tiên ai cũng thích ăn bằng mắt.

Để thể hiện được nội dung của món ăn, như gỏi cuốn, bao giờ trong đĩa cũng phải có một cuốn gỏi cắt đôi để người ăn có thể nhìn thấy được thành phần bên trong. Hướng dẫn cách ăn đủ hương vị, như món bánh xèo khá gần với các loại bánh crêpe của phương Tây, nhưng chúng ta có nước chấm và rau nên có hướng dẫn cụ thể họ rất thích.

Cũng cần lưu ý một số tập quán ăn uống của người u, Mỹ. Một chuyên gia ẩm thực Việt kể lại, khi đem món gà nướng lá chanh lên cho khách, họ không ăn vì cho rằng thiếu nước xốt. Vậy là đầu bếp phải vào chế biến ngay: dùng nước nướng gà pha với nước dùng, thêm những sợi lá chanh cắt nhuyễn cho vào xốt. Gà nướng lá chanh trở nên thơm ngon, đậm đà hơn lại hợp ý với khách.

Với ưu điểm là nhiều rau, ít dầu mỡ, gần với xu hướng ẩm thực hiện đại, món ăn Việt Nam ngày càng chinh phục được nhiều thực khách trên thế giới. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nghiên cứu cải tiến sao cho vẫn giữ được bản sắc văn hóa ẩm thực nước nhà, nhưng vẫn có thể hội nhập, giới thiệu nền văn hóa ẩm thực Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

Theo SGTT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.