Mong có 50 triệu đồng để thêm cơ hội được sống

11/05/2018 10:08 GMT+7

Sau 5 năm cầm cự với căn bệnh ung thư máu, gia cảnh đã kiệt quệ, ông Phạm Văn Thăng (51 tuổi, ngụ xã Dương Thành, H.Phú Bình, Thái Nguyên) đang cần một số tiền để ghép tế bào gốc.

Những ngày qua, ông Thăng được điều trị, theo dõi sức khỏe tại Khoa Huyết học - truyền máu Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) để truyền hóa chất lần thứ 14. Bác sĩ khoa huyết học truyền máu cho biết ông Thăng bị bệnh từ năm 2014 đến nay với chẩn đoán u lympho không Hodgkin tế bào B thể Manthe giai đoạn 4 tái phát/viêm gan B.
Hoàn cảnh gia đình ông Thăng rất khó khăn: hai vợ chồng đều làm nông, thu nhập hằng ngày phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng; 2 người con đều đã đi làm nhưng thu nhập vài ba triệu, bản thân cũng thiếu thốn nên không hỗ trợ được bố mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, Khoa Huyết học - truyền máu BV Bạch Mai, người theo dõi sức khỏe ông Thăng, cho biết: “Bệnh nhân Thăng cầm cự được gần 5 năm, lần này bệnh tái phát với nhiều tế bào ác tính, chúng tôi đã phải chỉ định truyền hóa chất trong khi chờ lọc máu lấy tế bào gốc chuẩn bị cho cuộc ghép tế bào gốc tự thân”. Theo bác sĩ Hưng, sau ghép tế bào gốc, bệnh nhân có thêm cơ hội sống lâu dài, nhưng nếu không được ghép, thời gian sống thêm chắc chỉ tính bằng tháng.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ ông Phạm Văn Thăng hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình ông Thăng trong thời gian sớm nhất.
Bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Bạch Mai, cho hay kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân điều trị ung thư máu hiện đã được BHYT chi trả hầu hết.
Tuy vậy, để đảm bảo cho kỹ thuật thành công, sau ghép, bệnh nhân cần được chăm sóc trong một môi trường rất đặc biệt như cách ly vô trùng tuyệt đối, chế độ ăn uống cũng đòi hỏi ở mức nghiêm ngặt để chống nhiễm khuẩn tối đa, bởi vì nếu không may nhiễm khuẩn thức ăn hay bất kỳ lý do gì, mọi cố gắng coi như vô nghĩa.
Kinh phí khoảng 40 - 50 triệu đồng, là ngoài các khoản do quỹ BHYT chi trả, nhưng bệnh nhân thì đã cạn kiệt tiền bạc. “Lúc này, tôi không mong gì hơn là được sống như người bình thường. Nhưng gia đình đã kiệt quệ, không thể có 50 triệu đồng để tìm cơ hội sống”, ông Thăng nói như chực khóc.
Trên gương mặt mệt mỏi, xanh xao là vẻ buồn bã và trĩu nặng âu lo. “Chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái và các tổ chức thiện nguyện để bệnh nhân Thăng được điều trị, giúp gia đình bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bác sĩ Bích Mận bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.